Sự kiện hot
13 năm trước

Việt Nam là nhà

“Thân thiện, gần gũi và nhiệt tình” là những tính từ mà các sinh viên Lào dùng để nói về đất nước và con người VN. Các bạn đã xem mảnh đất này như ngôi nhà thứ hai của mình trong những ngày lưu lại đây học tập.

“Thân thiện, gần gũi và nhiệt tình” là những tính từ mà các sinh viên Lào dùng để nói về đất nước và con người VN. Các bạn đã xem mảnh đất này như ngôi nhà thứ hai của mình trong những ngày lưu lại đây học tập.

Từ trái qua: Khamhoung Chanthavong, Dalavady Phothisane và Sonxay Luangoudom
- Ảnh: HỮU CÔNG

Chỉ muốn đi học ở VN!

Khi còn là cậu học sinh Trường THPT Vientiane, Khamhoung Chanthavong (21 tuổi) đã xác định “sẽ phải sang VN học tập!”. Ước mơ đó cháy bỏng từng ngày qua những câu chuyện kể của cha (từng học tại Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội từ năm 1985 - 1991) hay qua những lần được gặp gỡ các anh chị lưu học sinh trở về từ nước bạn. Năm 2008, cùng lúc đậu vào Trường ĐH Quốc gia Lào và học bổng chương trình hợp tác giữa TP.HCM với thủ đô Vientiane, Khamhoung không do dự quá nhiều khi chọn học ở VN.

Chỉ còn một năm nữa sẽ tốt nghiệp ngành chính trị học, khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, Khamhoung nhớ nhất những người bạn thân tình ở ngôi trường này. Ngày đầu vào giảng đường, không thể theo kịp lời giảng bài, một người bạn VN đã giúp kèm cặp Khamhoung 24/24. “Những lần học thi đến nửa đêm, không hiểu chỗ nào mình gọi điện cho bạn, bạn đều tận tình giải thích”, Khamhoung kể.

Từ tỉnh Attapeu nghèo khó, cô thiếu nữ Dalavady Phothisane (21 tuổi) đã bỏ cả kỳ thi tuyển sinh đại học ở Lào để tập trung vào “giành” học bổng sang VN học. Mẹ và chị gái của Dalavady từng sang VN học (Trường ĐH Quy Nhơn-Bình Định) nên mơ ước được một lần đặt chân đến đất nước này thôi thúc cô từng ngày. Trước khi trở thành sinh viên chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch, khoa du lịch Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, Dalavady có thời gian học tiếng Việt ở Hà Nội. Những ngày vốn tiếng Việt còn bập bõm, cô không ngại dạo bộ khắp phố cổ hay công viên để tìm gặp những người bạn, giao tiếp tiếng Việt. Cũng từ những lần như vậy, Dalavady đã kết nghĩa chị em với một cô gái người Việt. “Một lần mình bị viêm thận phải nằm viện hai tuần, chị ấy và cả gia đình vào bệnh viện tận tình chăm sóc mình từng chút một”, cô kể. Dalavady bảo mối ân tình đó với người bạn VN cô không thể nào quên.

Lưu luyến vì sắp phải xa VN

Những ngày này, cảm xúc trong chàng trai Sonxay Luangoudom (30 tuổi) thật khó tả. Sonxay đang chuẩn bị cho ngày bảo vệ luận văn tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành hệ thống thông tin quản lý Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. “Những cảm xúc đan xen trong tôi: phần lo lắng cho khóa luận tốt nghiệp, phần buồn bã vì tôi sẽ phải trở về nước”, Sonxay tâm sự.

Năm 2001 Sonxay theo học chuyên ngành công nghệ thông tin Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông Hà Nội. Rồi năm 2009, chàng giảng viên của Trường ĐH Champasak này trở lại VN để hoàn tất chương trình sau đại học.

Gần mười năm sống ở VN, nơi đây đã gần như ngôi nhà thứ hai của Sonxay. “Mọi người thường nhầm tôi là người Việt vì ngoại hình không khác biệt nhiều...” - Sonxay kể. Ngoài thời gian học chuyên môn, anh thường rong ruổi nhiều nơi để tìm hiểu phong tục, tập quán VN cũng như chỉ mọi người điệu múa lăm vông của đất nước mình.

Sonxay cho biết chính tinh thần đoàn kết và chịu khó học tập của người Việt đã truyền động lực cho anh trong những ngày ở VN. Những câu chuyện đó anh sẽ mang về nước để chia sẻ với các cô, cậu sinh viên của mình ở Trường ĐH Champasak. “Tôi sẽ kể cho các em nghe về những nơi tôi đã đi qua, những người bạn VN tôi đã gặp mặt - phần đời quý giá của tôi”, Sonxay nói.

HỮU CÔNG
Theo Tuoitre

Từ khóa: