Học nghề pha chế rượu (bartender) nhưng chàng trai Võ Pháp lại bén duyên với việc thỏa sức sáng tạo trên từng tách cà phê của nghề pha chế cà phê (barista).
Học nghề pha chế rượu (bartender) nhưng chàng trai Võ Pháp lại bén duyên với việc thỏa sức sáng tạo trên từng tách cà phê của nghề pha chế cà phê (barista).
Võ Pháp bắt đầu sự nghiệp với những ly cà phê - Ảnh: Phi Long
Sáu năm học tập và trải nghiệm đã giúp anh trở thành người quản lý chất lượng và đào tạo của thương hiệu cà phê hàng đầu nước Ý tại Việt Nam.
“Càng thử thách tôi càng thích!”
Tốt nghiệp trung cấp du lịch tại quê nhà Đà Nẵng, Pháp vào TP.HCM theo học khóa pha chế rượu và trụ tại đất Sài thành. Ngã rẽ cuộc đời đến với anh khi người thầy giới thiệu một nghề hoàn toàn mới tại Việt Nam vào thời điểm năm 2006: nghề pha chế cà phê. Đây là một nghề thịnh hành tại các nước phương Tây, đặc biệt là tại Ý, khi loại hình cà phê mang đi phát triển mạnh.
Bỏ rượu, đến với cà phê Pháp gần như phải làm lại từ đầu khi cách chế biến và kiến thức của hai nghề hoàn toàn khác nhau. Chàng trai Đà Nẵng bắt đầu một hành trình mới với những chiếc máy pha cà phê đặc trưng của người Ý. Từ cách xay hạt cà phê sao cho độ mịn vừa phải, cách định lượng lượng nước chảy qua bộ nén áp suất cho đến cách đánh sữa đều phải học, thực tập hàng chục, thậm chí hàng trăm lần mới có thể làm thành thạo. Cái khó nhất - vẽ hình trên ly cà phê - lại càng khó hơn vì nằm ở sự trải nghiệm và toàn tâm của người pha. Để vẽ hình chiếc lá trên tách espresso - thử thách đầu tiên, đơn giản nhất trong nghề - Võ Pháp đã mất ba tháng mới có thể làm thành thạo. “Càng thử thách tôi càng thích” - Pháp cho biết.
Thời điểm Pháp theo học nghề, barista tại Việt Nam là một từ hoàn toàn mới mẻ. Ngay cả trong những quán bar của các khách sạn năm sao, máy pha cà phê đã có nhưng người để vận hành cũng hiếm. Số lượng người biết nghề vì thế càng hiếm. Pháp tự nâng cao tay nghề không chỉ ở việc thực hành pha chế nhiều lần mà còn nghiền ngẫm tất cả tư liệu mình có được từ nước ngoài. Những clip pha chế của các thợ lành nghề Ý đưa lên trang YouTube là một kênh thông tin quan trọng để Pháp học nghề. Năm 2010, Võ Pháp đã đoạt giải nhất cuộc thi “Pha chế cà phê Lavazza 2010” do thương hiệu cà phê Lavazza tổ chức tại khách sạn Caravelle dành cho những người chuyên pha chế, sáng tạo cà phê.
Con đường mới
Sáu năm theo nghề, Pháp càng ngày càng mê nghề vì cái mới luôn nối tiếp và cơ hội học hỏi luôn mở ra trước mắt. Khi trở thành một người pha chế thạo nghề, anh chuyển sang làm quản lý bar rồi trở thành chuyên viên đào tạo và quản lý chất lượng của thương hiệu cà phê Illy (ra đời gần 80 năm tại Ý) ở Việt Nam. Công việc mới cho anh thời gian cùng cơ hội mở các lớp đào tạo về pha chế cà phê và quản lý hệ thống quán cà phê mang đi.
Võ Pháp cho biết: “Xuất phát điểm của nghề khá đơn giản, chỉ với một khóa đào tạo ba tháng bạn đã có thể đi làm với mức lương tầm 3 triệu đồng. Nhưng cơ hội mở ra cho những ai đam mê thật sự và có tinh thần cầu tiến với những vị trí cao hơn như quản lý hoặc chuyên viên quản lý chất lượng, đào tạo với thu nhập trên 10 triệu đồng...”.
Theo Tuoitre