Theo đó, những cán bộ có nhu cầu mua nhà tại 2 dự án này chỉ cần nộp 20% giá trị mỗi căn nhà (khoảng 330 triệu đồng, với giá 8 triệu đồng/m2) trong thời gian 6 tháng, với lãi suất 0,8%/tháng. Nếu đăng ký góp vốn, khách hàng sẽ được ưu tiên chọn hướng và vị trí lô đất.
Tận mắt thấy Văn bản số 125/TCT-TCKT ngày 8/2/2007 của Tổng công ty Viglacera với nội dung như trên, chị Thanh đã nhờ người bạn đăng ký mua hai suất liền kề tại Dự án Xuân Phương và đóng số tiền 660 triệu đồng.
Tưởng rằng, sau 6 tháng nộp tiền, chị sẽ được quyền làm hợp đồng mua bán với chủ dự án, thế nhưng mãi đến cuối tháng 10/2011 chị mới nhận được thông báo đến thanh toán tiền, cả gốc và lãi được 1,016 tỷ đồng.
Sau khi thanh lý hợp đồng huy động vốn, chị Thanh vẫn không được chuyển sang ký hợp đồng mua đất tại dự án. Công ty Viglacera chỉ ký với chị và các khách hàng khác Hợp đồng vay tài sản tương đương với 70% giá trị đất. Đặc biệt, giá đất lúc này đã bị điều chỉnh từ 8 triệu đồng/m2 lên 34 - 40 triệu đồng/m2 và tiền xây dựng điều chỉnh từ 3,5 triệu đồng/m2 lên 9,3 - 10,8 triệu đồng/m2.
Cũng là một khách hàng mua đất tại Dự án Xuân Phương, nhưng anh Phạm Hữu Thông lại phải mua qua tay một nhân viên trong Công ty Viglacera, với số tiền chênh lên đến 2,8 tỷ đồng cho 2 căn biệt thự. Vì vậy, khi biết Công ty Viglacera điều chỉnh giá bán cao gấp hơn 4 lần giá ban đầu, anh Thông rất bức xúc.
Theo anh Thông, trong số khách hàng góp vốn để được quyền mua nhà tại Dự án Xuân Phương, có đến 80 - 90% là mua lại từ nhân viên Công ty Viglacera, với mức chênh từ vài trăm triệu đồng cho đến hơn 2 tỷ đồng mỗi suất.
Vì nhiều lý do khác nhau, Dự án Xuân Phương của Viglacera đã bị chậm triển khai 5 năm - Ảnh: Nguyên Minh
Vì vậy, việc Công ty định lại giá đất như trên khiến mức giá thực tế mà khách hàng phải trả cao hơn nhiều giá đất tại các dự án lân cận. Ngoài ra, việc Công ty Viglacera dọa hủy hợp đồng, trả lại tiền cọc hoặc không ký hợp đồng vay tài sản nếu khách hàng không chịu đóng tiền trước ngày 10/11/2011 là không tính toán tới quyền lợi khách hàng.
Quá bức xúc vì bị chủ dự án lật kèo, nhiều khách hàng đã kéo đến trụ sở Công ty Viglacera để phản đối. Thậm chí, sáng 22/12/2011, khách hàng còn kéo đến công trường dự án để giăng những biểu ngữ như “Viglacera bán đất trên trời”, “Viglacera cần thực hiện đúng Văn bản 125”…
Tại hiện trường dự án, anh Nguyễn Đức Thọ, người đã đóng 70% số tiền cho căn liền kề tại Dự án Xuân Phương cho hay, mức giá 34 - 40 triệu đồng/m2 cao hơn giá thị trường, nên nếu ai đó muốn bán để chạy khỏi dự án thì cũng không có ai mua. Ngoài ra, đơn giá xây dựng mà chủ dự án đưa ra từ 9,3 - 10,8 triệu đồng/m2 là quá cao.
Chị Đặng Thanh Hương, một khách hàng khác tại Dự án Viglacera cho biết: Năm 2009, chị mua suất liền kề tại Dự án Đại Mỗ của Tổng công ty Viglacera, với số tiền chênh 1,2 tỷ đồng, nhưng vì dự án này thiếu đất nên chị bị đẩy sang mua đất tại Dự án Xuân Phương.
Với mức giá từ 34 - 40 triệu đồng/m2 mà chủ dự án đang áp đặt, cộng với 1,2 tỷ đồng tiền chênh thì chị đang phải mua đất tại Dự án Xuân Phương với giá trên 60 triệu đồng/m2, cao gấp hơn 2 lần mức giá đất trong khu vực.
Hàng chục khách hàng kéo đến công trường dự án Xuân Phương của Viglacera để phản đối chủ đầu tư trong ngày 22/12 - Ảnh: Nguyên Minh
Chiều 23/12, ông Đào Đình Thi, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera, đồng thời là Giám đốc Công ty Kinh doanh bất động sản Viglacera đã có cuộc gặp gỡ với báo chí để giải thích lý do Dự án Xuân Phương chậm triển khai cũng như tăng giá bán đất.
Theo ông Thi, Dự án Xuân Phương chậm triển khai 5 năm (từ năm 2007 đến năm 2011) là vì những lý do khách quan. Cụ thể, năm 2008, khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, Dự án Xuân Phương đã có thời gian bị tạm đình chỉ chờ rà soát quy hoạch. Phải tới ngày 20/1/2011, dự án mới được phê duyệt và tiếp tục triển khai.
Trước khi điều chỉnh giá bán đất từ 8 triệu đồng/m2 lên 34 - 40 triệu đồng/m2, chủ dự án đã tham khảo bảng giá đất tại các dự án lân cận thì thấy nhiều dự án đang bán với giá 60 - 80 triệu đồng/m2.
Ông Thi cho biết, nếu bán được nhà với đơn giá trên, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đối với Dự án Xuân Phương sẽ là 432,093 tỷ đồng. Con số này là niềm mơ ước của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, ông Thi kêu rằng, lợi nhuận này vẫn thấp, bởi nếu tính lợi nhuận sau thuế trên tổng đầu tư thì đạt 16,9%.