Sự kiện hot
4 năm trước

Vietnam Airlines ký hợp đồng vay vốn với 3 ngân hàng thương mại cổ phần

Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại là Ngân Hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với tổng số tiền cho vay 4,000 tỷ đồng lãi suất 0%.

Đại diện Vietnam Airlines và ba ngân hàng SeABank, SHB, MSB ký hợp đồng tín dụng sáng 7/7. (Ảnh: Vietnam Airlines)

Đại diện Vietnam Airlines và ba ngân hàng SeABank, SHB, MSB ký hợp đồng tín dụng sáng 7/7 - Ảnh: Vietnam Airlines.

Theo thỏa thuận riêng giữa SeABank và Vietnam Airlines được ký kết ngày 3/7, SeABank sẽ cho hãng hàng không quốc gia vay tối đa 2.000 tỷ đồng, bắt đầu giải ngân ngay từ đầu tháng 7.

Lãi suất dành cho Vietnam Airlines sẽ thấp hơn so với mặt bằng của thị trường. Phần chênh lệch giữa lãi suất thực tế và lãi suất thị trường sẽ được vốn hóa, tức là quy đổi thành cổ phần HVN, theo mệnh giá 10.000 đồng/cp hoặc một mức giá khác.

Sau khi cho Vietnam Airlines vay, các ngân hàng thương mại sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tái cấp vốn với lãi suất 0%, không cần tài sản bảo đảm, quy mô tái cấp vốn tối đa 4.000 tỷ đồng, kỳ hạn ba năm. Vietnam Airlines vẫn cần có tài sản bảo đảm khi vay từ các ngân hàng.

Theo Vietnam Airlines, giải pháp cho vay tái cấp vốn 4.000 tỉ đồng nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỉ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12-2020 để góp phần giúp hãng vượt qua khủng hoảng. Đây là một trong các giải pháp của Chính phủ trong vai trò cổ đông Nhà nước nắm giữ 86,19% cổ phần tại Vietnam Airlines. 

Hiện tại, Vietnam Airlines đang tiếp tục triển khai các bước theo quy định liên quan đến phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ 8,000 tỷ đồng để có thể hoàn tất thủ tục phát hành vào cuối quý 3/2021.

Ngoài các biện pháp trên, Vietnam Airlines đã triển khai nhiều giải pháp tự thân nhằm cắt giảm chi phí như tái cơ cấu doanh nghiệp, thu hẹp sản xuất kinh doanh theo quy mô thị trường, tối ưu hóa hoạt động bảo dưỡng tàu bay, đàm phán với các nhà cung ứng giãn, hoãn thanh toán và áp dụng chính sách tiền lương trong giai đoạn Covid-19...

Tuy vậy, trong năm 2020, Vietnam Airlines vẫn ghi nhận lỗ sau thuế gần 11.200 tỷ đồng. Trong quý I năm nay, tổng công ty lỗ thêm gần 5.000 tỷ nữa, vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 1.000 tỷ đồng. Nếu tiếp tục thua lỗ trong quý II, nhiều khả năng Vietnam Airlines sẽ âm vốn chủ.

Trước đó, Vietnam Airlines tổ chức đấu giá 11 tàu bay A321CEO sản xuất năm 2004, 2007 và 2008. Ngoài ra, Vietnam Airlines còn muốn bán và thuê lại một động cơ dự phòng PW1133G-JM kèm QEC mới (Quick Engine Change - bộ thay động cơ nhanh) dự kiến giao tháng 7/2021.

Ánh Tuyết

Theo KTDU

Từ khóa: