Ngày 25/5, tỉnh Bình Dương đã xét xử lưu động 2 bị cáo liên quan đến việc lợi dụng các cuộc tuần hành để gây rối, kích động phá hoại tài sản doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Bị cáo Lê Văn Nghiêm.
Sáng 25/5, tại Trường tiểu học An Tây A (Bình Dương), dưới sự chứng kiến của hàng ngàn người dân, Tòa án nhân dân thị xã Bến Cát, Bình Dương đã xét xử lưu động bị cáo Lê Văn Nghiêm (23 tuổi, quê Cà Mau, là công nhân ở thị xã Bến Cát) về hành vi gây rối trật tự công cộng và cố ý làm hư hỏng tài sản. Nghiêm là một trong số hàng trăm người kích động các công nhân đập phá công ty nước ngoài ở Bình Dương hôm 13/5.
Theo cáo trạng, Nghiêm làm công nhân tại Công ty CP Chấn Việt (ấp An Thành, xã An Tây, thị xã Bến Cát) từ tháng 7/2013. Tối 13/5, Nghiêm đến nhà bạn, khi về ngang qua Công ty Chấn Việt, thấy nhiều người tụ tập hò hét, phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nên Nghiêm vào xem. Lúc đó có khoảng 200 người đang trong trạng thái rất kích động và xô đổ cổng Công ty. Nghiêm hòa vào dòng người và cùng một số người chạy vào xưởng số 6 của Công ty Chấn Việt, tiếp tục tụ tập và kích động nhiều người hò hét phản đối Trung Quốc. Lực lượng dân quân xã An Tây đến giải tán đám đông đã bị Nghiêm chửi bới rồi cùng những người khác kéo ra trước cổng Công ty la hét. Khoảng 20h, ông Nguyễn Văn Tòng - Trưởng công an xã An Tây cùng 6 đồng đội đi ô tô riêng đến làm nhiệm vụ đã bị Nghiêm xông ra chặn đầu và vung chiếc đèn pin đập móp đầu ôtô, gây thiệt hại hơn 4 triệu đồng. Nghiêm bị bắt giữ ngay sau đó.
Bị cáo Châu Vĩnh Tường. Ảnh: TTX
Nghiêm thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và bày tỏ sự ăn năn hối hận về những gì đã làm. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo 3 năm tù về các tội “gây rối trật tự công cộng” và “cố ý làm hư hỏng tài sản”, dù nạn nhân không yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Cùng thời điểm, Tòa án thị xã Tân Uyên (Bình Dương) cũng đưa ra xét xử lưu động và tuyên phạt bị cáo Châu Vĩnh Tường (18 tuổi, là công nhân, ngụ phường Tân Đông Hiệp, thị xã Tân Uyên) 1 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Tường được xác định là đã lợi dụng đoàn người tuần hành, đập phá Công ty TNHH Cao Viễn (thuộc phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên) trộm màn hình máy tính và một số thiết bị văn phòng, tổng trị giá hơn 5 triệu đồng.
Lê Văn Nghiêm và Châu Vĩnh Tường là những người đầu tiên bị đưa ra xét xử trong số hàng trăm người bị khởi tố vì liên quan đến việc lợi dụng các cuộc tuần hành để gây rối, phá hoại các công ty xí nghiệp trong tỉnh Bình Dương và chống phá người thi hành công vụ...
Bình Dương chi 700 tỷ đồng chăm lo cho công nhân
Tin từ cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương cho hay, sẽ chi khoảng 700 tỷ đồng để giải quyết chế độ thất nghiệp, tiền lương cho công nhân tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi tuần hành quá khích thời gian qua. Có khoảng 25.000 công nhân thuộc gần 400 doanh nghiệp nhận được chế độ này. Cụ thể, thanh toán toàn bộ tiền lương cho công nhân trong thời gian nghỉ chờ doanh nghiệp tái hoạt động (doanh nghiệp nào đã chi trả khoản lương này cho công nhân thì bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán lại). Riêng công nhân bị mất việc, bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán 6 tháng tiền bảo hiểm thất nghiệp.
Cũng liên quan những cuộc tuần hành quá khích thời gian qua, chính quyền TPHCM vừa tạm chi 3,9 tỷ đồng giúp một số doanh nghiệp tổn thất nhẹ khắc phục hậu quả. Với các doanh nghiệp tổn thất nặng, địa phương này đang triển khai rà soát, nắm tình hình để tiếp tục chi ngân sách hỗ trợ.
Đỗ Bá
|
Nguyễn Hằng
theo GĐ&XH