Sự kiện hot
11 năm trước

Xuất khẩu lao động sang Angola: Những bản hợp đồng “vô tiền khoáng hậu”

Quá trình điều tra vụ việc cho thấy, điều khiến người dân xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) đánh cược tính mạng bản thân, tiền bạc của gia đình xuất phát từ niềm tin vào người môi giới.

Quá trình điều tra vụ việc cho thấy, điều khiến người dân xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) đánh cược tính mạng bản thân, tiền bạc của gia đình xuất phát từ niềm tin vào người môi giới.

Họ được đưa đi xuất khẩu lao động “chui”, không có cơ sở pháp lý để bấu víu. Trong khi đó, người môi giới hoàn toàn có thể thoái thác trách nhiệm khi chỉ ký với người lao động cái gọi là “Hợp đồng dịch vụ tư vấn”.


Những bà mẹ Hậu Lộc lo lắng khi có con đi xuất khẩu lao động tại Angola. Ảnh: H.C.

Hộ chiếu du lịch vẫn ký hợp đồng lao động ở nước ngoài

Sau thời gian lao động trong điều kiện khắc nghiệt, khổ cực, nhận thấy có thể mất mạng bất cứ lúc nào nếu tiếp tục ở xứ người, 8 lao động cùng với gia đình tại xã Ngư Lộc liên tục điện thoại ép môi giới Nguyễn Văn Hà phải đưa họ về nước. Sau quá trình gây sức ép liên tục, cuối cùng các lao động đáng thương này cũng được một người tên Huy mua vé máy bay hồi hương. Mất khoảng 30 giờ quá cảnh qua Nam Phi rồi Hong Kong, ngày 20/5/2013, cả nhóm về đến Việt Nam trong bộ dạng gầy yếu, tinh thần hoảng loạn.

Theo điều tra của phóng viên, hầu hết các lao động này sang được Angola đều nhờ bàn tay của “cò” Hà. Các lao động phản ánh, Nguyễn Văn Hà là “cò” xuất khẩu lao động có tiếng ở xã. Khi Hà rêu rao có thể đưa lao động sang Angola làm việc nhàn hạ, thu nhập cao, nhiều gia đình nghèo đã lấp lánh hy vọng cải thiện kinh tế. Họ bỏ công việc đánh cá, gom góp tiền đưa cho Hà lo đi xuất khẩu lao động. Mỗi người muốn đi lao động sang Angola phải đóng cho Hà 136,5 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi lao động còn mất hàng chục triệu đồng các chi phí khác cho đến khi sang được Angola.

Các lao động không được ký hợp đồng với công ty ở Việt Nam mà được “cò” trong nước tổ chức sang Angola bằng hộ chiếu du lịch. Điều ngạc nhiên là, dù xuất cảnh bằng hộ chiếu du lịch nhưng họ lại được cấp một bản hợp đồng lao động ký với một công ty ở nước sở tại. Đơn cử như trường hợp của lao động Phạm Văn Hòa (SN 1977, xã Ngư Lộc, Hậu Lộc) được “cò” lao động cấp một hợp đồng lao động với Công ty Casa Marfinaria Mussengue LDA, có địa chỉ tại nhà S- đường Inclustrial- phố Azull- tỉnh Kuando (Angola) do ông Joao Augusto Musengue làm Tổng Giám đốc. Theo hợp đồng này, lao động được thuê làm việc 3 năm với các điều khoản, chế độ làm việc đầy đủ, mức lương 800 USD/tháng. Hợp đồng được áp dụng bởi luật pháp nước Cộng hòa Angola (hợp đồng bằng tiếng Việt, người lao động điểm chỉ- PV). Hợp đồng này cũng thể hiện trường hợp có tranh chấp, hai bên sẽ ra tòa án Luanda (Angola) giải quyết.


Hợp đồng lao động ký với công ty trước khi sang Angola.

Các công ty liên quan bỗng dưng…biến mất

Điều tra của phóng viên cho thấy, người lao động sau khi trở về nước đã rất khó khăn trong việc đòi bồi thường quyền lợi vì đã bị ràng buộc bởi cái gọi là “Hợp đồng dịch vụ tư vấn”. Như trường hợp của anh Tô Văn Định (SN 1991, Hậu Lộc, Thanh Hóa), trước khi lên máy bay, do cảm giác bất an anh Định yêu cầu “cò” phải cung cấp hợp đồng pháp lý. Sau đó, anh Định được ký kết hợp đồng tư vấn thị trường đi làm việc tại Angola với bên A là Chi nhánh Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp II Hà Nội (địa chỉ ghi trên hợp đồng là số 66 Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) do bà Lê Minh Thu làm Giám đốc. Hợp đồng này thể hiện, bên A chỉ giữ vai trò tư vấn cho bên B về thị trường xuất khẩu lao động tại Angola. Bên B đồng ý ủy quyền cho bên A chuyển hộ tiền cho chủ sử dụng hoặc cá nhân - pháp nhân khác để làm visa, đặt vé hộ cho bên B xuất cảnh. Hợp đồng này cũng ghi: “Bên B hiểu rằng những phát sinh trong thời hạn hợp đồng khi làm việc tại Angola là quan hệ trực tiếp giữa chủ sử dụng và bên B”. Như vậy, theo hợp đồng tư vấn này thì bên A hoàn toàn không chịu trách nhiệm gì nếu có phát sinh trong quá trình lao động.

Do thiếu hiểu biết, các lao động yên tâm cầm bản hợp đồng tư vấn vô giá trị sang Angola. Đến nơi, họ mới nhận ra rằng mình bị lừa. Lần theo địa chỉ trên bản “Hợp đồng dịch vụ tư vấn”, chúng tôi đến địa chỉ 66 Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng thì không thấy có sự tồn tại của công ty này. Về phần người lao động, khi may mắn được đưa về nước, họ tìm đến “cò” Nguyễn Văn Hà đòi tiền nhưng “cò” này khất lần rồi sau đó lẩn về Hà Nội. Cực chẳng đã, các lao động viết đơn tố cáo đến chính quyền địa phương.

Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Hải Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết: “Chính quyền đã nhận được đơn thư của người dân và đã mời các hộ dân đến trụ sở UBND xã để làm công tác tư tưởng, mong người dân bình tĩnh”. Theo vị Phó Chủ tịch này thì UBND xã Ngư Lộc đã điện thoại mời “cò” Hà lên làm việc và người này đã hứa với chính quyền địa phương sẽ giải quyết ổn thỏa. “Đây là lần đầu tiên chỗ anh Hà để xảy ra thế này”, ông Năm nói.

Để có những thông tin khách quan, nhóm phóng viên tìm gặp ông Nguyễn Văn Hà tại Hà Nội và được người đàn ông này cho biết đã làm nghề môi giới lao động khoảng 7 năm nay. Ông Hà trình bày, chỉ thu tiền, sau đó có trách nhiệm chuyển tiền qua một người tên là Phạm Đình Luân. Trước đây, ông Luân thường đưa Hà và các lao động đến một công ty có trụ sở tại Mỹ Đình (huyện Từ Liêm, Hà Nội) để làm thủ tục. Nhưng giờ công ty này cũng đã biến mất, bản thân ông Hà cũng không biết nó còn tồn tại hay không.

Hỏi ông Hà đưa lao động đi bằng cách nào, ông ta quanh co: “Em cũng chẳng biết vì em thông qua anh Luân, em chỉ thu tiền rồi đưa hết cho anh Luân và được trả công 500 USD/người. Anh Luân thông qua doanh nghiệp nào, bằng cách nào đưa đi em không biết. Từ khi sự việc xảy ra, em phải ở Hà Nội để ép anh Luân khắc phục hậu quả cho người lao động. Người lao động chỉ biết bấu víu vào em và em thì bám vào anh Luân. Nói thật em cũng chỉ là nạn nhân trong vụ này. Em cũng không hiểu biết nên mới tin người ta như thế”.

Hợp đồng với công ty nước ngoài là hợp đồng “ma”

“Hợp đồng này về bản chất là đánh lừa người lao động mà họ không biết. Về nguyên tắc, những lao động phổ thông này sẽ không thể ký trực tiếp với doanh nghiệp nước ngoài vì họ thiếu hầu hết các yếu tố cần như: Trình độ nghề, ngoại ngữ, sự hiểu biết… Hơn nữa, Việt Nam và Angola chưa có hợp tác về tuyển dụng lao động nên việc doanh nghiệp Angola ký hợp đồng trực tiếp với lao động người Việt Nam là hoàn toàn vô lý”.

Luật sư Nguyễn Văn Tú
(Đoàn Luật sư Hà Nội)

Hà Châu - T.Minh
theo GĐ&XH

Từ khóa: