Sự kiện hot
3 năm trước

VN-Index ‘đỏ lửa’ giảm gần 27 điểm

Phiên giao dịch 12/4, thị trường tiếp tục lao dốc với tốc độ lớn hơn những phiên trước. Cuối phiên chiều 12/4 đã có tín hiệu bán tháo, khi số giảm sàn tăng vùn vụt. VN-Index bốc hơi tiếp gần 27 điểm nữa...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngay khi mở đầu phiên giao dịch 12/4, thị trường chỉ bật nhẹ sau thời gian mở cửa và rồi tiếp tục bị chao đảo với áp lực bán diễn ra trên diện rộng, hàng trăm mã chứng khoán bị chìm trong "chảo lửa".

Tại thời điểm đóng cửa, toàn thị trường ghi nhận 859 mã giảm điểm; trong đó, 99 mã giảm sàn. Thị trường chỉ ghi nhận nhóm hàng thủy sản bất ngờ tăng mạnh.
Cụ thể, VN-Index giảm 26,75 điểm xuống 1.455,25 điểm. Toàn sàn có 67 mã tăng, 409 mã giảm và 27 mã đứng giá. HNX- Index giảm 11,01 điểm xuống 421,01 điểm. Toàn sàn có 51 mã tăng, 192 mã giảm và 33 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,31 điểm xuống 112,53 điểm. Toàn sàn có 89 mã tăng, 258 mã giảm và 50 mã đứng giá.
Tổng giá trị khớp lệnh toàn sàn đạt trên 25.127 tỷ đồng; trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt hơn 21.282 tỷ đồng.
Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 273 tỷ đồng ở sàn HoSE, tập trung xả các mã vốn hoá lớn VPB, HPG, VHM… cũng tạo thêm áp lực lên thị trường.

Phiên 12/4 chứng kiến cổ phiếu các nhóm ngành như bất động sản, xây dựng, chứng khoán, ngân hàng… đồng loạt giảm điểm.

Nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn bị nhà đầu tư bán ra mạnh, kéo thị trường đi xuống, điển hình là mã VHM (Vinhomes), BID (BIDV), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), HPG (Tập đoàn Hòa Phát), DIG (Đầu tư phát triển xây dựng)...

Song song đó, hàng loạt cổ phiếu "vua" - nhóm ngành ngân hàng - cũng bị rớt giá, như CTG (Vietinbank), MBB (MBBank), TCB (Techcombank), VCB (Vietcombank)...

Về thị trường chung, trong lúc hầu hết các sàn chứng khoán chính đều chìm trong "chảo lửa", nhiều cổ phiếu cũng lội ngược dòng, tăng đáng kể, nổi bật là mã MWG (Thế giới di động), MSN (Masan), VIC (Vingroup), VHC (Vĩnh Hoàn), FPT (FPT), VPB (VPBank), DPM (Đạm Phú Mỹ)...

Dựa vào chỉ số ngành có thấy sự phân hóa rõ rệt. Dòng tiền đổ vào cổ phiếu thuộc ngành công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng, hàng tiêu dùng thiết yếu. Tuy nhiên áp lực bán đè lên các cổ phiếu thuộc lĩnh vực năng lượng, chăm sóc sức khỏe, nguyên vật liệu, dịch vụ tiện ích, công nghiệp, bất động sản, tài chính...

Thanh Tú

Theo KTĐU

Từ khóa: