Dược phẩm IMEXPHARM (IMP) có mức tăng trưởng doanh số phục hồi khi các gián đoạn do dịch COVID-19 hạ nhiệt
Theo báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC), VCSC duy trì khuyến nghị MUA khi cho rằng công nghệ sản xuất hàng đầu và công suất dư thừa lớn của CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) cùng với bối cảnh chính sách thuận lợi, vốn ưu tiên các sản phẩm thuốc có chất lượng cao và sản xuất trong nước tại kênh bệnh viện sẽ dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận gia tăng trong vài năm tiếp theo.
VCSC tăng giá mục tiêu thêm 7% nhờ mức giảm 1,2 điểm phần trăm trong dự báo chi phí vốn chủ sở hữu của VCSC, còn 13,0% trong khi VCSC hầu như giữ nguyên dự báo tổng LNST giai đoạn 2021-2023.
VCSC dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) doanh thu mảng sản phẩm tự sản xuất đạt 26% trong giai đoạn 2020-2023, chủ yếu đến từ CAGR 43% của kênh bệnh viện. Tương ứng, VCSC dự báo đóng góp của kênh bệnh viện cho tổng doanh thu sẽ gia tăng từ 48% trong năm 2020 lên 70% trong năm 2023.
Rủi ro được VCSC đưa ra: Dịch COVID-19 tái bùng phát sẽ ảnh hưởng lưu lượng khách đến các nhà thuốc và bệnh viện; cạnh tranh gia tăng; thay đổi chính sách bất lợi.
Doanh thu mảng sản phẩm tự sản xuất cải thiện nhờ lượng đơn hàng phục hồi sau khi các gián đoạn do dịch COVID-19 đạt đỉnh. VCSC dự báo doanh thu từ các sản phẩm tự sản xuất sẽ tăng nhẹ 4% YoY trong quý 4/2020 (dự phóng năm 2020: +2% YoY) sau khi giảm 8% YoY trong quý 3/2020, chủ yếu do ảnh hưởng từ doanh thu kênh bán nhà thuốc (-27% YoY).
Theo IMP, lượng đơn hàng từ các nhà thuốc và bệnh viện phục hồi mạnh mẽ trong tháng 10/2020, quay về mức đã ghi nhận trong tháng 10/2019. Từ năm 2021, VCSC cho rằng doanh thu của IMP sẽ quay về đà tăng trưởng cao nhờ (1) dự báo chi tiêu dược phẩm mạnh mẽ tại các bệnh viện, sẽ được hỗ trợ bởi tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng và các quy định chặt chẽ hơn đối với bán thuốc kê đơn tại các nhà thuốc, và (2) IMP gia tăng công suất. Việc giá trị thắng thầu của IMP tại kênh đấu thầu thuốc bệnh viện tăng mạnh 54% YoY trong 8 tháng năm 2020 hỗ trợ tốt cho kết quả kinh doanh năm 2021.
Nhà máy IMP4 sẽ giúp gia tăng thị phần của IMP trong kênh bệnh viện, tuy nhiên, việc phê duyệt EU-GMP đang đối mặt với trì hoãn do dịch COVID-19. Khác với các nhà máy theo tiêu chuẩn EU-GMP khác của IMP vốn tập trung vào thuốc kháng sinh, IMP4 sẽ sản xuất các loại thuốc đặc trị có chất lượng cao hơn mà Việt Nam phải nhập khẩu tính đến hiện tại, theo ban lãnh đạo. Tuy nhiên, việc phê duyệt EU-GMP cho nhà máy IMP4 đang bị trì hoãn do các lệnh cấm di chuyển, ngăn các chuyên gia từ Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đến IMP4 để thẩm định lần cuối.
Ban đầu, IMP dự kiến nhận được phê duyệt EU-GMP cho IMP4 trong quý 1/2020 và bắt đầu vận hành nhà máy này trong quý 3/2020. Trong bối cảnh hiện tại, VCSC giả định IMP4 sẽ bắt đầu hoạt động trong 6 tháng cuối năm 2021 và đóng góp 3%/8%/13% trong tổng doanh thu năm 2021/2022/2023.
Công suất dư thừa lớn tại các nhà máy IMP2 và IMP3 (đều đạt tiêu chuẩn EU-GMP) sẽ đảm bảo tăng trưởng cùng với cải thiện khả năng sinh lời. Theo dự báo của VCSC, hiệu suất hoạt động tại IMP2/IMP3 sẽ tăng từ khoảng 6%/30% trong 9 tháng năm 2020 lên khoảng 35%/75% trong năm 2022. Tương ứng, VCSC dự báo chỉ số thu nhập trên vốn đầu tư (ROIC) của IMP sẽ tăng từ 18% trong năm 2020 lên 25% trong năm 2022.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tạ Thành
Theo KTDU