Cái chết của chị Chềm đã gây chấn động cả bản Lìm Thái. Có người thì thương xót, nhưng cũng có người ác khẩu thì hả hê bảo rằng, “ma chài”đã bị giết chết, thế là đáng đời lắm, cả bản sẽ được bình yên(?!).
Cái chết của chị Chềm đã gây chấn động cả bản Lìm Thái. Có người thì thương xót, nhưng cũng có người ác khẩu thì hả hê bảo rằng, “ma chài”đã bị giết chết, thế là đáng đời lắm, cả bản sẽ được bình yên(?!). Việc chị Chềm bị nghi là “ma chài” đã khiến cho chồng và những đứa con của chị bị cô lập...
Anh Toòng Văn Loan và đứa con út phải hứng chịu kỳ thị vì “ma chài”. Ảnh: P.B.
Mất mạng vì dọa làm “ma chài”
Chị Lò Thị Chềm ngụ tại bản Lìm Thái, xã Cao Phạ, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái bị bắn chết khi đang ngồi xem tivi tại nhà bởi một phát súng xuyên qua đầu. Anh Toòng Văn Loan, chồng chị Chềm đã gọi hàng xóm nhanh chóng đưa vợ đi cấp cứu tại Trạm Y tế xã Cao Phạ. Nhưng vì vết thương quá nặng, chị Chềm tử vong ngay sau đó. Vụ án nghiêm trọng được báo cáo lên Công an huyện Mù Cang Chải, rồi được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH (PC 45), Công an tỉnh Yên Bái trực tiếp về điều tra.
Công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi sau đó được gấp rút tiến hành. Kết quả khám nghiệm cho thấy chị Chềm tử vong do bị bắn bởi một loại súng tự chế của người vùng cao. Đối tượng đưa nòng súng qua khe vách gỗ và nhằm bắn trúng vào đầu nạn nhân với mục đích tước đoạt đi mạng sống của người này…
Trước đó, Lò Thị Chềm từng có một tiền án về hành vi tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép. Sau 2 năm thụ án, Chềm về địa phương sinh sống và có biết một chút về nghề thầy cúng. Mặc dù đã có gia đình nhưng chị Chềm vẫn có mối quan hệ ngoài luồng với Lò Văn Phương là người cùng địa phương. Và người đàn ông này được coi là nghi can số 1. Sau một hồi quanh co chối tội, Phương phải thú nhận đã nổ súng giết chị Chềm. Nguyên nhân là thời gian vừa qua, chị Chềm hay dọa Phương không lấy được nhau thì sẽ “thả ma” giết Phương vì Chềm là thầy cúng. Vài tuần sau lời dọa đó, Phương bị chảy máu cam… Vì cho rằng Chềm thả “ma chài” nên Phương đã nhờ bố đẻ cúng giải ma cho Phương nhưng bệnh tình của anh ta vẫn không thuyên giảm. Một ý nghĩ đen tối lóe lên trong đầu Phương, tất cả bệnh tật của mình là do Chềm mà ra. Vì vậy, Phương quyết định đến lấy mạng Chềm trước.
Sau 8 tháng, kẻ gây tội cũng đã bị Tòa tuyên án nhưng hệ lụy để lại cho gia đình anh Toòng Văn Loan vẫn kéo dài âm ỉ. Ngôi nhà của mấy cha con anh Loan nằm cheo leo trên lưng chừng núi giữa bốn bề là cây sa mộc đang mùa lên lá non xanh mởn. Cả khu bản Lìm Thái nằm co cụm, đông đúc nhưng căn nhà của anh Loan lại chơ vơ, trống trải, vắng tanh bóng người đến chơi. Tất cả cũng chỉ vì mọi người nghi ngờ chị Lò Thị Chềm là “ma chài” nên mọi người tuyệt giao.
Quá nhiều vụ án đau lòng...
Ở bản Lìm Thái này, cái chết của chị Chềm gây chấn động cả bản. Có người thì thương xót chị nhưng cũng có người ác khẩu thì hả hê bảo rằng: Ma chài đã bị giết chết, thế là đáng đời lắm, cả bản sẽ được bình yên(?!).
Đau lòng khi mất vợ, nhưng anh Loan cũng không khỏi chua xót khi biết người giết vợ mình là Phương. Trước đây, Phương thường xuống nhà anh Loan uống rượu. Hắn vốn rất nghèo nên thỉnh thoảng còn xin gạo, xin gà về ăn uống. Sau khi giết chị Chềm, Phương bị Tòa tuyên án tù, phải bồi thường 70 triệu đồng nhưng đến nay gia đình này chẳng có đồng nào để bồi thường cho anh Loan. “Sống cùng nhau bao nhiêu năm nhưng tôi không ngờ hắn lại nhẫn tâm đến như vậy”, anh Loan chua xót.
Khi tôi gặng hỏi, tại sao đến bây giờ người ta vẫn còn lời đồn đại ác nghiệt về gia đình mình, anh Loan như đổ gục người xuống, chực khóc. Tiếng anh nghèn nghẹn: “Mình có biết gì đâu, “ma chài, ma chó” cũng chỉ nghe người ta đồn đại nhau nói tới. Cách đây mấy năm vợ mình có tự lập bàn thờ cúng cho đứa con nhỏ bị ốm, may thay con mình khỏi bệnh. Có người biết chuyện, thế là tin đồn lan đi. Có người nói vợ mình cúng ma cho con khỏi bệnh thì đích thị là “ma chài” rồi. Mình đã cố gắng giải thích với mọi người nhưng chẳng ai chịu tin, họ cứ xa lánh gia đình mình, gặp trên nương cũng tránh mặt”.
Việc chị vợ bị nghi là “ma chài” khiến cho cả gia đình anh Loan lại bị cô lập hoàn toàn. Anh kể, khi còn sống, có lần chị Chềm xuống chợ mua ngô giống, mọi người thấy chị liền lảng ngay đi chỗ khác. Chị đi mua thịt trâu, miếng thịt nào chị động vào là nhất định không bán nổi. Đến nỗi, có đám cưới của người em họ ở bản bên, chị Chềm sang ăn cỗ cưới, chị ngồi xuống mâm nào là cả mâm ấy nhất loạt đứng dậy, ngồi năm bảy mâm đều như thế nên tủi thân quá chị đành ra về trong nước mắt.
Anh Loan và chị Chềm có với nhau 5 đứa con, sau cái chết của mẹ, đứa con lớn SN 1993 cũng bỏ nhà đi nốt vì không chịu được điều tiếng. “Giờ chả biết nó đang làm gì, ở đâu. Lâu lắm nó cũng không về nhà, chỉ nghe nói là ở Hải Dương thôi…”, anh Loan thở dài khi nói về đứa con lớn Toòng Thị Lơi. Đến mùa vụ, cháu nào không đi học thì anh Loan cho con đi làm thuê, đổi bữa gạo, bữa sắn nhưng người ta nghi chị Chềm là “ma chài” nên chả ai dám thuê.
Cái khổ nhất là mấy đứa con nhỏ của chị Chềm đi học bị các bạn xa lánh hắt hủi. Đã mấy tháng nay, sau cái chết của mẹ, cháu Toòng Thị Hương đi học cứ thui thủi ngồi một mình ở bàn cuối vì không ai dám ngồi cùng. Các bạn cùng lớp bảo mẹ Hương là “ma chài”, ngồi cạnh Hương sẽ bị “ma chài” ám sang người, về là ốm chết. Phải khó khăn lắm Hương mới dám đi học, nhưng cũng buổi đực buổi cái, có mấy lần cháu đã định bỏ học.
Anh Loan bảo, con “ma chài” như thế nào, anh và tất cả người dân ở đây đều không biết, nhưng hễ người nào bị ốm, bị bệnh là lại phải làm cúng, phải “bắt ma”... Tuy nhiên, nhiều người cúng, “bắt ma” nhưng chẳng khỏi, thậm chí bệnh còn nặng thêm… Vậy là người ta nghi ngờ hàng xóm, anh em “chài” gia đình mình.
Đã có quá nhiều vụ án đau lòng vì quá mê tín dị đoan, kém hiểu biết. Nhưng bao nhiêu năm nay, ở một số địa phương vùng cao, vùng sâu, vùng xa… dường như những cái chết vì lý do đó vẫn chưa thể là tiếng chuông cảnh tỉnh cho người dân.
Phùng Bình
theo GĐ&XH