Năm nay, Hải An sẽ tiếp tục dự án đóng mới 3 tàu loại 1.800 TEU vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng và tiếp tục thực hiện dự án đầu tư cảng, Depot tại khu vực Cái Mép với giá trị ước tính 300 tỷ đồng.
Mới đây, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) đã công bố tài liệu cho cuộc họp ĐHĐCĐ dự kiến tổ chức vào sáng ngày 20/6 tại TP Hải Phòng.
Theo đó, công ty sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu 2.959 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ và lãi ròng 492 tỷ đồng, giảm 41%.
Lãnh đạo công ty xác định năm nay sẽ cùng với liên doanh Zim-Haian phát triển các tuyến nội Á. Bên cạnh đó là nghiên cứu, tham gia đấu thầu các dự án cảng, Depot ở khu vực Vũng Tàu, TP HCM và Đồng bằng Sông Cửu Long để tạo cơ sở hậu cần tại khu vực phía Nam.
Về kế hoạch đầu tư, công ty cũng sẽ tiếp tục dự án đóng mới 3 tàu loại 1.800 TEU (Bangkok Mark IV) với vốn đầu tư dự kiến là 2.000 tỷ đồng theo nghị quyết của ĐHĐCĐ năm 2022. Đồng thời, tiếp tục thực hiện dự án đầu tư cảng, Depot tại khu vực Cái Mép với giá trị ước tính 300 tỷ đồng.
Công ty cũng sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 50% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 10 cổ phiếu sẽ được nhận 5 cổ phiếu trả cổ tức.
Với hơn 70 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Hải An dự kiến sẽ phát hành hơn 35 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và vốn điều lệ sẽ được nâng lên mức 1.054 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Hải An muốn phát hành tối đa 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ để huy động vốn cho đầu tư đóng tàu mới. Thời gian phát hành sẽ trong năm nay hoặc năm sau, phụ thuộc vào điều kiện thị trường sau khi dược các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Kỳ hạn trái phiếu dự kiến là 4 đến 5 năm với lãi suất cố định 6%/năm. Tài sản đảm bảo cho trái phiếu là tài sản hình thành trong tương lại được hình thành thông qua việc huy động trái phiếu chuyển đổi.
Ngoài ra, công ty cũng sẽ thực hiện bầu HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028.
Lợi nhuận gộp dự kiến giảm mạnh do trích khấu hao với hai tàu mua ở năm 2022
Trong khi đó, theo báo cáo cập nhập mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm 2023, doanh thu thuần của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) có thể giảm 14% so với cùng kỳ, xuống còn 2.770 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu từ bốc xếp container sẽ ở mức 206 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm ngoái bởi dự phóng sản lượng Cảng Hải An giảm nhẹ, đạt 402 nghìn TEU (giảm 4% so với cùng kỳ) nhưng nhờ đội tau Haian và SM Lines nên vẫn đảm bảo lượng hàng cho cảng.
VDSC ước tính doanh thu từ cho thuê tàu đạt 751 tỷ đồng, tăng 6% nhờ cho thuê thêm được hai tàu Haian Bell và Haian Rose, ngoài ra các tàu Haian West, Haian Minh, Haian East và Anbien Bay ký được hợp đồng dài hạn với mức giá cước cao cũng đảm bảo doanh thu cho thuê.
Song, giá cước vận tải trung bình cho các tuyến nội địa và quốc tế sẽ tiếp tục giảm lần lượt là 20% và 25% so với cùng kỳ. Do đó, doanh thu hoạt động vận tải ước tính đạt 1.242 tỷ đồng, giảm 26%.
Còn hoạt động phụ tải ước tính đạt 344 tỷ đồng doanh thu, giảm 4%, trưởng tương đương mức sụt giảm về sản lượng. Doanh thu từ dịch vụ khác ước tính cũng giảm 10%, còn 227 tỷ đồng.
Trong khi đó, lợi nhuận gộp dự kiến sẽ có mức giảm lớn hơn doanh thu do năm nay, chi phí khấu hao sẽ được trích đầy đủ hơn đối với hai tàu Haian City (mua vào quý II/2022) và Haian Rose (mua quý IV/2022). Đồng thời, khoản chi phí thuê hoạt động đối với tàu TC Symphony cũng làm giảm lợi nhuận gộp của công ty.
Chi phí tàu chính cũng dự kiến tăng 17% lên mức 90 tỷ đồng do khoản vay 280 tỷ đồng mua tàu Haian Rose sẽ đến kỳ trả gốc, lãi đầu tiên trong quý II sau khi hết thời gian ân hạn.
VDSC dự phóng lợi nhuận ròng năm nay của Hải An ở mức 526 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ.
Công ty chứng khoán này cũng nhận định hoạt động hàng hải vẫn chưa cho thấy những tín hiệu có thể sớm hồi phục bởi dòng chảy thương mại của Việt Nam chưa thật sự khởi sắc. Đồng thời, giá cước vận tải biển đã quay trở về mức bình thường và sẽ duy trì ổn định nhưng vẫn cao hơn giai đoạn trước dịch COVID-19.
Đăng Nguyên
Theo Doanh nghiệp & Kinh doanh