CTCP Đầu tư Phát triển VNTex vừa công bố hoàn tất bán toàn bộ 35 triệu cổ phần VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
Giao dịch được thực hiện vào ngày 30/1/2019 đã giảm tỷ lệ sở hữu của VNTex trong Vinatex từ 7% về 0%.
Cũng trong ngày 30/1 xuất hiện giao dịch thoả thuận 35 triệu cổ phiếu VGT với tổng giá trị 385 tỷ đồng, tương đương 11.000 đồng/ CP, thấp nhất của phiên giao dịch hôm đó.
Như vậy, sau gần hai năm từ khi đề đạt nguyện vọng thoái vốn khỏi Vinatex, VNTex đến nay đã rút toàn bộ vốn tại "ông lớn" số 1 trong ngành dệt may ở Việt Nam.
VNTex tiền thân là Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group) do nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường thành lập năm 2006.
Giữa năm 2014, VID Group và VinGroup là hai nhà đầu tư chiến lược, mua 70 triệu và 50 triệu cổ phần, tương đương lần lượt 14% và 10% cổ phần Vinatex khi doanh nghiệp nhà nước này thực hiện cổ phần hoá năm 2014. Giá gốc khoản đầu tư rơi vào khoảng 11.000 đồng/ CP.
Theo quy chế cổ phần hoá, thời hạn nắm giữ tối thiểu cổ phiếu của nhà đầu tư chiến lược là 5 năm. Tuy nhiên tháng 2/2017, tức là chỉ sau gần ba năm đầu tư vào Vinatex, VID Group đã xin "đặc cách" được bán toàn bộ 70 triệu cổ phần VGT lúc này đã lên sàn UpCOM (từ tháng 1/2017). Đề xuất sau đó đã được Đại hội đồng cổ đông bất thường của Vinatex, với các cổ đông lớn là Bộ Công thương và VinGroup thông qua.
Dù vậy, phải tới tháng 3/2018, VID Group mới bán được 35 triệu cổ phần VGT cho Tập đoàn ITOCHU của Nhật Bản. Và như đã biết, phân nửa số cổ phần còn lại đã được thoái nốt vào cuối tháng Một vừa qua.
Biết rằng, hơn 64 triệu cổ phần Vinatex đã được VID Group thế chấp tại một ngân hàng thương mại có trụ sở tại Hà Nội từ năm 2014. Việc đi vay để trở thành cổ đông chiến lược của một tập đoàn lớn như Vinatex khiến xuất hiện những nhìn nhận rằng VID Group chỉ có ý định "lướt sóng" cổ phiếu Vinatex.
Nhận định này phần nào có cơ sở khi doanh nghiệp sau đó đổi tên thành VNTex nhanh chóng muốn rút vốn khỏi Vinatex. Mức giá nhượng lại cho ITOCHU cuối tháng Ba năm ngoái cũng được cho là chấp nhận được với bình quân khoảng 16.000 đồng/ CP, gấp rưỡi giá vốn sau 4 năm đầu tư.
Tuy nhiên, khoản hời này có thể không bù đắp nổi mức tổn thất trong lần thoái vốn thứ hai. Với lãi suất đi vay tính rẻ 10%/ năm, thì chi phí đầu tư sau 5 năm sẽ đội lên chừng 60%, chưa tính lạm phát. Trong khi VNTex bán cổ phần ở mức 11.000 đồng, tức là ngang với giá gốc, dù điểm hoà vốn ít nhất phải từ 17-18.000 đồng.
Vậy đâu là động lực để doanh nghiệp "lõi" của bà Nguyệt Hường chấp nhận cắt lỗ với giá trị quy đổi cả trăm tỷ đồng? Ngoại trừ các lý do ngoài lề, một giả thiết là bởi kênh tín dụng không còn dồi dào như trước khi mà Ngân hàng Nhà nước thắt chặt quản lý, tập đoàn này đang phải luân chuyển một phần lớn nguồn lực sang mảng bất động sản.
Như Nhadautu.vn đã đề cập, chỉ trong ít ngày cuối năm 2018 và giữa tháng 1/2019, các đơn vị thành viên của VID Group liên tiếp trúng hai dự án lớn với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng tại Thị xã Quảng Yên và TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Việc đầu tư mạnh vào tỉnh địa đầu khu vực Đông Bắc theo sau thành công của những Goldmark City, Golden Silk, Gold Season tại Hà Nội hay The Gold View tại TP.HCM.
Xuân Tiên
Theo Nhà đầu tư