Nghiện ngập, bị bố mẹ nhốt vào phòng riêng "cắt cơn", tưởng như Kiên sẽ thoát vết trượt. Đến khi nhận kết quả xét nghiệm mình bị nhiễm căn bệnh HIV, chàng trai trẻ mới hối hận, gắng gượng bước qua tội lỗi, vươn mình trở thành ông chủ.
Nghiện ngập, bị bố mẹ nhốt vào phòng riêng "cắt cơn", tưởng như Kiên sẽ thoát vết trượt. Đến khi nhận kết quả xét nghiệm mình bị nhiễm căn bệnh HIV, chàng trai trẻ mới hối hận, gắng gượng bước qua tội lỗi, vươn mình trở thành ông chủ.
"Bóng tối dưới chân ngọn đèn..."
Chúng tôi gặp Kiên vào một buổi sáng khi anh đang tất bật chuẩn bị hàng hóa cho một ngày buôn bán bận rộn. Với khuôn mặt rạng rỡ luôn nở nụ cười tươi, Kiên bảo cuộc đời mình thì có gì mà viết, toàn dính vào nghiện ngập, bùn đen thôi. Chậm rãi uống ngụm nước nghỉ giải lao, Kiên bắt đầu nhớ về những ngày tháng chìm trong ma túy của mình.
Phan Văn Kiên (SN 1976) sinh ra trong một gia đình ở TP. Vinh, Nghệ An. Từ nhỏ, Kiên luôn được bố mẹ và các anh chị trong nhà cưng chiều. Cũng chính vì thế mà từ một đứa trẻ ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, dần dần Kiên thường xuyên bỏ học, đi theo đám bạn xấu.
Bước vào năm học lớp 11, Kiên sa ngã vào con đường nghiện ngập ma túy. Trong những lần theo đám bạn con nhà giàu chơi bời trác táng, Kiên bị xấu lôi kéo, dụ dỗ rồi bập vào ma túy và nghiện lúc nào không hay. Suốt ngày Kiên bỏ học đi bụi với đám bạn la cà các quán sá.
"Thời kỳ đó ma túy dễ mua lắm, cứ ra khỏi cổng là có thể mua được. Ma túy nó như một con sâu len lỏi, thâm nhập vào các hang cùng, ngõ hẻm trên địa bàn thành phố. Cũng chính vì vậy mà mình dễ dàng dính vào nghiện ngập", Phan Văn Kiên tâm sự.
Chân dung chàng trai dính "ết", giàu nghị lực Phan Văn Kiên
Từ lúc làm bạn với ma túy, Kiên thường xuyên bỏ học. Thay vì những đêm miệt mài đèn sách, những buổi lên lớp nghe cô giáo giảng bài thì Kiên lại chìm đắm trong ảo giác, sự đê mê, khoái cảm trước mắt do ma túy đem lại. Cứ thế, Kiên cứ trượt dài trên con đường tệ nạn.
Rồi gia đình, bạn bè, làng xóm cũng biết Kiên bị nghiện, mẹ anh đã suýt ngất đi vì không tin đứa con mà bà hết sức cưng chiều là trở nên hư đốn như vậy. Mọi người cứ dần xa lánh Kiên. Với họ Kiên là một kẻ nghiện ngập, hư đốn, là mối họa cho những gia đình có con ở lứa tuổi vị thành niên.
Để kéo Kiên ra khỏi đám bạn xấu và cai nghiện, bố mẹ anh đã phải cắn răng giam lỏng con vào một phòng riêng biệt. Thế nhưng, cứ sơ hở là Kiên lại trốn ra ngoài nhập hội, lao đi tìm ma túy như một con thiêu thân. Nước mắt người mẹ của Kiên đã rơi không biết bao nhiêu lần vì con. Nhưng Kiên đâu có chịu tu tỉnh để tránh xa "cái chết trắng ấy".
Gia đình cũng đã dùng nhiều cách để giúp Kiên cai nghiện kể cả đánh đập, khuyên răn nhưng tất cả đều vô ích. Cực chẳng đã, bố mẹ Kiên đành phải tính cách gửi con lên ở tại trang trại anh em họ hàng nơi miền Tây xứ Nghệ, nhằm tách biệt với đám bạn hư hỏng, tránh xa cái môi trường mà heroin dễ mua như mớ rau, con mắm ngoài chợ ấy với hi vọng Kiên sẽ đoạn tuyệt được ma túy.
Vượt qua cạm bẫy
Mặc dù biết đẩy con lên vùng núi xa xôi hẻo lánh là làm khổ con, nhưng bố mẹ Kiên cũng chẳng biết làm gì hơn. Họ chỉ mong anh sớm đoạn tuyệt với ma túy để trở về với cuộc sống đời thường. Thế nhưng, đâu có ngờ rằng, dù bị "áp giải" đi khỏi nơi phồn hoa đô thị nhưng Kiên vẫn kịp mang theo một lượng ma túy để dùng.
Kiên đang tất bật chuẩn bị dọn hàng cho một ngày buôn bán mới
Những ngày đầu, khi thấy Kiên ngoan ngoãn, không có biểu hiện thèm thuốc thì người bác họ cũng thấy an tâm, nào ngờ Kiên vẫn lén lút sử dụng ma túy. Rồi dần dần thuốc mang trộm lên cũng hết, Kiên bắt đầu lộ bản chất con người thật của mình.
Thiếu thuốc, Kiên thiếu đi cái ảo giác đê mê, lâng lâng, kèm theo đó là những cơn vật vã vì thèm thuốc. Chịu không nổi, Kiên đã trốn bác họ về Vinh tìm thuốc để thỏa mãn cơn nghiện. Cứ như vậy, gia đình đưa lên rồi Kiên lại trốn về. Dần dần Kiên bị nghiện nặng, từ hút đã chuyển sang tiêm chích.
Kiên nhớ lại những ngày tháng đen tối của mình: "Mặc dù bị bác quản lý rất chặt nhưng mình không thắng nổi sức cuốn hút của "nàng tiên nâu". Mình bắt đầu rơi vào giai đoạn nghiện nặng, hút không còn thấy đã thèm nữa. Đám bạn bày cách chuyển sang chích, quả đúng là chích thì nó thấy đậm hơn, sướng hơn rất nhiều.
Rồi cứ như thế, bạ đâu mình chích đó. Hễ thằng nào cho chích chung mình cũng chích. Nói thật lúc đó chỉ nghĩ đến việc làm sao thỏa mãn được cơn nghiện chứ không còn nghĩ được gì nữa. Qua một thời gian được gia đình đưa lên miền núi ở, không những mình không cai được mà còn nghiện nặng hơn. Thế là gia đình đành phải đưa về Vinh chứ không còn cách nào khác".
Trở về Vinh, Kiên bị liệt vào danh sách những con nghiện có thâm niên ở khu vực và bị cơ quan chức năng đưa đi kiểm tra sức khỏe. Một sự thật phũ phàng hiện ra trước mắt khi Kiên và người thân cầm tờ xét nghiệm trên tay: Kết quả dương tính với vi rút HIV.
Kiên lại không nghĩ căn bệnh "ết" nó lại đến với mình nhanh như vậy. Còn với bố mẹ anh, khi biết kết quả đã ngã quỵ xuống, đó quả là một cú sốc lớn đối với họ.
Mang trong mình căn bệnh thế kỷ, cuộc đời coi như đã chấm dứt với chàng trai trẻ này. Sau 10 năm bập vào ma túy, 7 lần cai nghiện không thành rồi tái nghiện, giờ đây Kiên mới nhìn lại chính mình thì đã quá muộn.
Kiên kiểm tra hàng mới nhập về
Bao đêm Kiên ngồi khóc rưng rức một mình, rồi anh nghĩ dẫu không còn tương lai, cái chết đang kề cận nhưng trước khi lìa khỏi trần đời cũng phải làm một cái gì đó, chí ít cũng là an ủi những người thân trong gia đình và xa hơn nữa là làm một việc có ích cho xã hội. Rồi Kiên quyết tâm cai nghiện bằng được.
