Sự kiện hot
4 năm trước

Vietcombank công bố ba trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh doanh trong năm 2020

Ba trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh doanh trong năm 2020 của Vietcombank gồm tăng trưởng tín dụng hợp lí, gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng hiệu quả bền vững; gia tăng tỉ trọng thu nhập phi tín dụng và cơ cấu lại danh mục nguồn vốn theo hướng hiệu quả, bền vững.

Vietcombank công bố ba trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh doanh trong năm 2020 - Ảnh 1.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietcombank)

Dự báo nhiều khó khăn đối với hoạt động ngân hàng trong năm 2020

Trong báo cáo thường niên 2019, Ban lãnh đạo Vietcombank nhận định, năm 2020, kinh tế thế giới đối mặt với nguy cơ suy thoái khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc và lan rộng trên qui mô toàn cầu. Sản xuất toàn cầu bị đình trệ, tiêu dùng, đầu tư và thương mại thế giới suy giảm. Chỉ số sản xuất của Trung Quốc trong tháng 2 giảm xuống 37,5 điểm, mức thấp nhất kể từ 2004.

Trong khi đó, các rủi ro làm sụt giảm tăng trưởng vẫn hiện hữu như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, khối lượng vay nợ của các chính phủ và người dân ngày một lớn, bất ổn địa chính trị và chính trị, biến đổi khí hậu… Chính phủ và ngân hàng trung ương nhiều nước đang tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ và đưa ra các gói hỗ trợ kinh tế khắc phục hậu quả của dịch bệnh

Phía Vietcombank cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 do có độ mở cao và phụ thuộc khá lớn vào các thị trường hiện đang bị dịch bệnh. Trong khi đó, các yếu tố tích cực từ việc EVFTA được EU phê chuẩn chỉ phát huy tác dụng sớm nhất từ quí III/2020.

Năm 2020 dự báo là một năm rất thách thức với ngành ngân hàng trong bối cảnh kinh tế bị tác động lớn bởi dịch bệnh và tình hình quốc tế diễn biến khó lường. Trong khi đó, áp lực thay đổi, đổi mới là rất lớn khi cạnh tranh tiếp tục gay gắt trên các lĩnh vực ngân hàng truyền thống cũng như lĩnh vực ngân hàng số và ngày một gia tăng giữa các ngân hàng với các công ty fintech.

Những nhiệm vụ trọng tâm của Vietcombank trong năm 2020

Trên cơ sở dự báo trên, năm 2020, HĐQT Vietcombank cho biết sẽ tập trung thực hiện 4 đột phá chiến lược và 3 trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu kinh doanh.

Cụ thể, 4 đột phá chiến lược gồm: đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu hoạt động kinh doanh; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; hoàn thiện và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, triển khai ngân hàng số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng năng lực thích ứng với ngân hàng số.

Với 3 trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh doanh, Vietcombank sẽ tăng trưởng tín dụng hợp lí, gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng hiệu quả bền vững; gia tăng tỉ trọng thu nhập phi tín dụng, trọng tâm là thu nhập từ dịch vụ và đầu tư kinh doanh vốn; cơ cấu lại danh mục nguồn vốn theo hướng hiệu quả, bền vững.

Theo đó, Vietcombank cho biết sẽ tăng tỉ trọng dư nợ bán lẻ, mở rộng tăng trưởng tín dụng từ kênh phòng giao dịch và phát triển nhiều sản phẩm phù hợp với các phân khúc khách hàng, các sản phẩm chuẩn, sản phẩm quản lí tài sản, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mua xe ôtô,…

Đồng thời, ngân hàng cũng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng bán buôn đối với nhóm khách hàng bán buôn mới đáp ứng tiêu chuẩn tín dụng của Vietcombank, tăng tỉ trọng dư nợ tín dụng đối với khách hàng FDI lớn có rủi ro tín dụng thấp và tiềm năng sử dụng dịch vụ tổng thể.

Khách hàng được phát triển trong năm nay bao gồm các công ty chứng khoán/quĩ đầu tư chứng khoán/công ty quản lí quĩ để cung ứng dịch vụ toàn diện, chú trọng phát triển quĩ mở, quĩ ETF, quĩ hưu trí tự nguyện bổ sung..., xây dựng và triển khai các dịch vụ thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực trọng điểm như giao thông công cộng, thu phí không dừng, y tế, giáo dục.

Song song với việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng bán buôn, ngân hàng cũng sẽ gia tăng tỉ trọng tín dụng có tài sản bảo đảm; chọn lọc dự án tín dụng trung dài hạn hiệu quả cao, gắn với sử dụng các dịch vụ ngân hàng tổng thể để đảm bảo kiểm soát tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo qui định của NHNN.

Để gia tăng thu nhập phi tín dụng, Vietcombank cho biết sẽ tập trung đẩy mạnh doanh thu phí và kinh doanh ngoại tệ, trong đó mở rộng qui mô khách hàng ngân hàng điện tử mới, nâng cao tỉ lệ duy trì khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử và đẩy nhanh triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán tiền điện, tiền nước.

Ngân hàng cũng sẽ phát triển sản phẩm chuyên biệt, đặc thù theo phân khúc khách hàng, đẩy mạnh phát triển sản phẩm mới, chú trọng các sản phẩm ngân hàng đầu tư. Bên cạnh đó, nhà băng này cũng sẽ xây dựng kế hoạch và triển khai phân phối sản phẩm bảo hiểm theo thỏa thuận đã ký kết với FWD.

Với trọng tâm cơ cấu lại danh mục nguồn vốn, Vietcombank cho biết sẽ đẩy mạnh huy động nguồn vốn giá rẻ thông qua mở mới tài khoản khách hàng cá nhân, tăng cường thúc bán để khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng. Tăng cường quan hệ với các khách hàng là Tập đoàn, Tổng Công ty, Doanh nghiệp lớn, các quỹ quản lí vốn tập trung, các Bộ/Ngành có nguồn vốn lớn để thiết lập, duy trì, gia tăng thị phần tiền gửi tại Vietcombank.

Vietcombank cũng sẽ thực hiện việc cung ứng dịch vụ thu Ngân sách Nhà nước, thu hút tiền gửi Kho bạc Nhà nước. Đi đầu trong triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, hợp tác thu phí không dừng, thực hiện dịch vụ thanh toán với cổng dịch vụ công quốc gia, mở rộng cung cấp dịch vụ thanh toán tiền nước, tiền điện, bệnh viện, trường học và các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khác.

Đáng chú ý, phía Vietcombank cho biết sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận để lại và thặng dư; tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ cổ phiếu mới ngay khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Quốc Thụy

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: