Sự kiện hot
11 năm trước

Xuất khẩu LĐ sang Angola - Tan giấc mộng đổi đời: Ra chợ là gặp cướp

Nung nấu ý định thoát nghèo, nhiều gia đình đã chạy vạy vay mượn tiền cho con em đi xuất khẩu lao động tại Angola.

Nung nấu ý định thoát nghèo, nhiều gia đình đã chạy vạy vay mượn tiền cho con em đi xuất khẩu lao động tại Angola. Nhưng miền đất hứa chờ đón họ là cảnh cướp bóc, sống chui lủi, bệnh tật hành hạ, họ buộc phải về nước trong cảnh tiền mất tật mang.


Lao động và thân nhân đang trình bày hoàn cảnh bi đát của mình sau giấc mộng sang Angola lao động làm giàu. Ảnh: C.M

LTS: Đời ông, đời cha bám biển nhưng cuộc sống của nhiều người dân xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa vẫn chưa khá lên. Nung nấu ý định thoát nghèo, nhiều gia đình đã chạy vạy vay mượn tiền cho con em đi xuất khẩu lao động tại Angola. Nhưng miền đất hứa chờ đón họ là cảnh cướp bóc, sống chui lủi, bệnh tật hành hạ, họ buộc phải về nước trong cảnh tiền mất tật mang.

Phản ánh đến Đường dây nóng Báo GĐ&XH, người dân nghèo tại xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc bức xúc kêu cứu về việc do tin vào “cò mồi” xuất khẩu lao động, họ đã chi hàng trăm triệu đồng để được đi làm việc tại Angola. Nhưng khi sang đến nơi họ phải sống cảnh chui lủi, bị đối xử tệ bạc và bệnh tật hoành hành trái ngược tất cả những gì mà “cò” đã hứa.

Kiếm ăn xứ người

Lao động cực nhọc ở viễn xứ để kiếm miếng cơm đã là cơn ác mộng thì ngày về đối diện với những khoản nợ khổng lồ với những người dân xã nghèo Ngư Lộc cũng là cơn ác mộng khủng khiếp không kém. Đặt chân đến xã biển Ngư Lộc, khắp từ đầu làng, cuối xóm người dân xì xầm bàn tán về các gia cảnh éo le của người đi xuất khẩu lao động ở Angola vừa trở về.

Nhà ông Tô Văn Bốn nằm khuất nẻo ở cuối xóm Nam Vượng, Ngư Lộc. Khác hẳn với cảnh vui vẻ vì được đón người thân đi xuất khẩu lao động nước ngoài về như thường thấy thì căn nhà cấp 4 của ông Bốn chứa đầy vẻ u buồn. Mặc dù biển động, nhưng ông Bốn vẫn phải ra biển kiếm con tôm con cá để lo cho cuộc sống. Bởi vì, cả nhà ông Bốn đã gom hết tiền bạc, vay mượn của người thân với số tiền gần 200 triệu đồng để cho con trai ông là anh Tô Văn Phúc đi xuất khẩu lao động tại Angola.

Bế đứa con gái nhỏ mới hơn 4 tháng tuổi trong tay, chị Mai Thị Nga, vợ anh Phúc rầu rĩ cho biết, chồng chị thông qua “cò mồi” đã đi Angola lao động từ Tết âm lịch vừa rồi. Tổng chi phí cho chuyến đi mất gần 200 triệu đồng. Nhưng khi anh Phúc sang đến nơi mới ngã ngửa về tình trạng lao động khắc nghiệt, phải sống chui lủi. Từ một chàng trai biển lực lưỡng trên 70 kg anh Phúc bị sốt rét quật ngã. Không chịu nổi sự khắc nghiệt, anh Phúc buộc phải tìm cách quay về nước. Vừa xuống đến sân bay tại Hà Nội, anh Phúc phải nhập viện gấp để điều trị sốt rét mới mong bảo toàn được tính mạng. “Người thì đã may mắn về được nước, nhưng còn khoản nợ khổng lồ thì biết lấy gì mà trả”, chị Nga nghẹn ngào nói.

Biết có phóng viên đến tìm hiểu về việc lao động đi xuất khẩu chui tại Angola, người dân khắp nơi trong xã Ngư Lộc cùng kéo đến nhà chị Nga. Họ là những nạn nhân và người nhà của mình đến gặp chúng tôi để tố cáo hành vi của Nguyễn Văn Hà, một người cùng xã được cho là đã lừa đưa 11 người xã Ngư Lộc sang Angola lao động chui. Anh Bùi Thanh Xuân (SN 1978) là một nạn nhân may mắn được về nước, tố cáo: “Tất cả chúng tôi đi Angola là do anh Hà môi giới. Anh Hà là người trong làng, có nhiều năm làm xuất khẩu lao động nên ai cũng tin tưởng. Anh Hà hứa hẹn, sang Angola làm việc sẽ nhận lương 800 USD/tháng, ăn ở đàng hoàng, làm cho một tập đoàn xây dựng uy tín. Mỗi người đi đã phải đóng cho anh Hà 136,5 triệu đồng, ngoài ra còn hàng chục triệu chi phí phát sinh nữa. Tất cả số tiền trên chúng tôi đều phải đi vay mượn, nhà nào cũng cầm cố sổ đỏ cho ngân hàng. Nhưng sang đến nơi thì chúng tôi phát hiện ra tất cả chỉ là lừa đảo, hứa hão”, anh Xuân bức xúc.

Theo những người dân ở đây thì họ phải đóng tiền gần 1 năm mới được đi. Giờ ngày về trắng tay, họ bối rối tìm Hà để đòi lại tiền, nhưng người này lảng tránh không có tiền trả cho họ.

Vùng đất hứa biến thành địa ngục

“Cướp tại Angola tàn bạo đến mức nếu không có tiền thì chúng đánh, còn chống cự thì bị bắn. Có người làm cùng chúng em bị bắn gãy chân vì dám cãi lại chúng. Những ngày ở bên đó, chúng em nghĩ chắc không còn đường về”, một lao động kinh hãi nhớ lại.

Ngày về tiền bạc chẳng thấy đâu, người thân chỉ đau đớn thấy anh Bùi Thanh Xuân gầy tọp với một bên chân tê mỏi, có dấu hiệu bị liệt. Theo lời kể của anh Xuân thì sau một thời gian dài đóng tiền cho Hà, ngày 23/12/2012 (âm lịch) anh và nhóm bạn đã được lên máy bay sang Angola lao động. Khi bước xuống sân bay, anh Xuân và mọi người bơ vơ lạc lõng nơi xứ sở xa lạ, không có người đón. Lúc này, anh và mọi người mới biết là mình bị lừa. Cực chẳng đã, anh Xuân và các bạn phải tìm một căn nhà hoang ở nước bạn để tá túc. Phải hơn 1 tuần sau liên hệ, cầu cứu thì anh mới được một nhóm người đến đưa vào một công trường xây dựng.

Vừa đến công trường, anh và nhóm bạn đã bị buộc phải làm việc cực nhọc. Mặc dù lao động kham khổ nhưng những lao động này chỉ được cho ăn cầm chừng. “Thức ăn không có, gạo hôi mốc đến gia súc, gia cầm ăn cũng chẳng được nói gì đến người. Đêm muỗi nhiều khủng khiếp và 6 người trong chúng tôi đã bị sốt rét”, anh Xuân bức xúc nói.

Theo anh Xuân, khi anh bị sốt rét ác tính tấn công, sức khỏe gần như suy kiệt thì thay vì được đưa đến bệnh viện chữa trị, anh được tiêm thuốc lạ để cắt cơn. Hậu quả là đến giờ một chân anh như bị liệt. Không chịu nổi điều kiện làm việc khốc liệt và cách đối xử thậm tệ của chủ lao động, anh Xuân điện thoại về nước cầu cứu gia đình tìm cách đưa mình về. 

Anh Tô Văn Cường, một nạn nhân khác cho biết thêm, không chỉ cuộc sống khốn khổ mà tình hình an ninh trật tự bên đó rất phức tạp. Súng nổ đùng đoàng cả ngày. Nạn cướp bóc xảy ra liên tục. Công nhân chỉ ra chợ mua thức ăn mà cũng bị cướp gí súng vào đầu lấy hết tiền.

(Còn nữa)

Hà Châu - T. Minh
theo GĐ&XH

Từ khóa: