Sự kiện hot
13 năm trước

Xuất khẩu gạo Việt Nam: Lợi ích từ xây dựng chuỗi giá trị khép kín

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trở thành trung tâm gạo của thế giới, song để nắm giữ vai trò này, ngành gạo vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trở thành trung tâm gạo của thế giới, song để nắm giữ vai trò này, ngành gạo vẫn còn rất nhiều việc phải làm.


Việt Nam đang từng bước giành vị thế trung tâm gạo thế giới

Không được chủ quan là nhận định của nhiều chuyên gia thương mại hiện nay khi đề cập cơ hội của ngành xuất khẩu gạo Việt Nam. Lý do thứ nhất được cảnh báo là cần lưu ý đến nước xuất khẩu các loại gạo tương đồng với mức giá thấp hơn và đó chính là Ấn Độ. Vừa qua, Chính phủ Ấn Độ cho phép xuất khẩu 2 triệu tấn gạo, một số doanh nghiệp gạo của Ấn Độ đã chào bán với giá 460 – 470 USD/tấn. Với mức giá như vậy, đương nhiên, các công ty gạo Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh lớn với các doanh nghiệp gạo Ấn Độ.

Thứ hai, dự báo cho thấy, giá gạo thế giới có thể sẽ tăng nhẹ. Sau đợt lũ lụt lịch sử, ước tính, Thái Lan bị thiệt hại tới 4 triệu tấn lúa, Philippines cũng thiệt hại khoảng 1 triệu tấn lúa và không thể hoàn thành kế hoạch tự cung, nên nước này sẽ sớm nhập khẩu mạnh trở lại.

Thứ ba, giá gạo trong nước tăng nhanh hơn giá gạo thế giới, kết quả kinh doanh quý IV của các công ty xuất khẩu gạo sẽ không mấy lạc quan.

Cơ hội và thách thức phát triển ngành xuất khẩu gạo Việt Nam

Như vậy, để trở thành trung tâm gạo của thế giới, các chuyên gia cho rằng, đầu tiên Việt Nam cần xây dựng chuỗi giá trị khép kín.

Hiện tại các doanh nghiệp gạo Việt Nam mới bắt đầu xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu. Thực tế, chuỗi giá trị của ngành gạo Việt Nam có thể xác định như sau: (1) nông dân trồng lúa trên cánh đồng của riêng mình, (2) thương lái mua lúa từ nông dân rồi mang về xay xát tại các nhà máy, và (3) công ty xuất khẩu gạo có thể mua gạo nguyên liệu về và đánh bóng hoặc mua gạo thành phẩm từ thương lái và sau đó xuất khẩu.

Trong ba nhóm lợi ích: nông dân, thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu thường có tiềm lực tài chính mạnh nhất. Tuy nhiên, nhóm này chỉ tham gia vào công đoạn cuối của chuỗi giá trị, nên tỷ suất lợi nhuận còn lại rất thấp. Gần đây, các công ty xuất khẩu gạo đã bắt đầu đầu tư vào phát triển vùng trồng lúa. Ngoài ra, việc xây dựng các kho chứa đạt chất lượng cao để tăng khả năng bảo quản và giảm tỷ lệ thất thoát sau khi thu hoạch là rất cần thiết, khi mà tỷ lệ thất thoát hiện nay có thể lên đến 12% trong khi ở Ấn Độ thì tỷ lệ này chỉ ở mức 6%.

Thứ hai, việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam cần phải được chú trọng. Một số sản phẩm lúa gạo có tiếng trong nước đã được các doanh nghiệp nhỏ lẻ sản xuất, nhưng chủ yếu phục vụ các thị trường lân cận; quy mô sản xuất nhỏ nên không thể phát triển mạnh và cạnh tranh không lại với các thương hiệu khác của Thái Lan. Vì vậy, để nâng cao tính cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, việc đầu tư từ giống lúa để đảm bảo cho chất lượng đồng nhất, đến dây chuyền sản xuất và đóng gói phải được các doanh nghiệp Việt Nam chú trọng.

Thứ ba, đẩy mạnh đầu tư vào khâu sản xuất lúa giống. Dự tính, diện tích đất trồng vụ đông - xuân niên vụ 2011/2012 là 1,7 triệu ha, nhu cầu cần 200.000 tấn lúa giống để cung cấp cho trồng trọt. Hiện nay, các cơ sở lai tạo lúa giống Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu, phần còn lại phải nhập khẩu.

Bên cạnh những thuận lợi, ngành gạo Việt Nam còn đối diện nhiều thách thức. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là thách thức đến từ các hợp đồng kỳ hạn rủi ro. Nếu doanh nghiệp chốt giá thấp vào thời điểm ký hợp đồng, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến như trong năm nay, các doanh nghiệp phải chịu giảm mức lợi nhuận hoặc thậm chí thua lỗ. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không nên vội vã ký hợp đồng bán rồi sau đó mới bắt đầu đi gom gạo nguyên liệu từ nông dân.

Nhìn chung, thị trường xuất khẩu gạo hiện vẫn khá hấp dẫn do tình hình mất cân đối cung cầu thế giới và những chính sách hỗ trợ từ nước xuất khẩu gạo lớn là Thái Lan. Tuy nhiên, môi trường cạnh tranh giữa các công ty xuất khẩu gạo Việt Nam ngày một khó khăn. Các doanh nghiệp trong nước cần phải tập trung vào phát triển vùng nguyên liệu để tăng hiệu quả trong hoạt động sản xuất và đạt tỷ suất lợi nhuận cao hơn, đồng thời xây dựng thương hiệu gạo để tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới. 

 Đoàn Trí Thiện
Theo Đầu Tư

Từ khóa: