Đối mặt với nhiều biến cố của thị trường lương thực thế giới năm 2022 nhưng xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt gần 7,2 triệu tấn với giá trị 3,49 tỷ USD.
Theo đó, Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 458 USD/tấn, mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2022. Nhiều doanh nghiệp đã kín đơn hàng đầu năm cùng những tín hiệu tích cực của thị trường, điển hình việc “mở cửa” bình thường trở lại của Trung Quốc sau một thời gian dài thực thi “Zero COVID” sẽ giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang quốc gia đang nhập khẩu lớn thứ hai này.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá doanh nghiệp đã biết hướng đến các thị trường cao cấp hơn để tạo ra được lợi nhuận lớn hơn cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Việc xuất khẩu gạo chất lượng cao sang thị trường châu Âu hay Nhật Bản là minh chứng gạo Việt Nam đã hướng vào vấn đề chất lượng, hướng về yêu cầu của từng loại thị trường khác nhau.
Không chỉ đạt được sự hấp dẫn về giá mà nhiều doanh nghiệp đã có được những đơn hàng đến quý III/2023. Điển hình như, Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị được chọn xuất khẩu đơn hàng gạo đầu tiên sang thị trường EU. Sau đơn hàng đầu tiên, các đối tác EU tiếp tục đặt hàng cho những lô gạo tiếp theo. Ngay từ tháng 10/2022, Tập đoàn Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 400.000 tấn gạo cho thị trường EU vào năm 2023.
Còn Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An nhận được gần như kín đơn hàng đến tháng 4/2023. Theo ông Phạm Thái Bình, giá gạo 5% tấm đang ở mức rất cao và dự báo sẽ còn tăng tiếp. Giá gạo chất lượng cao xuất khẩu cũng ở mức 750-1.200 USD/tấn tuỳ loại - mức giá có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt.
Đây là tín hiệu tích cực cho thấy gạo thương hiệu riêng của Việt Nam đã được người tiêu dùng EU đón nhận. Đó cũng chính là những cơ hội mà các doanh nghiệp đã nắm bắt được sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực.
Theo dự báo của VFA, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi trong năm 2023 bởi giá gạo trong ngắn hạn vẫn duy trì ở mức cao do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên.
Nhiều nước nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, châu Phi… vẫn đang có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam. Riêng Philippines - thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu cho năm 2023 khi nước này quyết định duy trì thuế nhập khẩu ở mức 35%.
Tiến Hoàng/KTDU