Theo VDSC, thỏa thuận thương mại RCEP dự kiến sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng khoảng 0,4% vào năm 2030, trong điều kiện năng suất cải thiện, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế có thể đạt 1,0% GDP (Worldbank, 2019).
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết vào giữa tháng 11 năm nay đã thu hút nhiều sự chú ý, đặc biệt sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định thương mại châu Á - Thái Bình Dương (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)). Thỏa thuận cuối cùng được ký kết sau hơn 8 năm với 31 vòng đàm phán, nhưng không có sự tham gia của Ấn Độ.
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo về tác động tích cực từ hiệp định RCEP lên Việt Nam
RCEP được xem là hiệp định thương mại quan trọng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với nhiều lí do
Quy mô hiệp định này khiến RCEP trở thành hiệp định thương mại tự do lớn nhất bao phủ từ các nền kinh tế kém phát triển nhất cho đến các nền kinh tế phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thời điểm ký kết hiệp định cũng rất phù hợp vì cho thấy cam kết giữa các thành viên trong việc hội nhập kinh tế dựa trên một nguyên tắc chung trong bối cảnh thế giới chia rẽ do chiến đấu với đại dịch.
Một điểm nổi bật khác là vai trò của Trung Quốc đối với hiệp định thương mại trong khi Mỹ và Ấn Độ không phải là thành viên, điều này có khả năng giúp gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt chính trị.
Lợi ích của việc tiếp cận thị trường mới và cắt giảm thuế quan có thể không nhiều
Về cơ bản, mục tiêu chính của hiệp định RCEP là gộp các hiệp định thương mại tự do hiện có mà ASEAN có với 5 nước Châu Á - Thái Bình Dương khác vào một khuôn khổ chung. Do đó, RCEP xóa bỏ thuế quan chủ yếu đối với hàng hóa đã đủ điều kiện để được miễn thuế theo các hiệp định thương mại tự do hiện có của Việt Nam. Lợi ích của việc tiếp cận thị trường mới và cắt giảm thuế quan do đó không đáng kể.
Ngoài ra, do sự tương đồng về sản phẩm xuất khẩu của các nước thành viên, thoả thuận được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cạnh tranh đối với nhà sản xuất Việt Nam. Ví dụ, Trung Quốc đang không có thỏa thuận với Nhật Bản và Hàn Quốc, việc giảm thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc có thể làm giảm lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường này.
Mặt khác, do thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc khá lớn, giảm bớt các rào cản thương mại có thể khiến nhập khẩu tăng mà không có sự bù đắp đủ từ xuất khẩu khi sản phẩm Việt Nam đi vào thị trường Trung Quốc.
Lợi ích lớn nhất có thể đến từ các quy tắc xuất xứ
Hiệp định RCEP giảm sự phức tạp và chi phí tuân thủ của các công ty xuất khẩu Việt Nam thông qua bảng quy tắc duy nhất áp dụng cho 14 thị trường RCEP khác. Ngoài ra, vài quy tắc liên quan đến rào cản phi thuế quan đã có nhiều thay đổi. Ví dụ, RCEP bao gồm việc thông quan các loại hàng hóa dễ hư hỏng (như thủy sản, trái cây và rau quả) trong vòng sáu giờ sau khi được vận chuyển đến, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các nhà xuất khẩu.
Ngoài ra, một trong những lợi ích quan trọng nhất so với các hiệp định thương mại tự do hiện tại là RCEP mang lại sự linh hoạt hơn trong việc sử dụng nguyên liệu thô có nguồn gốc từ các thành viên. Do đó, các công ty xuất khẩu Việt Nam có thể dễ dàng hơn trong việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ do nguồn nguyên liệu đầu vào của Việt Nam phần lớn đến từ Trung Quốc (sản phẩm dệt may) hay Hàn Quốc (sản phẩm công nghệ).
Tác động lên tăng trưởng kinh tế dao động từ 0,4-1,0% GDP vào năm 2030
Các nước RCEP chiếm 42% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 56% đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (trị giá 22 tỷ USD) vào năm 2019. Mặc dù hiệp định này vẫn còn một vài hạn chế, tương tự như hiệp định thương mại tại khu vực khác và ước tính từ các mô hình kinh tế lượng đều cho thấy Việt Nam có thể hưởng lợi từ RCEP. Thỏa thuận thương mại RCEP dự kiến sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng khoảng 0,4% vào năm 2030, trong điều kiện năng suất cải thiện, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế có thể đạt 1,0% GDP (Worldbank, 2019).
Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ, ước tính rằng thu nhập thực tế của Việt Nam có thể cao hơn 0,5% vào năm 2030 do tác động của RCEP. Trong khi đó, theo ước tính của Bộ Công Thương, RCEP có thể mang lại mức tăng trưởng kinh tế 0,7% GDP vào năm 2030.
Dấu mốc quan trọng giúp hội nhập sâu hơn vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Sau khi được ký kết, các thành viên RCEP trước tiên phải phê chuẩn hiệp định và RCEP dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Tác động trước mắt của việc ký kết RCEP cho thấy thông điệp tích cực về nỗ lực của Chính phủ để đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Điều này đặc biệt quan trọng vì khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang cho thấy ít bị thiệt hại hơn và sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 nhanh hơn so với Châu Âu và Bắc Mỹ, là tiền đề giúp nhu cầu tiêu thụ của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương phục hồi nhanh hơn các khu vực khác.
Tạ Thành
Theo KTDU