Sự kiện hot
7 năm trước

VIC chiếm ngôi đầu vốn hóa thị trường, ông Phạm Nhật Vượng lọt top 300 tỷ phú thế giới

Hiện tại cổ phiếu VIC và VNM đang bám đuổi rất sát nhau cho ngôi vị vốn hóa lớn nhất thị trường, mức vốn hóa chỉ tạm thời chênh nhau vài chục tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 0,02 điểm %.

Phiên giao dịch sáng ngày 27/3, cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Vingroup đã có thời điểm chạm mức 116.500 đồng/cp (tăng 2,4%). Mức tăng này đưa vốn hóa thị trường của VIC đạt 306.700 tỷ đồng, vượt qua vốn hóa thị trường của CTCP Sữa Việt Nam (Mã: VNM) ở mức gần 305.000 tỷ đồng thời điểm đó. Tuy nhiên sau đó, VIC sụt giảm nhẹ về 115.000 đồng/cp, trả lại vị trí cho Vinamilk.

Tính đến thời điểm gần 11h sáng, VIC tiếp tục vượt lên chiếm vị trí số một trong top vốn hóa với tỷ trọng 9,46%, bám ngay sau giá trị vốn hóa của VNM chỉ thua kém vài chục tỷ đồng, tỷ trọng của cổ phiếu này so với vốn hóa thị trường vào khoảng 9,44%.

Top 10 vốn hóa thị trường tính đến thời điểm 11h sáng ngày 27/3

Cùng với VIC, VRE sáng nay cũng bứt phá khá tốt gần 2,7% để chạm ngưỡng 50.000 đồng/cp, SDI tăng hơn 1%.

Những phiên tăng trưởng liên tiếp gần đây của cổ phiếu VIC giúp cho ông Phạm Nhật Vượng bay cao trên bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes. Thời điểm hiện tại, Real time cập nhật tổng tài sản của ông Vượng đã đạt mức 6,1 tỷ USD, lọt top 300 người giàu có nhất hành tinh mà cụ thể ở vị trí 296.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Khối tài sản của vị Chủ tịch Tập đoàn Vingroup ghi nhận hơn 83.600 tỷ đồng giá trị cổ phiếu VIC trên sàn chứng khoán Việt Nam, tương ứng với 3,67 tỷ USD, còn lại khoảng 2,5 tỷ USD chênh lệch so với thống kê của Forbes là khối tài sản ngầm chưa được lộ diện.

Trong một thông tin mà chúng tôi đã cập nhật trước đó không lâu, tốc độ gia tăng giá trị tài sản ngầm của ông chủ Vingroup thậm chí còn nhanh hơn tốc độ tăng giá của cổ phiếu VIC trên sàn chứng khoán rất nhiều. Nên nhớ VIC cũng không phải là cổ phiếu tăng trưởng hạng vừa khi tăng giá gần 50% trong vòng 3 tháng trở lại đây.

Bạch Mộc
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: