Sự kiện hot
3 năm trước

“Vua mì” Acecook - chủ thương hiệu Hảo Hảo đang làm ăn ra sao?

Đại gia “đầu ngành” nắm giữ hơn một nửa thị trường mì ăn liền vừa bị Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland quyết định thu hồi một số lô mì Hảo Hảo và miến Good do Công ty Acecook Việt Nam sản xuất vì sử dụng chất không được phép.

Ngày 20/8, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất Ethylene Oxide do Công ty Acecook Việt Nam. Đây là chất có hại cho sức khỏe con người và không được phép sử dụng trong thực phẩm phân phối tại Liên minh châu Âu.

Hiện có 3 dòng sản phẩm trong danh sách thu hồi của FSAI, bao gồm mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77 g, hạn sử dụng đến 24/9/2022), miến Good vị sườn heo (loại 56 g, hạn sử dụng đến 10/11/2022), mì Yato vị hải sản (loại 120 g, hạn sử dụng đến 30/11/2022).

Trong đó, 2 sản phẩm là mì Hảo Hảo và miến Good do công ty Acecook Việt Nam sản xuất, sản phẩm còn lại có xuất xứ từ Trung Quốc.

Theo FSAI, việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm Ethylene Oxide tuy không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe nhưng có thể gây ung thư nếu thường xuyên sử dụng trong thời gian dài. Do đó, người tiêu dùng cần hạn chế việc tiếp xúc với chất này.

FSAI sẽ gửi thông báo thu hồi lô sản phẩm trên tại các điểm bán chịu trách nhiệm phân phối.

Thông tin mì ăn liền do Acecook Việt Nam sản xuất bị thu hồi tại châu Âu do có sử dụng Ethylene Oxide đang gây hoang mang cho người dùng

Được coi là “đại gia” đầu ngành, Acecook nắm giữ hơn một nửa thị phần thị trường mì ăn liền Việt Nam.

Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 1993, bình quân doanh nghiệp Nhật Bản này cung ứng ra thị trường gần 3 tỷ gói mì mỗi năm.

Acecook Việt Nam chính thức bắt đầu gây tiếng vang và thành công với sản phẩm mì Hảo Hảo từ năm 2000. Đến nay, Hảo Hảo của Vina Acecook vẫn được xem là "Vua" mì gói ở phân khúc trung cấp, ngôi vị mà nhiều doanh nghiệp mì khác thèm muốn mà bấy lâu nay chưa giành được. Riêng nhãn hiệu Hảo Hảo có vị trí đầu bảng, đóng góp 60% doanh số của Vina Acecook mỗi năm và được 100% người tiêu dùng Việt Nam nhận biết.

Đây không phải lần đầu tiên các sản phẩm ăn liền do công ty Acecook Việt Nam sản xuất bị thu hồi. Tháng 12/2020, hãng tin Hàn Quốc Yonhap News cho biết Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (KFDA) cùng cơ quan chức năng đã thu hồi và xử lý sản phẩm phở bò ăn liền Peacook của Acecook do chứa hàm lượng Benzopyrene vượt quá giá trị tiêu chuẩn trong dầu hương liệu có trong sản phẩm. Acecook Việt Nam đã phản hồi đó là những sản phẩm phở ăn liền Peacock được gia công theo đơn đặt hàng của Emart Hàn Quốc. Đây là sản phẩm xuất khẩu không lưu hành tại thị trường Việt Nam.

Theo số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA), sự tác động của đại dịch Cocid 19 đã khiến nhu cầu tiêu thụ mì gói của người dân toàn cầu tăng mạnh. So với năm 2019, nhu cầu của người dùng trong năm 2020 đã tăng 14.70%. Thống kê của WINA cho thấy sức tiêu thụ mặt hàng này tập trung chủ yếu ở thị trường Chấu Á, đặc biệt là khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, NHật Bản. Hiện khu vực này chiếu 56.45% tổng tiêu thụ mì ăn liền toàn cầu năm 2020. Ngoài ra, với 5 thị trường tiêu thụ chính gồm Indonesia, Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Malaysia, khu vực Đông Nam Á đang chiếm 25,24% nhu cầu về mì ăn liền. Riêng thị trường Việt Nam trong năm vừa qua đã tiêu thụ khoảng 7,03 tỉ gói mì ăn liền, đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc/Hồng Kông và Indonesia.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường Facts and Factors, doanh thu của mặt hàng này dự kiến sẽ tăng từ 45,67 tỷ USD trong năm 2020 lên 73,55 tỷ USD vào năm 2026, tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm sẽ đạt 6%/năm trong giai đoạn 2021-2026.

Điều này cho thấy tiềm năng phát triển kinh doanh mì ăn liền trên cả thị trường nội địa và thị trường thế giới khá cao.

Cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp loại Benzopyrene vào nhóm 1 về chất gây ung thư.

Còn theo khảo sát mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền nội địa đã tăng 67%. Việt Nam hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền, bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, riêng Acecook Việt Nam sản xuất khoảng 2,5 tỉ gói mì/năm, trong đó 10% sản phẩm dành cho thị trường xuẩt khẩu.

Với đặc trưng dễ chế biến, ăn liền, giá rẻ, mì ăn liền Acecook là thực phẩm quen thuộc trong nhiều bữa ăn của gia đình Việt. Với 20 thương hiệu gắn nhãn nhà sản xuất Nhật Bản, các mặt hàng có ưu điểm đa dạng hương vị nhưng vẫn giữ được tính đồng nhất, ổn định chất lượng dù sản xuất với số lượng lớn .

My Oanh

Theo KTĐU

Từ khóa: