Phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là nhằm hỗ trợ cho các đối tượng có khó khăn mua, thuê, thuê mua nhà ở và là trách nhiệm chính của Nhà nước. Nội dung này đã nhận được nhiều ý kiến quan tâm tại phiên họp thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo các đại biểu, chính sách NƠXH không nên ưu đãi quá nhiều cho nhà đầu tư mà cần xác định đúng đối tượng ưu tiên là người nghèo không có nhà ở.
Khuyến khích chủ đầu tư xây NƠXH
Thường trực Ủy ban Pháp luật (UBPL) của Quốc hội là cơ quan thẩm tra dự thảo luật có quan điểm: Mục tiêu phát triển NƠXH là nhằm hỗ trợ cho các đối tượng có khó khăn mua, thuê, thuê mua nhà ở. Nhiều nước trên thế giới đã xác định đây là trách nhiệm chính của Nhà nước. Việc phát triển loại hình NƠXH không thu được nhiều lợi nhuận do mức giá được xác định chặt chẽ, mức lợi nhuận được khống chế, thu hồi vốn chậm, do đó cần phải có nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế. Chính vì vậy, dự thảo Luật đã quy định việc phát triển NƠXH phải có sự tham gia của toàn xã hội, của cộng đồng nhưng Nhà nước sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra các cơ chế, chính sách, điều kiện hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển NƠXH nhằm đáp ứng mục tiêu bảo đảm quyền có chỗ ở của người dân đã được Hiến pháp quy định.
Để bảo đảm thực hiện mục đích này, Thường trực UBPL đề nghị ngoài các quy định cụ thể về ưu đãi chủ đầu tư xây dựng NƠXH thì cần bổ sung các quy định về cơ chế ưu đãi, khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng NƠXH để cho thuê, cụ thể là được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp hơn, giảm thuế cao hơn so với xây dựng NƠXH để bán, cho thuê mua; quy định rõ hơn về trách nhiệm của DN sản xuất tại các KCN trong việc xây dựng NƠXH cho người lao động, trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc xây dựng NƠXH cho sinh viên thuê.
Mặt khác, để bảo đảm quyền có chỗ ở của người nghèo, đại diện UBPL đề nghị nâng thời hạn tối thiểu để chủ đầu tư được bán NƠXH đang cho thuê từ 5 năm lên 10 năm, trừ trường hợp người thuê có khả năng tài chính và có nhu cầu mua hoặc thuê mua. Đồng thời, đại diện UBPL đề nghị quy định lại về điều kiện thu nhập để có thể được hưởng chính sách NƠXH theo đúng tiêu chí quy định. Theo đó NƠXH nhằm đáp ứng yêu cầu về nhà ở đối với hộ gia đình, cá nhân thực sự có khó khăn về nhà ở nhưng không đủ khả năng về tài chính để cải thiện nhà ở theo cơ chế thị trường.
Đảm bảo người nghèo có nhà
Thảo luận về nội dung này, một số ý kiến quan tâm cho rằng, NƠXH phải đảm bảo cho các đối tượng khó khăn có khả năng mua, thuê... Tuy nhiên, thời gian vừa qua vẫn còn tình trạng NƠXH bán theo giá nhà ở thị trường nên “người có thu nhập trung bình mua còn khó, nói gì đến người thu nhập thấp”. Chính sách NƠXH không nên ưu đãi quá nhiều cho nhà đầu tư mà cần xác định đúng đối tượng ưu tiên là người nghèo không có nhà ở.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tán thành với quan điểm cần có Quỹ phát triển NƠXH để hỗ trợ vốn cho các đối tượng khó khăn về nhà ở. Việc thành lập Quỹ phát triển NƠXH là để tạo thêm một kênh huy động vốn với lãi suất ưu đãi, ổn định và thời gian cho vay dài hạn của các địa phương có nhu cầu cao về nhà ở nhằm hỗ trợ các đối tượng khó khăn về nhà ở được vay vốn từ Quỹ để mua, thuê, thuê mua NƠXH hoặc hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn tham gia phát triển NƠXH, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp, người nghèo chưa đủ khả năng tài chính có thể tạo lập chỗ ở bằng việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước...
Theo UBPL, việc quy định thành lập Quỹ phát triển NƠXH trong dự thảo Luật là kế thừa các quy định của Luật Nhà ở hiện hành, trong đó làm rõ các địa phương cần phải thành lập Quỹ và mô hình tổ chức của Quỹ để bảo đảm hoạt động thống nhất, đúng mục đích, có hiệu quả hơn.
Hơn nữa, theo quy định của pháp luật hiện hành, Ngân hàng chính sách xã hội chỉ tham gia cho vay vốn đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình tín dụng của cả nước theo quy định của Chính phủ mà không thực hiện cho vay riêng đối với từng địa phương. Vì vậy, nếu chuyển việc huy động vốn của Quỹ qua Ngân hàng này để hỗ trợ cho các địa phương trong việc phát triển NƠXH là không hợp lý, bởi vì nguồn vốn cấp cho Quỹ phát triển NƠXH là vốn của địa phương, còn nguồn vốn cấp qua Ngân hàng Chính sách xã hội là vốn của trung ương.
Một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu để quy định rõ hơn trong dự thảo Luật về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của Quỹ phát triển NƠXH để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện thống nhất...
Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các đại biểu tại phiên họp, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Thường trực UBPL và các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát các nội dung liên quan trong dự thảo Luật; sắp xếp lại các điều, khoản hợp lý hơn, bảo đảm chất lượng của dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Linh Anh
theo Xây dựng