Sự kiện hot
6 năm trước

Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways muốn bay thẳng sang Mỹ: Còn những rào cản nào?

Ba hãng hàng không lớn của Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đều bày tỏ tham vọng bay thẳng sang Mỹ. Tuy nhiên, dù đã được cấp Chứng nhận đạt năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1), giấc mơ này chưa thể sớm trở thành hiện thực.

Được cấp CAT 1, hoàn thành một thủ tục quan trọng

Chiều nay 15/2, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã trao Chứng nhận đạt năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (Category 1 hay CAT 1) của Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) cho Cục Hàng không Việt Nam, đồng nghĩa cơ quan quản lý hàng không Mỹ công nhận nhận Cục Hàng không Việt Nam đã tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về giám sát an toàn.

Trong thông cáo của mình, FAA cho biết “Quyết định cấp chứng nhận CAT 1 hôm nay được đưa ra dựa trên một cuộc đánh giá do FAA thực hiện vào tháng 8/2018 đối với các tiêu chí giám sát an toàn mà Cục Hàng không Việt Nam đưa ra”, cho thấy Cục Hàng không Việt nam đã tuân thủ các quy chuẩn của Liên Hợp quốc về cấp phép cho phi công và giám sát hoạt động và an toàn của các hãng hàng không.

Với việc Cục Hàng không Việt Nam được cấp CAT 1, các hãng hàng không Việt Nam đã có thể thiết lập đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ cũng như bay liên danh (code share) với các hãng lớn trên thế giới tới Mỹ.

Vậy trong số các hãng hàng không của Việt Nam hiện nay, hãng nào có tham vọng cũng như khả năng bay thẳng tới Mỹ?

Vietnam Airlines: Bay thẳng tới Mỹ là “nhiệm vụ chính trị”

Trả lời phỏng vấn Báo Giao thông mới đây, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Quốc gia (Vietnam Airlines) cho biết: "Trong 10 năm qua, Vietnam Airlines đã chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật và thương mại cho việc mở đường bay tới Mỹ”.

Từ năm 1996, Vietnam Airlines đã có hợp tác với các hãng hàng không khác để nối chuyến bay tới Mỹ, ông Thành thông tin thêm.

Về mặt thủ tục, tuy Việt Nam đã được cấp CAT 1 nhưng muốn bay thẳng tới Mỹ, các hãng hàng không Việt Nam vẫn cần nộp hồ sơ xin cấp phép bay thương mại tới FAA. Sau khi được FAA chấp thuận thì các hãng mới có thể mở đường bay tới Mỹ.

Về mặt kĩ thuật, bay thẳng tới Mỹ đòi hỏi các dòng máy bay thân rộng để khai thác các chặng bay dài và chuyên chở được nhiều hành khách qua đó tăng tính kinh tế.

Hiện nay đội bay của Vietnam Airlines đang sở hữu hai loại máy bay thân rộng là Boeing 787-9 (11 chiếc) và A350 (12 chiếc). Tuy nhiên cả hai loại này đều phải có một điểm dừng kĩ thuật để tiếp nhiên liệu.

vietnam airlines vietjet air bamboo airways muon bay thang sang my giac mo xa voi
Một chiếc tàu bay A350 của Vietnam Airlines. Ảnh: Báo Giao thông.

CEO Dương Trí Thành cho biết hiện chưa có loại máy bay nào bay thẳng mà chở đủ tải khách và hàng từ Việt Nam tới Mỹ, còn nếu khai thác có một điểm dừng thì chi phí và thời gian bay tăng lên nhiều, tính cạnh tranh của sản phẩm chưa đủ cao.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông cũng cho biết hãng đã nói chuyện với các nhà sản xuất máy bay khi nào có loại máy bay có thay đổi về mặt kỹ thuật thích hợp để bay thẳng đủ tải tới Mỹ và kế hoạch của các nhà sản xuất là sớm nhất đến năm 2022 mới có loại máy bay này.

Trong thời gian chờ đợi, kế hoạch của Vietnam Airlines là tiếp tục mở rộng nối chuyến và liên danh với các hãng hàng không Mỹ.

Ngoài rào cản về thủ tục và kĩ thuật, yếu tố kinh tế và lợi nhuận cũng là một vấn đề lớn mà các hãng phải giải quyết.

Ông Brendan Sobie, một chuyên gia phân tích tại Singapore của Trung tâm Hàng không Châu Á – Thái Bình Dương (CAPA) nói: “Có đường bay thẳng đến Mỹ là một điều mang tính biểu tượng rất cao quý. Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động này. Tuy nhiên để tạo ra lợi nhuận trên đường bay Việt Nam - Mỹ rất khó. Đây như là một giấy phép bay để mất tiền vậy”.

Thực tế, các hãng hàng không Mỹ như United Airlines và Delta Airlines đã bay đến Việt Nam, nhưng sau đó dừng khai thác vì không hiệu quả. Bản thân ông Dương Trí Thành cũng từng ước tính: Khi mở đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ, Vietnam Airlines sẽ phải mất khoảng 5 năm mới hòa vốn và khả năng lỗ ước khoảng 30 triệu USD/năm. Như vậy khoản lỗ trong 5 năm là khoảng 3.300 tỉ đồng - một con số không hề nhỏ. Để so sánh, lợi nhuận sau thuế cả năm 2018 của Vietnam Airlines là 3.240 tỉ đồng.

Vietjet Air và Bamboo Airways: Vẫn đang đợi tàu bay thân rộng

Cả Vietjet Air và Bamboo Airways đều coi bay thẳng sang Mỹ là một phần trong chiến lược phát triển của mình.

Tháng 11/2017, hãng tin Bloomberg dẫn lời bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet Air về việc hãng đang xem xét mua các loại máy bay cỡ lớn để mở đường bay thẳng tới Mỹ vào năm 2019.

Cụ thể, chuyến bay tới Mỹ của Vietjet dự kiến sẽ có điểm đến là sân bay quốc tế Norman Y. Mineta San Jose, nơi có đông đảo cộng đồng người Việt sinh sống và khá gần với thành phố lớn San Francisco.

Tuy nhiên đến nay, Vietjet Air vẫn đang chỉ khai thác các dòng máy bay thân hẹp A320 và A321.

Về phần Bamboo Airways, từ trước khi hãng này được cấp phép, tháng 6/2018 ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC (công ty mẹ của Bamboo Airways) đã bày tỏ tham vọng bay thẳng đến Mỹ, thậm chí đặt mục tiêu “đã bay phải có lãi luôn”.

Ít ngày trước đó, ông Quyết đã cùng lãnh đạo hãng sản xuất máy bay Boeing kí biên bản ghi nhớ về việc FLC mua 20 máy bay B787-9 Dreamliners với giá trị niêm yết 5,6 tỉ USD.

vietnam airlines vietjet air bamboo airways muon bay thang sang my giac mo xa voi
Một chiếc tàu bay A350 của Vietnam Airlines. Ảnh: Báo Giao thông.

Tuy nhiên những tàu bay này chỉ được bàn giao trong giai đoạn tháng 4/2020 đến hết năm 2021. Chia sẻ với phóng viên trong ngày cất cánh 16/1, ông Quyết cho biết trong khi chờ được bàn giao các tàu bay mua được bàn giao, FLC cũng đang đàm phán thuê một số tàu bay thân rộng. Dự kiến FLC sẽ nhận các tàu thuê này vào quí II năm nay, sau đó hãng sẽ tiếp tục tính việc mở đường bay sang Mỹ.

Như vậy có thể thấy, các rào cản đối với việc mở đường bay thẳng sang Mỹ của các hãng hàng không Việt vẫn còn khá lớn, đường bay thẳng tới xứ sở cờ hoa còn khá nhiều việc phải chuẩn bị kỹ lưỡng.

Song Ngọc

Theo Kinh tế & Tiêu dùng, Vietnambiz

Từ khóa: