Theo VDSC, hoạt động xuất khẩu của HSG đang tích cực hơn khi công ty đã có đủ đơn đặt hàng để sản xuất cho đến tháng 9. Biên lợi nhuận gộp xuất khẩu sẽ ổn định trong nửa cuối năm 2020-2021 do giá HRC vẫn đang trong xu hướng tăng ở châu Âu và Mỹ, và cao hơn đáng kể so với giá tại Việt Nam. Tại thị trường nội địa, giá thép tăng nhanh hơn so với trong quý II/NĐTC 2020-2021. Điều này nhiều khả năng tác động tích cực lên biên lợi nhuận của HSG.
Bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây đã có cập nhật đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG). Cụ thể, theo VDSC hoạt động xuất khẩu đang dẫn dắt tăng trưởng và sẽ đảm bảo sản lượng tiêu thụ tích cực trong nửa cuối năm 2020-2021.
VDSC cho biết, sản lượng xuất khẩu của HSG đã tăng mạnh do nhu cầu mạnh mẽ từ Châu Âu và Bắc Mỹ. Tiêu thụ thép cán nguội và tôn mạ nhúng nóng ở EU đã tăng khoảng 13% YoY trong quý I.
Bên cạnh việc tiêu thụ thép phục hồi, hạn ngạch nhập khẩu của EU đối với các nước xuất khẩu lớn đã tạo cơ hội cho các nhà sản xuất Việt Nam. Trong tháng năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 412.000 tấn thép sang thị trường này, tăng 412% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh châu Âu, sản lượng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng tăng mạnh 171% so với cùng kỳ, đạt 190.000 tấn. Hưởng lợi từ xu hướng trên, HSG đã xuất khẩu khoảng 400.000 tấn tôn mạ trong giai đoạn 4T2021, tăng 141% YoY.
VDSC nhận định, HSG nhiều khả năng sẽ vận hành hết công suất các nhà máy sản xuất cán nguội trong NĐTC 2020-2021 do nhu cầu mạnh mẽ từ nước ngoài.
Hiện tại, HSG đã nhận đủ đơn đặt hàng xuất khẩu tôn mạ cho đến tháng 9/2021, chủ yếu từ châu Âu và Bắc Mỹ. Rủi ro về giá trong nửa cuối năm tài chính của HSG là không đáng kể do công ty đã đặt đủ nguyên liệu đối ứng nhu cầu nguyên liệu từ các đơn đặt hàng xuất khẩu. VDSC duy trì kỳ vọng sản lượng tôn mạ và ống thép của HSG lần lượt đạt 1,6 triệu tấn (+35% YoY) và 420,000 tấn (+11,5% YoY).
Cũng theo báo cáo cập nhật của VDSC, biên lợi nhuận gộp xuất khẩu sẽ ổn định trong quý III/NĐTC 2020-2021 do giá HRC cao tại Châu Âu và Mỹ.
Cụ thể, giá HRC và các sản phẩm thép phẳng hạ nguồn ở châu Âu và Mỹ cao hơn đáng kể so với ở Việt Nam. Nguyên nhân chính là do sự phục hồi chậm của nguồn cung ở châu Âu và hạn ngạch đối với Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia có chi phí sản xuất HRC rẻ. Giá HRC (cơ sở ex-works) tại châu Âu và Mỹ lần lượt đạt 1.350 USD/tấn và 1.500 USD/tấn, trong khi giá tại Việt Nam (cơ sở CFR) chỉ khoảng 950-1.000 USD/ tấn. Do chênh lệch giá lớn, HSG có thể duy trì biên lợi nhuận gộp cao tại các thị trường này trong Q3 NĐTC 2020-2021, tương tự quý trước. Đối với quý IV/NĐTC 2020-2021, VDSC dự phóng biên gộp giảm do lo ngại giá cước phí vận chuyển tăng và giá HRC tại Việt Nam cao hơn khi nguồn cung từ Ấn Độ sụt giảm.
Tạ Thành
Theo KTDU