Sự kiện hot
5 tháng trước

WinCommerce đã có lợi nhuận sau thuế dương trong tháng 6/2024

Sau khi CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group –MSN) mua lại chuỗi bán lẻ VinCommerce (nay đổi tên thành WinCommerce) từ Tập đoàn Vingroup, điều luôn được các nhà đầu tư quan tâm đó là "khi nào WinCommerce có lãi".

WinCommerce có lãi, trung bình mỗi ngày mở một cửa hàng mới - Tuổi Trẻ  Online
WinCommerce đã có lợi nhuận sau thuế dương trong tháng 6/2024.

Theo về kết quả kinh doanh quý 2/2024 vừa công bố, Masan cho biết WinCommerce đã có lợi nhuận sau thuế dương trong tháng 6, là dấu hiệu rõ ràng của một lộ trình gặt hái lợi nhuận bền vững trong thời gian tới. WinCommerce cũng ghi nhận doanh thu tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ, đạt 7.844 tỷ đồng trên toàn mạng lưới trong quý 2/2024.

Cụ thể, trong quý II/2024, doanh thu của WCM đạt 7.844 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) của WCM đạt 172 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ.

Nếu loại trừ lợi nhuận một lần từ việc thí điểm phân phối sản phẩm tài chính trong năm 2023, EBITDA tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Đà tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp này là nhờ những chiến lược tối ưu lợi nhuận, đặt khách hàng làm trọng tâm.

Tính đến tháng 6/2024, WinCommerce vận hành hơn 3.600 điểm bán, mở ròng 40 cửa hàng mới kể từ tháng 12/2023 với đa dạng các mô hình bán lẻ (siêu thị WinMart, cửa hàng WinMart+/WiN) phục vụ cho mọi phân khúc người tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn. Tại Việt Nam, WinCommerce là nhà bán lẻ hiện đại duy nhất có lợi thế đứng đầu về quy mô điểm bán kết hợp cùng thế mạnh sản xuất hàng tiêu dùng của Masan Consumer – công ty con của Masan và sở hữu công ty logistics nội bộ là Supra. Điều này tạo ra nhiều cơ hội để WinCommerce chiếm ưu thế trong “cuộc đua” thị phần mảng bán lẻ tại Việt Nam.

Xuất phát điểm là một công ty sản xuất hàng tiêu dùng, Masan có thế mạnh nghiên cứu & phát triển sản phẩm mới, xây dựng các thương hiệu mạnh và khả năng thấu hiểu người tiêu dùng. Tính đến cuối năm 2023, Masan Consumer sở hữu 5 thương hiệu với doanh thu trên 2.000 tỷ đồng gồm CHIN-SU, Omachi, Kokomi, Nam Ngư, Wakeup 247. Đây đều là các thương hiệu mạnh trong các danh mục ngành hàng lớn. Để xây dựng các thương hiệu “love brand” (thương hiệu được người tiêu dùng yêu thích), việc hiểu sâu sắc nhu cầu thị trường luôn được Masan đặt lên hàng đầu.

Theo báo cáo của J.P Morgan, Việt Nam là một trong những câu chuyện tăng trưởng bán lẻ hấp dẫn nhất ở khu vực châu Á. Tuy nhiên, độ thâm nhập của lĩnh vực bán lẻ hàng tạp hóa của Việt Nam vẫn chưa sâu, chỉ chiếm 12% vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 20-45% của các nước ASEAN.

Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, với việc mở rộng tầng lớp trung lưu và tăng tốc độ đô thị hóa đóng. Điều này đóng vai trò là những yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển của thương mại hiện đại trong nhiều năm tới.

Sở hữu hệ thống điểm bán trải dài khắp 62 tỉnh thành, WinCommerce đã và đang triển khai những chiến lược để “cưỡi” lên làn sóng tăng trưởng của thị trường bán lẻ hiện đại tại mảnh đất hình chữ S. Trong đó, không thể không nhắc đến hệ sinh thái “Point Of Life” (POL).

Theo đó, POL là hệ sinh thái tiêu dùng công nghệ, hệ sinh thái số offline-to-online gồm 3 yếu tố chính: Sản phẩm và dịch vụ do Masan (Công ty mẹ của WinCommerce) cung cấp; hạ tầng thương mại (WinCommerce) liên kết tất cả các đối tác trong hệ sinh thái và thứ ba là một nền tảng công nghệ, có khả năng phân tích dữ liệu thông qua Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) và Máy học (Machine Learning), cũng như sự kết hợp của con người và tổ chức Masan.

Báo cáo thường niên của Masan cũng nêu rõ chìa khóa thành công của WinCommerce nằm ở việc áp dụng những chiến lược kinh doanh hiệu quả, phát triển các mô hình cửa hàng sáng tạo, lựa chọn danh mục sản phẩm phù hợp với từng địa phương nhưng vẫn đơn giản và mang lại trải nghiệm mua sắm riêng biệt để phục vụ người tiêu dùng ở mọi mức thu nhập - áp dụng theo mô hình FMCG mà Masan có bề dày kinh nghiệm.

Tiến Hoàng/KTĐU

Từ khóa: