Các chuyên gia cho rằng, việc xuất hiện F0 trong khu công nghiệp là rất nguy hiểm. Hà Nội không được chủ quan, lơ là. Công tác chống dịch ở khu công nghiệp cần phải nâng lên một mức cảnh báo.
Sau nhiều ngày không có thêm bệnh nhân COVID-19, từ ngày 5/7 đến 19h30 ngày 7/7, TP Hà Nội ghi nhận 17 ca dương tính SARS-CoV-2, tập trung chủ yếu ở 2 ổ dịch ở Đông Anh và Mỹ Đức. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây là những trường hợp xác định được nguồn lây nên có thể sớm khống chế được dịch.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, chúng ta cũng không thể chủ quan, lơ là.
“Hà Nội là nơi giao lưu, đi lại nhiều. Đặc biệt trong những ngày qua, nhiều người đi từ TP.HCM ra Hà Nội trên các chuyến bay nên có thể sẽ vẫn có những ca lẩn khuất trong cộng đồng mà chúng ta chưa phát hiện ra” - ông Phu cho biết.
Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng, Hà Nội cần phải rất cảnh giác và có những phát hiện sớm, nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, tránh tình trạng có thể bùng phát dịch như TP.HCM thì rất nguy hiểm. Điều quan trọng là vẫn phải làm xét nghiệm sàng lọc, xét nghiệm nguy cơ như tại bệnh viện, khu công nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, hiện nay, Hà Nội cũng có một số khu công nghiệp, việc xuất hiện F0 trong khu vực này là rất nguy hiểm, bởi nơi đây có số lượng người rất đông nên có thể lây nhiễm sang cho những công nhân khác làm việc trong cùng phân xưởng, dây chuyền hoặc nhóm. Hơn nữa, đa số công nhân thường ở trọ tại các khu dân cư xung quanh nên nguy cơ lây nhiễm từ khu công nghiệp sang khu dân cư cũng rất lớn.
PGS Nhung cho rằng, công tác phòng chống dịch ở khu công nghiệp cũng cần phải nâng lên một mức cảnh báo, chống dịch ở trong khu công nghiệp phải cao hơn chống dịch ở cộng đồng. Việc thực hiện 5K ở khu công nghiệp cũng phải khác với 5K ở cộng đồng.
Theo PGS Nhung, các nhà quản lý khu công nghiệp cần sớm nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng dịch sớm, chủ động, để đảm bảo an toàn sản xuất. Nếu như các cơ sở y tế, khám chữa bệnh thực hiện sàng lọc 3 lớp thì trong các khu công nghiệp cũng phải thực hiện sàng lọc thường xuyên, xét nghiệm định kỳ để đảm bảo an toàn cho công nhân trong khu công nghiệp.
Biện pháp lâu dài cần áp dụng hiện nay
PGS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nêu rõ, trong tình hình dịch hiện nay, thực hiện 5K+vaccine là những giải pháp bắt buộc để phòng, chống dịch COVID-19. PGS Nhung cho rằng, cần đẩy mạnh việc có vaccine, tiêm vaccine càng nhanh, càng nhiều càng tốt để Việt Nam tạo miễn dịch cộng đồng nhanh nhất. “Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine thấp ở khu vực châu Á, tỷ lệ tiêm 2 mũi mới dưới 1%, trong khi nhiều nước tỷ lệ tiêm đã đạt hơn 40%.
Theo các chuyên gia, thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) vẫn là khuyến cáo quan trọng cần được tuân thủ, để hạn chế tốt nhất khả năng lây nhiễm.
Ngày 6/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương rà soát lại kế hoạch phòng, chống dịch để điều chỉnh đáp ứng với tình huống dịch bùng phát, lan rộng. Rà soát các cơ sở trên địa bàn để thiết lập các khu vực cách ly tập trung và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực sẵn sàng tiếp nhận cách ly tập trung F1; Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, chế xuất; thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện của các doanh nghiệp, kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động nếu không bảo đảm an toàn…/.
Minh Khánh
VOV