Sự kiện hot
13 năm trước

Vượt "sốc" rớt đại học để bước tiếp

Hằng năm, sau mỗi kỳ tuyển sinh, có hơn một triệu thí sinh tạm biệt giấc mơ vào đại học (ĐH). Đồng thời, đây cũng là thời điểm “nóng” nhất về số lượng bệnh nhân nhập viện, điều trị tâm lý, tâm thần vì căng thẳng liên quan đến học hành, thi cử.

Hằng năm, sau mỗi kỳ tuyển sinh, có hơn một triệu thí sinh tạm biệt giấc mơ vào đại học (ĐH). Đồng thời, đây cũng là thời điểm “nóng” nhất về số lượng bệnh nhân nhập viện, điều trị tâm lý, tâm thần vì căng thẳng liên quan đến học hành, thi cử.

Loạn thần vì thi cử

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tâm lý và Truyền thông cộng đồng (TP.HCM) cho biết, sau mỗi mùa thi, trung tâm tiếp nhận khá nhiều trường hợp khách hàng là các em học sinh đến nhờ tư vấn hoặc phụ huynh đến xin ý kiến về trường hợp của con em mình.

Bởi mặc dù kỳ thi đã qua, nhưng có trường hợp nhiều gia đình thấy con em mình vẫn cứ ngồi đâu nhẩm đó, ăn ngủ không được và có biểu hiện hơi... “tưng tửng”. Miệng thì luôn lảm nhảm nhưng các em cũng chẳng nhớ cái cần nhớ, kèm theo đó là các triệu chứng nhức đầu, căng thẳng, mất ngủ, hay buồn phiền, lo nghĩ vẩn vơ.

Chen chân vào cánh cửa ĐH luôn là sức ép lớn với thí sinh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Qua hỏi đáp để điều trị, các chuyên gia tâm lý phát hiện ra nhiều trường hợp cứ bị ám ảnh về kết quả thi, nghĩ rằng mình thi rớt sẽ khiến mọi người thất vọng, bản thân không bằng bạn bè, hết cơ hội tương lai, dẫn đến một hệ lụy tâm lý giống nhau: trầm cảm.

Theo thạc sĩ Mỹ Linh, đây chỉ là những ca nhẹ, có thể can thiệp, tháo gỡ tâm lý giúp thuyên giảm nhanh. Còn những trường hợp có biểu hiện tâm lý căng thẳng cao độ thường phải được giới thiệu đến các khoa sau tâm lý của bệnh viện để điều trị. Thậm chí, có thí sinh buộc phải được đưa vào bệnh viện tâm thần để điều trị lâu dài.

Một lãnh đạo Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM cho biết, số lượng bệnh nhân nhập viện sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH đang ngày càng tăng. Học sinh học càng giỏi thì khi thi rớt càng dễ bị sốc và nguy cơ mắc bệnh về tâm lý càng cao.

Ông cho biết thêm, trung tâm cũng vừa tiếp nhận trường hợp một thí sinh học lực khá giỏi. Được kỳ vọng rất lớn nhưng thi ĐH môn đầu tiên không làm bài được, thí sinh này về khóc lóc, bỏ ăn nhưng vẫn tiếp tục thi hai môn còn lại theo sự khuyên nhủ của gia đình. Không ngờ đến môn cuối cùng, thí sinh không kiềm chế được, phát lên khóc lóc và tự đấm vào đầu mình thùm thụp. Được đưa đến trung tâm, thí sinh này vẫn đang trong tình trạng đờ đẫn và vô hồn.

"Cổng trường đại học cao vời vợi" - nên cố tới đâu?

Trong kỳ thi ĐH năm nay, trên một diễn đàn dành cho phụ nữ, một thành viên kể lại chặng đường đầy gập ghềnh, khúc khuỷu để đến với cổng trường ĐH của mình.

Thí sinh ngủ gục trong phòng thi vì đuối sức - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

T.D. cho biết mình là học sinh một trường chuyên nhưng do đặt mục tiêu quá cao nên thi rớt ĐH lần đầu tiên. Năm đó, dù đậu cao đẳng nhưng D. quyết tâm ôn luyện để thi ĐH tiếp năm sau. Lần đi thi thứ hai này, D. thi rớt nguyện vọng 1 và chỉ đậu nguyện vọng 2 vào một ngành học xa lạ của một trường ĐH ít tiếng tăm.

Tiếp tục “khăn gói” đi thi ĐH lần thứ ba, rồi lần thứ tư và lại… rớt, D. nộp đơn vào học một trường cao đẳng. Năm nay, D. tiếp tục lần thứ 5 “gõ cửa” trường thi ĐH.

“Đường đi quá mờ mịt, em biết tìm lối ra ở đâu, em biết phải làm gì đây giữa ngã ba cuộc đời này? Có ai chỉ đường cho em phải đi đường nào với?” - Lời D. tâm sự trên diễn đàn khi tâm trạng đang rối bời hồi hộp chờ kết quả thi ĐH nghe thật xót xa.

Thí sinh không nên quá căng thẳng khi kết quả thi ĐH không đạt yêu cầu
- Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Từng gần gũi rất nhiều học sinh qua các khóa học làm chủ bản thân, diễn giả Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Công ty TGM - Tôi Tài Giỏi cho rằng: "Chúng ta đang quá kỳ vọng việc vào ĐH sẽ mang đến thành công. Trong khi thành công không được quyết định bằng việc vào được ĐH mà phụ thuộc vào việc một sinh viên bước ra trường như thế nào".

Thực tế, ĐH chỉ là môi trường để học sinh thu nhận kiến thức và rèn luyện mình. Không ít trường hợp sinh viên vào ĐH rồi theo không nổi lại đâm ra chán nản, bỏ học, lãng phí tiền của gia đình lẫn thời gian của bản thân.

“Thành công muôn đời vẫn vậy, không phải bắt đầu từ việc một người có vào ĐH hay không mà bắt nguồn từ việc một người có chịu học hay không và học những gì”, ông Khoa nói.

Theo ông Khoa, một chút sức ép luôn là một nguồn động lực tốt để thí sinh cố gắng. Nhưng quá nhiều sức ép thì lại gây ra những căng thẳng không cần thiết. Do đó, thí sinh không nên vì kết quả thi ĐH không đạt yêu cầu mà đâm ra quá căng thẳng, bởi ngoài con đường ĐH thì cơ hội lập nghiệp vẫn còn rất nhiều.

Nguyên Mi
Theo Thanhnien

Từ khóa: