Giờ thì Huyền đã có một mái nhà để lo toan và chăm bẵm, nhưng cô vẫn giật mình mỗi khi nhớ lại quá khứ. Từng là gái buôn phấn bán hương lại dính vào ma túy, Huyền chẳng mong gì hơn được sống yên bình với người bà nội đau đáu một đời xót thương đứa cháu mồ côi.
Giờ thì Huyền đã có một mái nhà để lo toan và chăm bẵm, nhưng cô vẫn giật mình mỗi khi nhớ lại quá khứ. Từng là gái buôn phấn bán hương lại dính vào ma túy, Huyền chẳng mong gì hơn được sống yên bình với người bà nội đau đáu một đời xót thương đứa cháu mồ côi.
3 năm đi tù đã giúp Nguyễn Thị Huyền, SN 1980, ở Hải Hòa, Thanh Hóa cứng cáp lên rất nhiều. Cô đã có đủ nghị lực để vượt qua sự dè bỉu của dư luận, vượt qua những kỳ thị và ánh mắt không mấy thiện cảm của mọi người để về với cuộc sống lương thiện dẫu chẳng mấy dễ dàng với những người có nhiều tì vết. Ba năm trong tù, thời gian đủ để cô dự tính cho một quyết định tìm lối thoát cho cuộc sống sau này.
Chính vì thế mà từ trại giam trở về nhà chưa được bao lâu, Huyền đã mạnh dạn sửa lại ngôi nhà của bà nội để bán hàng. Chỉ là quán bán ốc luộc và ít bánh khoai rán nhưng với Huyền, đó là cả một quyết tâm lớn, quyết tâm của một con nghiện vốn chỉ biết mua vui cho những kẻ thèm của lạ để lấy tiền tồn tại và thỏa mãn cơn thèm ma túy.
Huyền sinh ra trong một gia đình sống bằng nghề chài lưới, khi cô chưa tròn tiếng gọi thì bố đã bỏ mạng trong một lần ra khơi. Còn quá trẻ để đèo bòng, mẹ Huyền lặng lẽ bỏ vào Nam kiếm sống, để đứa con còn thơ dại cho mẹ chồng. Huyền cứ thế lớn lên, lăn lóc như củ khoai ngoài đồng, sống bằng bát canh nghèo của bà nội.
Ông trời chẳng nỡ lấy đi của ai tất cả, với Huyền cũng thế. Sống vất vưởng, bữa đói bữa no nhưng càng lớn Huyền càng thon thả, nước da trắng bóc, mỡ màng như con nhà đài các. Đáng tiếc là do không được bà uốn nắn từ nhỏ nên cô cứ “vung vãi” nhan sắc của mình theo những cuộc tình chớp nhoáng để rồi trượt mãi cho tới khi vào trại giam.
Nhớ lần gặp cô khi còn đang cải tạo ở trại giam Thanh Phong, hôm tôi gặp, Huyền đang theo học lớp xóa mù chữ nhưng cô bảo vì bỏ học lâu rồi, vả lại chỉ học có lớp 2 nên giờ chẳng nhớ được chữ nào. Khi vào trại giam, phải lao động giống tất cả mọi người, Huyền được đưa về đội trồng mía, cô cũng vác, cũng chặt, cũng cầm cuốc rẫy cỏ giống như ai. Thế mới biết con người chẳng việc gì là không làm được, chẳng qua có muốn làm hay không mà thôi.
Đàn đúm, giao du với những người bạn cùng trạc tuổi ở làng bên, xã khác, lang thang với đám trai làng, đến khi giật mình thì Huyền đã là gái “đú”, “gái bao”, qua đêm không biết bao người. Bơi theo dòng chảy của sự ăn chơi, đùa bỡn với nhan sắc, Huyền không biết rằng để có quần áo đẹp thì phải bán dâm và muốn bán dâm có hiệu quả, moi được nhiều tiền của đàn ông thì phải có cái để phiêu và ma túy là thứ phải đến. Lấy cái nọ nuôi cái kia, cho tới một ngày tiền đi khách không đủ mua ma túy, Huyền mua ma túy về bán lẻ và bị bắt trong một lần bán dạo ma túy trên bãi biển. Năm 2009, Huyền phải trả giá bằng mức án 3 năm tù, thi hành án tại trại giam Thanh Phong. Bước chân vào tù khi mới 19 tuổi, lần đầu tiên Huyền mới biết thế nào là lao động khi được quản giáo phân công cải tạo lao động tại đội trồng mía.
Đầu năm 2011, Huyền được tha tù và giờ cô có một việc làm tuy chưa thể nói rằng cho thu nhập ổn định song điều ấy chứng tỏ cô đã trưởng thành lên rất nhiều. Huyền bảo cô sẽ không quay lại quá khứ nữa, giờ chỉ còn một quyết tâm là cố gắng lao động chân chính để phụng dưỡng bà nội. Cô tâm sự: “Bà em khổ vì em quá nhiều rồi. Em muốn sống lương thiện để nếu mẹ có quay về sẽ không phải dằn vặt vì đã bỏ rơi em nữa. Em không nghĩ cuộc đời mình đã bỏ đi mà chỉ có điều mình có dám nhìn vào sự thật mà vươn lên hay không?”.
Hơn 20 tuổi, Huyền đã biết nói ra những câu thật chín chắn chứng tỏ cô đã chiêm nghiệm được nhiều sau những biến cố thăng trầm. Tôi tin rằng đến một ngày nào đó, hạnh phúc sẽ mỉm cười với những người biết vươn lên để sống tốt đẹp hơn. Sau nhiều vấp váp, Huyền đã nhìn thấy đường đi trong tương lai của mình.
Nguyễn Lam
Theo Công Lý