Sự kiện hot
13 năm trước

Vàng vọt tăng: Lung lay mục tiêu bình ổn

Giá vàng tăng mạnh trên thị trường thế giới, cộng với quyết định tăng tỷ giá liên tục của Ngân hàng Nhà nước khiến cho không ít DN kinh doanh vàng cho rằng, đang đến một giai đoạn căng thẳng của giá vàng. Với diễn biến này, chính sách bình ổn sẽ gặp nhiều khó khăn.

 Giá vàng tăng mạnh trên thị trường thế giới, cộng với quyết định tăng tỷ giá liên tục của Ngân hàng Nhà nước khiến cho không ít DN kinh doanh vàng cho rằng, đang đến một giai đoạn căng thẳng của giá vàng. Với diễn biến này, chính sách bình ổn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Khó nói thành công vì tỷ giá

Trong một thông báo gần đây, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, thị trường ngoại hối diễn biến chưa thực sự ổn định, tỷ giá giao dịch có xu hướng tăng. Nguyên nhân là do ảnh hưởng tâm lý trên thị trường vàng đã tác động đến thị trường ngoại hối.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thì phải nói đúng hơn là do tác động từ thị trường vàng chứ không phải vì yếu tố tâm lý. Vì nếu chỉ do tâm lý, chắc cơ quan quản lý đã không phải liên tiếp tăng tỷ giá trong những ngày qua. Và tỷ giá không chỉ đang chịu sức ép từ vàng mà đang là điểm vướng để có thể khẳng định bình ổn giá vàng thành công hay không.

Tính toán về giá vàng tăng trong ngày 26/10, đại diện Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu cho rằng, quy đổi theo tỷ giá USD hiện tại, giá vàng thế giới hiện khoảng 43,22 triệu đồng/lượng. Tính cả thuế và các chi phí khác, giá vàng trong nước vẫn đắt hơn vàng thế giới trên 800.000 đồng/lượng. Tỷ giá mà DN này nhắc đến là tỷ giá giao dịch thực - hiện khoảng 21.800 đồng/USD, cao gần 1.000 đồng so với giá công bố.

Khi nào còn chênh lệch này còn thì các đơn vị bình ổn còn có cơ hội thu lợi từ... trách nhiệm bình ổn thị trường vàng

Câu chuyện này đã từng lộ ra khi dư luận kháo rằng các DN kinh doanh vàng lãi lớn và khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới còn cao. Tuy nhiên, trong rất nhiều phản pháo từ phía các ngân hàng và SJC, chính đơn vị chủ lực này đã hé ra chuyện họ không thể mua USD theo giá niêm yết mà phải mua USD tương đương với giá tự do. Do vậy, giá vàng chẳng rẻ như tính toán theo giá chính thức công bố và DN không thể có lãi như thế.

Trong khi Ngân hàng Nhà nước liên tục "gào thét" siết chặt kỷ luật, chấn chỉnh thị trường ngoại hối và cho biết chưa phát hiện ra chuyện hai tỷ giá trong ngân hàng thì câu chuyện trên cũng không được xác thực.Thế là, cho đến thời điểm này, bình ổn giá vàng thật khó nói là thành công.

Tuy nhiên, theo nhiều DN kinh doanh vàng, đây chỉ vấn đề nhỏ, bề nổi của câu chuyện. Vấn đề đáng lo hơn chính là áp lực từ vàng đang dồn tỷ giá tăng lên. Khi các nguồn cân đối USD đang tốt lên, nhập siêu giảm mà tỷ giá lại được đẩy căng lên ngoài các yếu tố chu kỳ bình thường thì nhân tố vàng đang được nhấn mạnh.Bởi vì, nếu theo các DN, khoảng cách 800.000 đồng có thể xem là một kết quả rất tích cực, song thừa nhận điều đó chẳng khác nào cơ quan quản lý thừa nhận chuyện hai tỷ giá - hay đúng hơn bất lực trong trị "chợ đen" tỷ giá. Còn nếu cứ bám theo các tỷ giá chính thức thì khó mà nói thành công khi khoảng cách vẫn giữ ở mức trên 2 triệu đồng.

Đại diện một ngân hàng quốc doanh cho biết, SJC không có nguồn ngoại tệ, các ngân hàng bình ổn vàng cũng không phải là mạnh nhất về nguồn ngoại tệ, trong khi họ lại đang cần một lượng để cân đối vàng trên tài khoản. Vì thế, DN buộc phải đi mua ngoài, nên khi nhu cầu tăng thì giá USD tăng. Đồng tình với điều này, một thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ quốc gia phân tích, bên cạnh các lý do như nhu cầu thanh toán hàng nhập khẩu tăng cao dịp cuối năm, các hợp đồng vay đôla đến hạn trả nợ, thì lý do chủ yếu xuất phát từ vàng.

DN vàng và ngân hàng bán vàng bình ổn sẽ ngay lập tức mua vàng trên tài khoản để cân đối. Việc này cần một lượng tiền để đặt cọc khoảng 10%. Số lượng vàng bán ra đã trên 15 tấn, tức là các ngân hàng và DN cũng phải mua qua tài khoản 15 tấn và đặt cọc số tiền cả trăm triệu USD. Bên cạnh đó, bán được vàng, họ cũng không dại giữ tiền mặt, mà đa số sẽ chuyển qua USD đồng thời chuẩn bị sẵn để khi được cấp phép nhập khẩu vàng vật chất. Nguồn cầu tăng lên, lập tức giá tăng theo.

Đặc biệt, theo chính các DN, khi tỷ giá tăng liên tục, và nhất là giá vàng đảo chiểu tăng mạnh như mấy ngày nay, các DN và ngân hàng này càng phải gom sẵn nhiều USD hơn để thủ thế. Thậm chí, nếu vàng còn tiếp tục tăng giá thì số tiền ký quỹ và tiền chuẩn bị để nhập vàng sẽ ép các đơn vị này vào thế khó, còn các ngân hàng khác có nguồn USD sẽ tranh thủ tăng giá kiếm lợi từ nhưng người được ở trong nhóm "lợi ích vàng".

Tất cả đều sẽ khiến USD thêm căng thẳng, và một khi tỷ giá chịu sức ép lớn từ vàng thì khó mà nói đến thành công của bình ổn, bên cạnh chuyện giá cả chưa thông, lợi ích trong nhón "bình ổn vàng" chưa minh bạch.

Bao giờ phải nhập vàng?

Tối 25/10, nhiều DN đứng ngoài nhóm "bình ổn vàng" lên tiếng kêu ca đòi hỏi sự minh bạch và bình đẳng quyền lợi. Đến sáng 26/10, sau cú đảo chiều tăng giá trên thị trường vàng thế giới, lên 60-70 USD và đà tăng còn tiếp diễn, nhiều người đã tỏ ra "hả hê" khi cho rằng những thuận lợi của bình ổn vàng sẽ không còn được như thời gian qua. Thực tế đã cho thấy, giá vàng trong nước đã tăng phi mã theo giá thế giới, USD cũng theo đó mà tăng lên.

Các nhà kinh doanh vàng cho biết, một lượng vàng lớn bình ổn được bán ra theo giá thấp. Đây là số vàng vay của người gửi. Chuyện đau đầu là, nay giá vàng tăng, họ buộc phải mua vào để trả lại với giá cao hơn. Hơn thế, với một lượng bán ra khá lớn nhưng nhu cầu chưa giảm, cơ hội mua lại vàng trong nước đang xa vời, trong khi giá thế giới đang tăng... Vấn đề đặt ra lúc này là bao giờ sẽ được nhập vàng?

Đến nay, lượng vàng bình ổn bán ra là hơn 15 tấn. Kể cả lúc giá vàng tăng hay giảm, người dân vẫn một chiều mua vào mà không có dấu hiệu bán ra. Số lượng này không quá nhiều so với lượng vàng người dân gửi trong các ngân hàng, nhưng điều đáng nói là vay vàng để bán thì phải mua để trả.

Việc mua để trả theo kịch bản là mua trong nước khi giá xuống nhưng việc này rất khó khi người dân chỉ mua mà ít bán, nhất là khi giá thế giới còn tăng thì dân còn mua vào. Một câu hỏi không được trả lời xuất hiện: Bao nhiêu vàng bán ra sẽ đủ bình ổn? Đây chính là nhân tố "tích trữ và găm giữ" của dân trong nước chưa được tính đủ khi thực hiện chính sách bình ổn. Và đến thời điểm này, khi giá vàng tăng mạnh điều này càng trở thành sức ép lớn.

Dường như các đơn vị bình ổn đang cảm thấy oải vì giá vàng tăng mà cơ hội mua vàng cân đối trong nước vẫn rất thấp. Điều mong chờ nhất chính là được nhập số vàng họ đã cân đối đầu tư qua tài khoản. Tuy nhiên, nếu vàng được nhập, tỷ giá sẽ chịu thêm thêm sức ép và khi sử dụng bài cũ nhập vàng để bán thì không nói là phá sản nhưng gói chính sách bình ổn đã không có nhiều tác dụng. Và có vẻ như, chuyện nhập khẩu sẽ buộc phải thực hiện vì các đơn vị bình ổn sẽ khó chấp nhận chịu rủi ro.

Theo một chuyên gia đến từ Hiệp hội Kinh doanh vàng, đến thời điểm này, sau hơn 20 ngày, có vẻ như mọi việc đang có thêm nhiều rắc rối hơn dự báo khi đưa ra chính sách bình ổn giá. Những ngày trước đây, khi giá vàng bình ổn, các DN trong nước đã không thể hạ giá vàng ngang bằng giá thế giới mà vẫn giữ giá với khoảng cách 2 triệu đồng. Dù họ có nhiều lý giải thì đây vẫn là một khoảng cách mang lại lợi nhuận lớn. Và điều này, đến nay vẫn chưa được minh bạch hóa và "lợi ích" hay "trách nhiệm" vẫn đang là một mối nghi ngờ lớn.

Nhưng bây giờ, khi giá vàng tăng, các đơn vị bình ổn đòi nhập vàng thì mọi chuyện đã có vẻ sáng rõ hơn. Khi họ bắt tay giữ giá thì lý giải là hạ từ từ và dự phòng các rủi ro từ giá thế giới. Nhưng giá tăng họ lập tức tăng rất mạnh và muốn nhập vàng càng sớm càng tốt để bảo vệ lợi ích cho mình trước xu thế vàng tăng giá. Xem ra, đằng nào DN cũng muốn an toàn và thu lợi còn những hậu quả lại dồn vào nhà nước.

15 tấn vàng đã được bán ra với giá cao hơn thế giới, lợi nhuận có thể đã được tính được. Không những thế, với "thẻ bài" bình ổn, chính các đơn vị này đang thực hiện thêm nhiều chiêu thức khác như tăng huy động vàng để bán ra thu lợi, chuyển hóa vàng qua tiền để tăng lợi nhuận... Và nay, nếu vàng được nhập khẩu, các đơn vị này lại có thêm nguồn để tiếp tục quay vòng và thu lợi lớn. Khi nào còn chênh lệch này còn thì các đơn vị bình ổn còn có cơ hội thu lợi từ... trách nhiệm bình ổn thị trường vàng. Trong khi, sức ép lên tỷ giá, giá vàng chênh lệch cao so với thế giới và còn xa với mục tiêu bình ổn... thì chưa thấy ai nói và ai truy trách nhiệm.


Lê Khắc
Theo VEF.VN

Từ khóa: