Sự kiện hot
11 năm trước

Vụ diễn viên xiếc bị đánh tại Hải Phòng: Vì sao có hiện tượng “treo đầu dê bán thịt chó”?

Vụ các diễn viên xiếc bị rượt đánh trên sân khấu tại Hải Phòng hé lộ khá nhiều chiêu trò trong việc bán vé, quảng cáo biểu diễn.

Vụ các diễn viên xiếc bị rượt đánh trên sân khấu tại Hải Phòng hé lộ khá nhiều chiêu trò trong việc bán vé, quảng cáo biểu diễn.

Ông Vũ Ngoạn Hợp – Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam cho hay, qua việc “vỡ trận” một chương trình nghệ thuật mới thấy có quá nhiều lỗ hổng trong quản lý.


Đêm diễn xiếc tại Hải Phòng hỗn loạn vì khán giả nổi xung rượt đánh diễn viên.
Ảnh: HP.

“Làm xiếc” bán vé

Theo phản ảnh của nhiều người, các chương trình xiếc thường “làm xiếc” trong việc tặng vé. Theo đó, nhiều chương trình mang vé đến trường tặng cho các cháu học sinh. Vấn đề là vé miễn phí thường tặng cho các học sinh nhỏ, chưa chủ động đi xem một mình, buộc người đi kèm các cháu phải mua vé để vào xem cùng.

Chương trình xiếc diễn ra tại Hải Phòng cũng đã tặng vé miễn phí khá lập lờ. Với “chiêu” phát khoảng 2.000 vé miễn phí đến các trường học, đơn vị tổ chức thu hút hơn 5.000 người đến xem biểu diễn. Ban tổ chức công bố, chỉ miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, những người còn lại phải mua vé với giá 50.000 đồng/vé (trẻ em) và 150.000 đồng/vé (người lớn) khiến người dân bức xúc.

Hôm biểu diễn, Cung Văn hóa, Thể thao, Thanh niên có sức chứa 3.000 chỗ ngồi, trong đó 2.400 chỗ cố định và mặt sàn có thể bố trí được khoảng 1.000 ghế rời. Tuy nhiên hơn 5.000 vé được bán ra, người xem không có chỗ ngồi phải thuê ghế nhựa với giá 10.000 đồng/chiếc. Nhiều phụ huynh và các em nhỏ phải đứng chen lấn nhau, có trường hợp hơn một chục cháu bé đứng trên một chiếc bàn, khiến bàn bị sập gãy, một cháu bị gãy chân…

Theo thông tin chúng tôi nhận được, mặc dù trên các quảng cáo tại Hải Phòng có ghi là “Trường xiếc Trung ương” nhưng trên thực tế, các tiết mục xiếc diễn ra tối 17/8 tại Hải Phòng là do Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam thực hiện. Chương trình diễn ra khoảng 30 phút thì đoàn biểu diễn phải ngừng lại vì gặp phải sự phản ứng từ dưới khán đài. Khán giả cho rằng, chất lượng biểu diễn cũng như phục vụ không tương xứng với số tiền họ bỏ ra. Sau đó, buổi biểu diễn rơi vào tình trạng mất kiểm soát vì diễn viên bị đuổi đánh.

Liên đoàn xiếc liên tục bị mạo danh

“Trước khi cấp phép cho một chương trình biểu diễn nào đó thì cơ quan quản lý tại địa phương cần có sự kiểm tra kỹ lưỡng nội dung biểu diễn cũng như các vấn đề liên quan. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần có sự giám sát chương trình để không xảy ra việc “quảng cáo một đằng diễn một nẻo”.

Ông Vũ Ngoạn Hợp Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam

Trả lời phỏng vấn PV Báo GĐ&XH, ông Vũ Ngoạn Hợp cho hay: “Trước hết tôi rất chia sẻ với đoàn vì sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Tôi nghĩ rằng họ đã hợp tác với một đối tác thiếu kinh nghiệm, thiếu chuyên nghiệp. Hiện nay, có nhiều công ty tư nhân hợp tác với các chương trình biểu diễn khá lộn xộn. Là bầu sô thì họ chỉ quan tâm đến việc hưởng lợi nên cứ thấy bán được vé là họ bán bừa”.

Ông Hợp cho biết, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đi biểu diễn ở các nơi thường tự tổ chức, không liên kết với các đơn vị tư nhân. Ông Hợp từng được một số đơn vị tư nhân đề nghị hợp tác nhưng Liên đoàn kiên quyết từ chối để đảm bảo được chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới những khó khăn trong việc xin phép biểu diễn ở các địa phương. “Có lần, đến một địa phương nọ để xin biểu diễn nhưng vì có một đơn vị tư nhân khác cũng muốn diễn xiếc cùng thời điểm nên họ đã thắng và Liên đoàn Xiếc phải ngậm ngùi ra về vì thiếu “kinh phí bôi trơn”, ông Hợp kể.

Điều quan trọng là nhiều đơn vị tư nhân mời các đơn vị nhỏ lẻ hợp tác nhưng thường mạo danh Liên đoàn Xiếc Việt Nam bằng việc in hình ảnh của các diễn viên gạo cội và các tiết mục độc đáo nhất của Liên đoàn mang đi quảng bá. “Có một số chương trình lấy hình ảnh diễn viên Tống Toàn Thắng của chúng tôi biểu diễn với trăn. Họ quảng cáo là “trăn khổng lồ” bằng hình ảnh những con trăn nặng đến cả tạ của chúng tôi nhưng khi biểu diễn có khi con trăn chỉ còn hơn chục cân. Khán giả đâu biết là ai tổ chức, họ cứ thấy hình ảnh của Liên đoàn thì đi xem rồi thất vọng”, ông Hợp cho biết.

Theo ông Hợp, trong sự việc ở Hải Phòng, các diễn viên của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam có thể có liên quan đến việc “bảo kê”. Theo kinh nghiệm của Liên đoàn Xiếc, nhiều lần đi biểu diễn, Liên đoàn được một số “nhân vật” đề nghị “hợp tác” trong vấn đề an ninh. Với sự việc ở Hải Phòng, ông Hợp cho rằng không ngoại trừ việc có một số đối tượng cố tình gây lộn để buổi biểu diễn phải ngừng lại, dẫn đến việc khán giả nổi xung lên, hùa theo gây lộn.

Hoàng Phương
theo GĐ&XH

Từ khóa: