Sự kiện hot
3 năm trước

VDSC: Kinh tế Việt Nam - Triển vọng mở cửa lại nền kinh tế theo giai đoạn vào quý 4/2021

Báo cáo chiến lược đầu tư tháng 9/2021 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, tính đến hiện tại Việt Nam đã trải qua đợt bùng phát Covid-19 dài nhất cùng với những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất được áp dụng tại các khu kinh tế trọng điểm. Kết quả là, tất cả các chỉ số kinh tế vĩ mô đã đi xuống trong tháng 8 và có khả năng kéo dài đến tháng 9 vì VDSC cho rằng các lệnh phong tỏa vẫn sẽ được duy trì trong phần lớn của tháng 9.

Theo VDSC, sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ vẫn ở một mức độ nào đó trong quý 4/2021 - Ảnh minh họa (Nguồn: AF).

Báo cáo chiến lược của VDSC cũng cho biết, mặc dù VDSC không kỳ vọng về việc áp dụng các biện pháp hạn chế sẽ sớm đưa số lượng các ca nhiễm mới về 0, nhưng VDSC tin rằng Chính phủ đang nỗ lực hướng tới việc nới lỏng các biện pháp siết chặt vào nửa cuối tháng 9, sau "trận chiến cuối cùng với đại dịch" (thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng cường) bắt đầu vào tuần cuối cùng của tháng Tám. Trong khi VDSC tin rằng việc nới lỏng các biện pháp thắt chặt là vô cùng cần thiết và cấp bách nhằm hạn chế những ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực sản xuất và đặc biệt là tâm lý đầu tư của khối FDI, điều này cũng hợp lí vì việc triển khai vắc xin sẽ được tăng cường đẩy mạnh đáng kể trong những tháng tới.

Triển vọng bi quan về tăng trưởng kinh tế quý 3/2021

Dữ liệu vĩ mô theo tháng tiếp tục cho thấy các hoạt động kinh tế đang rơi vào thời kì suy yếu và triển vọng bi quan về quỹ đạo tăng trưởng của Quý 3/2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp có xu hướng sụt giảm, giảm 4,2% so với tháng trước và 7,4% so với cùng kỳ vào tháng 8/2021. Trong khi đó, chỉ số PMI trong tháng 8/2021 của Việt Nam tiếp tục giảm xuống 40,2, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Tương tự, doanh số bán lẻ trong tháng này cũng giảm sâu hơn, giảm 10,5% so với tháng trước và 33,7% so với cùng kỳ, đây cũng là mức yếu hơn nhiều so với thay đổi trong doanh số bán lẻ khi dịch bệnh Covid-19 lần đầu bùng phát ở Việt Nam trong năm 2020.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

Trong 8 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng 5,6% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 7,9% so với cùng kỳ trong 7T2021. Ngược lại, doanh thu bán lẻ (loại trừ lạm phát) giảm 6,2% so với cùng kỳ, so với mức giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ trong 7T2021. Hoạt động thương mại, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm, cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát mới nhất.

Theo ước tính của Tổng cục thống kê, xuất khẩu giảm 5,4% so với cùng kỳ trong tháng 8 năm 2021, trái ngược với mức tăng 11,9% so với cùng kỳ vào tháng 7/2021. Theo số liệu của tháng 8, xuất khẩu của Việt Nam chỉ còn tăng 8,9% so với cùng kỳ trong 8T2021.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

Việc kéo dài phong tỏa ở 19 tỉnh miền Nam và các thành phố trọng điểm khác có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Thành phố Hồ Chí Minh đã rơi vào tình trạng phong tỏa kéo dài kể từ ngày 9/7, với các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt có thể tiếp tục áp dụng ít nhất đến giữa tháng 9/2021. Các tỉnh lân cận của Thành phố (Bình Dương, Đồng Nai, Long An) là một trong năm tỉnh có mức tăng mạnh nhất về các ca nhiễm Covid -19 mới trong những tuần gần đây và cũng kéo dài các biện pháp ngăn cách xã hội cho đến giữa tháng 9.

Tại Hà Nội, việc thực hiện Chỉ thị 16 tiếp tục đến ngày 6/9, sau đó thành phố sẽ duy trì các biện pháp phòng chống Covid-19 nghiêm ngặt tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đồng thời nới lỏng ở các khu vực có nguy cơ thấp hơn. Điều này cho thấy rằng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh kéo dài tiếp tục có những tác động đáng kể đối với hoạt động kinh tế trong tháng 9/2021.

Về mặt lạm phát, giá tiêu dùng của Việt Nam đã tăng 2,8% so với cùng kỳ trong tháng 8/2021, từ mức 2,6% so với cùng kỳ trong tháng 7. Lạm phát tăng chủ yếu do ảnh hưởng của biện pháp giãn cách nghiêm ngặt đối với đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng thiết yếu. Trong những tháng tới, VDSC cho rằng nguồn cung thiếu hụt và chi phí vận tải tăng có thể tiếp tục đẩy lạm phát lên mức cao hơn.

Theo Tổng cục thống kê, lạm phát trung bình trong 8T2021 là khoảng 1,8% so với cùng kỳ, cho thấy lạm phát năm 2021 vẫn dưới mức dự báo của VDSC là 3,5%. VDSC tiếp tục nhận thấy rằng các chính sách hỗ trợ vẫn còn rất hạn chế. Chính sách tài khóa và tiền tệ có thể sẽ được đẩy mạnh trong trường hợp tăng trưởng GDP của quý 3/2021 âm.

VDSC cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, có xác suất cao hơn đối với việc NHNN thực hiện cắt giảm lãi suất cơ bản 25 điểm cơ bản như một hành động chính sách hỗ trợ mang tính biểu tượng trong quý cuối của năm 2021. Chúng tôi cũng nhận thấy dư địa hỗ trợ tài khóa nhiều hơn do thu ngân sách vượt chi. Từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, thu ngân sách Nhà nước tăng 16,6% so với cùng kỳ trong khi chi tiêu giảm 5,9% so với cùng kỳ. Theo quan điểm của chúng tôi, Chính phủ còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh tăng tốc chi tiêu công, tuy nhiên, khoản đầu tư công này chỉ có thể có sự thay đổi đáng kể khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ”.

Triển vọng mở cửa lại nền kinh tế theo giai đoạn vào quý 4/2021

Theo Kế hoạch số 2715/KH-UBND, TP.HCM chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là phải hoàn thành mục tiêu kiểm soát dịch Covid-19. Nhưng diễn biến gần đây cho thấy sẽ rất khó để giảm cùng lúc tỷ lệ tử vong và các ca nhiễm Covid-19 mới. Trong 7 ngày qua, số ca nhiễm mới hàng ngày trung bình là 5.498 ca (+29,3% so với tuần trước) trong khi tỷ lệ tử vong trung bình là 273 ca tử vong (-6,7% so với tuần trước). Do chiến lược xét nghiệm hàng loạt sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong những tuần tới, thành phố có thể gặp khó khăn trong việc đạt được hai mục tiêu đầu tiên là giảm 20% tỷ lệ tử vong và số ca nguy kịch và ít hơn 2.000 bệnh nhân Covid-19 nhập viện mỗi ngày trước ngày 15/9.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

Mặt khác, tiến trình tiêm chủng có vẻ khả quan hơn. Tính đến ngày 02/09, gần 6,0 triệu liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm cho 5,8 triệu người, tương ứng 83% người trưởng thành tại TP.HCM và 4% trong số họ đã được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi.

Theo kế hoạch mới nhất, ban lãnh đạo TP.HCM đặt mục tiêu đến ngày 15/9 sẽ tiêm chủng đầy đủ cho 34% công dân. Ngoài ra, tỷ lệ người dân được tiêm chủng đầy đủ sẽ nâng dần lên 43% vào ngày 30/9, sau đó là 80% vào ngày 15/10 và cuối cùng là 100% tại thời điểm cuối năm 2021. Như VDSC đã đề cập trước đây, vắc-xin là chìa khóa để khởi động lại các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, giảm tỷ lệ tử vong là một trong những vấn đề có thể khiến chính quyền thành phố lo lắng nhất hiện nay.

Do đó, sau ngày 15/9, các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống Covid-19 tại các khu vực có nguy cơ cao có thể được gia hạn và VDSC hy vọng vào việc mở cửa dần các hoạt động kinh tế trong quý 4/2021 khi vắc xin đóng vai trò chủ chốt để ngăn chặn bệnh nhân Covid-19 chuyển sang giai đoạn nguy kịch và không cần tiếp cận điều trị.

Nguồn: Báo cáo VDSC

Nguồn: Báo cáo VDSC

Làm thế nào để mở cửa lại nền kinh tế là một vấn đề quan trọng khác mà các nhà đầu tư có thể cần phải suy nghĩ trong thời gian tới.

“Khi chúng tôi nói về việc vấn đề dần mở cửa trở lại, chúng tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh có thể lựa chọn mở cửa nền kinh tế theo từng ngành và lĩnh vực. Những công ty hoạt động trong các lĩnh vực đã được coi là thiết yếu (chế biến thực phẩm, vận tải, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử) sẽ tiếp tục mở lại hoạt động kinh doanh khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Vì hoạt động sản xuất của các công ty FDI và công ty xuất khẩu đóng vai trò nòng cốt đối với nền kinh tế quốc gia, do đó các công ty này sẽ trở thành mục tiêu được quan tâm trong đợt dỡ bỏ phong tỏa đầu tiên” – VDSC cho biết.

Tuy nhiên, VDSC cho rằng các nhà sản xuất có thể không hoạt động hết công suất do các biện pháp kiểm soát an toàn mới (công nhân phải được tiêm phòng, các biện pháp giãn cách xã hội trong nhà máy, v.v.). Các hoạt động xây dựng có thể được phép mở lại trong khi phần lớn khu vực dịch vụ (dịch vụ lưu trú và ăn uống, trung tâm mua sắm, giải trí, du lịch, v.v.) sẽ tiếp tục gặp khó khăn do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, giãn cách xã hội và năng lực khởi động lại kinh doanh sau một thời gian dài đóng cửa. Điều đáng chú ý là việc mở cửa trở lại sẽ không đồng đều giữa các tỉnh dựa trên tỷ lệ tiêm chủng khác nhau và khả năng kiểm soát dịch của từng tỉnh. Do đó, VDSC cho rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ vẫn ở một mức độ nào đó trong quý 4/2021.

Nhật Minh

Theo KTDU

Từ khóa: