Trong thời gian gần đây, nhờ nhiều chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển, thị trường bất động sản trong nước đang có những bước khởi sắc và được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong những tháng cuối năm.
Thị trường nhà ở đã và đang phát triển mạnh mẽ. Cụ thế, tính đến hết năm 2013, quỹ nhà ở của cả nước đạt 1.768 triệu mét vuông; bình quân tăng khoảng 80 triệu mét vuông/năm và năm 2014 dự kiến đạt mức 1.859 triệu mét vuông. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng đã thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hiện cả nước có 427 dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản, với tổng vốn đăng ký khoảng 51 tỷ USD, chiếm 21% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2011 - 2013, nhiều dự án tại khu vực phía Tây Hà Nội giảm giá bán đến 60%. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2014, giá bán của những dự án này đang được giữ ở mức ổn định, không tiếp tục giảm; đặc biệt, một số dự án có giá bán tăng nhẹ, khoảng 1-2%. Lượng giao dịch bất động sản thành công tăng liên tiếp trong 7 tháng năm 2014. Trong đó, có khoảng 5.100 giao dịch thành công tại Hà Nội, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013; con số này của TP Hồ Chí Minh là 4.500 giao dịch, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2013.
Tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, giá BĐS đã ở mức thấp và hợp lý hơn, nhất là tại phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình. Bởi vậy, lượng giao dịch thành công gia tăng. Tương tự, tại Hà Nội lượng giao dịch thành công cũng vượt con số 5.100, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2013, nhất là ở các căn hộ chung cư có diện tích nhỏ, giá trung bình, vị trí dự án thuận lợi giao thông và có hạ tầng đồng bộ. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, lượng giao dịch thành công cũng vượt con số 4.500, tăng trên 30% và tập trung chủ yếu ở phân khúc căn hộ chung cư có diện tích nhỏ (dưới 70m2) giá bán trung bình (từ 14-20 triệu đồng /m2). Cùng đó, đất nền có giá bán hợp lý hơn, chỉ dưới 2 tỷ đồng.
Theo con số thống kê của Bộ Xây dựng gần đây, tính đến cuối tháng 8, tổng giá trị tồn kho BĐS trong cả nước tiếp tục giảm, chỉ còn khoảng 82.295 tỷ đồng. Như vậy, so với tháng 12/2013 giảm 12.163 tỷ đồng, xấp xỉ 13%. Trong đó lượng tồn kho là căn hộ chung cư khoảng 17.228 căn, tương đương 26.076 tỷ đồng; nhà thấp tầng khoảng 13.657 căn, tương đương 23.151 tỷ đồng; đất nền nhà ở gần 8,8 triệu m2, xấp xỉ 28.523 tỷ đồng; đất nền thương mại hơn 1,6 triệu m2, tương đương 4.545 tỷ đồng.
Mặt khác, dư nợ tín dụng BĐS cũng tăng cao hơn mức tăng trưởng trung bình của tín dụng chung. Chỉ tính đến hết quý 2, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS đã đạt 282.212 tỷ đồng, tăng 7,7% so với thời điểm 31/12/2013. Cùng đó, kết quả giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã tăng nhanh so với thời kỳ đầu mới thực hiện. Tổng số tiền đã cam kết giải ngân tính đến cuối tháng 8 là hơn 7.064 tỷ đồng với dư nợ 3.074 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, vốn đổ vào bất động sản tăng là do mức lãi suất mà các ngân hàng hiện đang triển khai hợp lý hơn sẽ thúc đẩy thị trường BĐS sôi động vào những tháng cuối năm 2014.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, dư nợ bất động sản (BĐS) của các ngân hàng trên địa bàn tăng lên hơn 123.000 tỉ đồng, so với mức 105.000 tỉ đồng đầu năm.
Các ngân hàng hiện áp dụng mức lãi suất cho vay BĐS thấp hơn trước đây nên đã kích thích người dân vay mua nhà. Ngoài ra, các ngân hàng cũng tích cực liên kết với các chủ đầu tư thực hiện các chương trình hỗ trợ cho vay. Cụ thể, nhiều ngân hàng cũng tung ra hàng loạt chính sách cho vay ưu đãi mua BĐS với mức lãi suất hợp lý, thậm chí là 0% trong năm đầu tiên. Bởi vậy, không chỉ khách hàng dư dả tiền bạc chọn cách thay đổi hình thức đầu tư tìm mua nhà vào thời điểm này mà cả những người có nhu cầu ở thực cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội.
“Với mức lãi suất mà các ngân hàng hiện đang triển khai sẽ thúc đẩy thị trường BĐS sôi động vào những tháng cuối năm 2014”, ông Minh nhận định.
Theo thống kê, doanh thu các doanh nghiệp BĐS niêm yết tăng mạnh những tháng gần đây chủ yếu nhờ bán được khá nhiều căn hộ. Xét tổng thể giao dịch trên thị trường, các dự án có hạ tầng tốt và đồng bộ vẫn có sức hấp dẫn và tính thanh khoản tốt nhất.
Có thể nói, với nhiều chính sách hỗ trợ gần đây, định hướng phát triển thị trường bất động sản đã được quan tâm: từng bước hoàn thiện thể chế, bảo đảm thị trường cung - cầu phát triển cân đối; rà soát, điều chỉnh các dự án; giải quyết nợ xấu và hỗ trợ tín dụng... Vì vậy, thị trường bất động sản đã khởi sắc trở lại và được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường bất động sản trong nước hiện vẫn bộc lộ nhiều yếu kém, phát triển thiếu lành mạnh, không ổn định. Bởi nhiều địa phương cấp phép đầu tư tràn lan khiến nguồn cung bất động sản vượt qua nhu cầu sử dụng. Hơn nữa, các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào phân khúc nhà ở cao cấp, chỉ chiếm 20% nhu cầu của người dân, nên có sức tiêu thụ chậm. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có quy mô nhỏ, năng lực yếu vẫn cố tham gia; thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, phiền hà, làm cho dự án kéo dài, gây lãng phí.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động của thị trường; hoàn thiện cơ sở pháp lý cho thị trường phát triển đúng hướng. Theo đó, cần tăng cường tính minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng hơn nữa.
Phương Linh
theo Xây dựng