Trong thời kì công nghệ thông tin đang lên ngôi, hay gọi cách khác là “văn hóa nghe-nhìn” thì văn hóa “đọc sách” đang bị giới trẻ lãng quên.
Trong thời kì công nghệ thông tin đang lên ngôi, hay gọi cách khác là “văn hóa nghe-nhìn” thì văn hóa “đọc sách” đang bị giới trẻ lãng quên.
Đọc sách là một việc thiết thực, đọc sách không chỉ truyền bá tri thức mà còn thể hiện nét đẹp có tính biểu hiện cao của văn hóa.
Văn hóa đọc có ý nghĩa thôi thúc con người tìm hiểu, mở mang kiến thức, nâng cao sự hiểu biết và góp phần cải thiện nhân cách. Không chỉ có vậy đọc sách còn giúp chúng ta thư giãn, tích lũy kiến thức một cách có hiệu quả. Nhưng thực tế hiện nay, bạn đọc đang giảm dần, nhất là lớp trẻ đang thờ ơ với văn hóa đọc sách, cái gì nhanh cái gì tiện thì họ theo dõi và theo dòng chảy thời gian như vậy họ cho rằng đọc sách là không cần thiết. Thử hỏi có bao nhiêu bạn sinh viên đọc hết quyển giáo trình triết, chứ không hẳn là những quyển sách đọc thêm về bộ môn này. Những quyển giáo trình như vậy dường như bị quyên lãng, hay thậm chí họ còn không đụng đến, chỉ cần lướt web hay bây giờ giới trẻ đang có câu “cứ hỏi bác google là rõ nhất”. Vậy đó có phải lí do mà văn hóa đọc sách ngày càng xa rời giới trẻ, nhất là thế hệ 9x.
Thư viện vắng bóng người đọc sách
Hiện nay, nhịp sống hiện đại hối hả, bận rộn khiến cho thời gian nhàn rỗi của con người bị thu hẹp. Trong khi đó, văn hóa nghe nhìn đang phát triển vượt bậc, với rất nhiều hình thức phong phú, đang dạng, hấp dẫn và nó có ở mọi nơi mọi lúc khiến cho người ta lười đọc sách và dần xa rời văn hóa đọc. Một bạn sinh viên chia sẻ “nghiên cứu giáo trình thầy cho là đủ rồi, rảnh em tìm đọc vài câu chuyện hay, chuyện cười hoặc lướt web tìm thông tin giải trí, xem phim. Đọc sách phải có hứng thú, không có hứng thì không vào đầu được đâu”. Phải chăng văn hóa đọc sách đang là thứ sa sỉ đối với nhiều bạn sinh viên.
Trần Văn Quân, sinh viên năm cuối Đại học Xây Dựng cho biết: “Mình học theo chứng chỉ nên thời gian đọc sách là rất ít, có khi hàng tháng không lên thư viện 1 lần, ngoài mấy quyển giáo trình thì trên giá sách không còn quyển nào khác”.
Mỗi ngày bạn thử lướt qua các thư viện, hay hiệu sách, bạn thấy rất ít người đọc hay có nhu cầu mua một cuốn sách về nhà tham khảo. Vì họ xem như vậy là phí thời gian một cách vô ích, còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng nhìn lại những quán game hay những nơi vui chơi giải trí thì vô cùng đông đúc, họ nói vào đây để giải trí, để xả tress. Sự thật đó mới là phí thời gian vô ích?
Thư viện và những cuốn sách bị lãng quên
Hiện nay rất nhiều người lo lắng liệu văn hóa đọc sách có cạnh tranh được với thời kì công nghệ thông tin bùng nổ, liệu giới trẻ có coi văn hóa đọc như một giá trị thực để phát huy hay không?. Hiện đã có rất nhiều người đang "chuộng" đọc sách điện tử (ebook). Chỉ cần một chiếc điện thoại di động là có thể tiếp cận với "kho" ebook khổng lồ chứa hàng trăm quyển sách, tạp chí và báo chí. Người sử dụng có thể mua các cuốn sách mới, tạp chí mới hay những quyển tài liệu tham khảo từ các cửa hàng điện tử để đưa vào lưu trữ trong kho "ebook" của mình. Đọc ebook đang là trào lưu của giới trẻ, họ có xu hướng đọc theo cách "mì ăn liền", đọc nhanh, đọc ngắn và ít có thời gian suy ngẫm.
Anh Nguyễn Văn Hiếu (Hoàn Kiếm -Hà Nội) cho biết: "Tôi đi làm suốt ngày nên muốn đọc sách hay tìm hiểu gì là tôi đọc ebook, khỏi phải ra thư viện hay hiệu sách, lại hiệu quả".
Có lẽ các thư viện cần khẩn trương "số hóa" các sách giấy thì phù hợp hơn, và có lẽ người ta cũng quan tâm, làm thế nào để cách đọc sách và học hỏi từ những cuốn sách mang lại hiệu quả thực sự trong thời kì như hiện nay. Làm thế nào để duy trì và phát triển văn hóa đọc sách trong nhịp sống hiện đại là câu hỏi không dễ trả lời.
Mai Hằng
theo ANTĐ