Hàng chục ngàn người tập trung tại các thành phố lớn ở Pakistan vào ngày 14.10 để bày tỏ sự ủng hộ đối với cô bé Malala Yousufzai 14 tuổi. Malala bị lực lượng Taliban bắn trọng thương vì cô bé này dám đấu tranh bảo vệ quyền đi học của phụ nữ và chỉ trích Taliban.
Hàng chục ngàn người tập trung tại các thành phố lớn ở Pakistan vào ngày 14.10 để bày tỏ sự ủng hộ đối với cô bé Malala Yousufzai 14 tuổi. Malala bị lực lượng Taliban bắn trọng thương vì cô bé này dám đấu tranh bảo vệ quyền đi học của phụ nữ và chỉ trích Taliban.
Những người biểu tình cầm biểu ngữ, ảnh của cô bé Malala Yousufzai, hô to khẩu hiệu phản đối việc lực lượng Taliban bắn bị thương cô bé này, ủng hộ lòng dũng cảm của cô bé khi cô bé lên tiếng bảo vệ quyền được đi học của phụ nữ Pakistan, theo tin tức từ Reuters.
Vào hôm 9.9, Malala Yousufzai đang trên đường từ trường học trở về nhà (khu vực thung lũng Swat, tây bắc Pakistan) thì bị tấn công.
Khu vực thung lũng Swat là nơi Taliban từng đóng chiếm nhưng sau đó bị quân đội Pakistan đánh đuổi ra khỏi đây vào hồi năm 2009.
Nhưng gần đây, các tay súng Taliban bắt đầu xuất hiện trở lại tại khu vực này, theo Reuters.
Malala đã "gây thù chuốc oán" với Taliban khi công khai lên tiếng bảo vệ quyền đi học cho phụ nữ, vì Taliban rất “dị ứng” với việc phụ nữ đi học và rất xem thường phụ nữ.
Người biểu tình cầm ảnh cô bé dũng cảm Malala Yousufzai - Ảnh: Reuters
Malala từng đóng góp nhiều bài viết cho BBC khi cô mới 11 tuổi, công khai chỉ trích Taliban, lên tiếng bảo vệ quyền đi học cho phụ nữ Pakistan.
Thời gian gần đây, cô bé xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông và được tôn vinh là công dân dũng cảm.
Lực lượng Taliban lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công Malala, quy tội Malala cổ súy cho lối “suy nghĩ phương Tây”.
Cảnh sát Pakistan đã bắt giữ ít nhất ba nghi phạm có liên quan đến vụ tấn công, nhưng hai tay súng trực tiếp tiến hành vụ tấn công vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật.
Các tay súng Taliban bắn trúng cổ Malala và viên đạn xuyên qua cột sống. Hai người bạn cùng lớp của Malala cũng bị thương.
Các bác sĩ tại một quân y viện đã làm phẫu thuật lấy viên đạn ra khỏi cổ Malala và tình hình sức khỏe của Malala tạm thời có chút cải thiện khi cô bé có thể cử động tay, chân vào hôm 14.10.
Cũng vào ngày 14.10, các bác sĩ dự định đưa Malala ra nước ngoài chữa trị. Họ đã tháo máy hô hấp nhân tạo cho Malala một lúc nhưng phải gắn lại để tránh cho cô bé bị khó thở.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) lên kế hoạch triển khai một máy bay cấp cứu dành riêng cho Malala, đại sứ Pakistan tại UAE Jamil Ahmed Khan cho biết vào ngày 14.10.
Ông Khan cho biết thêm visa đã được cấp cho phi hành đoàn và sáu bác sĩ trên máy bay này để đưa Malala sang UAE điều trị.
Reuters ngày 15.10 dẫn lời phát ngôn viên quân đội Pakistan cho rằng Malala sẽ được đưa sang Anh để điều trị vết thương.
Phúc Duy
Theo Thanhnien