Thấy con thể hiện ý chí thật lòng, bố mẹ Kiên đã gửi anh vào Trung tâm Lao động – Xã hội 3 (đóng tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) để đoạn tuyệt với “làn khói trắng”. Kiên kể, những ngày đầu mới vào cai nghiện quả đúng là khó khăn. “Mỗi khi lên cơn nghiện, mình cảm giác như hàng nghìn con kiến đang bò trong xương.
Đã có những lúc tưởng chừng bỏ cuộc. Cũng vô số lần "tặc lưỡi" định buông xuôi. Thế nhưng, chính những lúc đó nếu buông xuôi, mình sẽ tự đóng cánh cửa trở về làm một con người đúng nghĩa. Những lúc đó mình nghĩ đến bố mẹ, anh chị và mình lại chịu đựng”, Kiên nhớ lại những lần đấu tranh với những cơn thèm thuốc.
Sau những cơn vật vã, giằng xé giữa nội tâm và những cơn thèm thuốc. Kiên trỗi dậy và khát vọng trở về với đời trong sự giang tay chào đón của mọi người. Sau gần 2 năm, Kiên đã từ bỏ được ma túy và được trở về với gia đình. Ngày bước ra khỏi cổng Trung tâm, Kiên được sự chào đón giữa niềm vui mừng và tin tưởng của gia đình, người thân.
Trở thành ông chủ
Trở về sau hai năm vật lộn cai nghiện, tìm lại chính mình ở Trung tâm Lao động – Xã hội, Kiên trở về với cuộc sống đời thường. Nhưng vì mặc cảm, một phần sợ bạn bè xấu lại rủ rê nên suốt ngày anh giấu mình trong nhà.
HTX Sông Lam Xanh, ngôi nhà chung của những người có "H"
Được mọi người động viên, một thời gian sau, với cái vốn nghề học được trong thời gian cai nghiện, Kiên mở quán quán rửa xe, vá xe đạp ở ngay trước nhà. Nhưng cũng chỉ được một thời gian, do xã hội, con người vẫn chưa chấp nhận kẻ nhiễm HIV nên khi biết Kiên bị "ết" thì họ lại xa lánh. Cuối cùng Kiên đành phải đóng cửa, buồn rầu, chán nản, nhưng Kiên cũng không biết làm gì hơn.
Đầu năm 2008, tại tỉnh Nghệ An, các dự án phòng chống AIDS tại cộng đồng được mở ra. Nhận thấy đây là cơ hội để mình hòa nhập với cộng đồng nên Kiên tham gia, trở thành một thành viên tích cực trong việc tuyên truyền, phòng chống và cung cấp những kiến thức phòng tránh lây lan căn bệnh này trong cộng đồng dân cư.
Qua những lần đi tuyên truyền đó, Kiên nảy ra ý định trong đầu: "Tại sao những người có "H" lại không thể sống và làm việc như những người bình thường khác? Sao không cùng nắm lấy tay nhau sẻ chia để vượt qua khó khăn?". Cuối cùng, Kiên quyết định xây dựng kế hoạch thành lập một nhóm tập hợp những người có "H" để cùng nhau chia sẻ khó khăn, kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng với những người nhiễm HIV.
Mặc dù biết mình không còn sống được bao lâu nhưng Kiên không ngừng tìm tòi học hỏi. Anh nói: "Còn sống ngày nào thì hãy khong ngừng học tập ngày ấy". Trong ảnh, Kiên đang làm việc trên máy tính để bàn.
Tháng 10/2008, nhóm tự lực "Sông Lam Xanh" do Kiên làm trưởng đã ra mắt với sự tham gia của gần 30 thành viên có "H" trên địa bàn. Mục đích của nhóm là chia sẻ, truyền thông cho cộng đồng thấu hiểu với những người có "H", kêu gọi quyền và lợi ích hợp pháp cho người có "H", tăng cường tham gia các hoạt động xã hội có liên quan đến HIV/AIDS, nhận sự giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức dành cho những người nhiễm "H" và người bị ảnh hưởng theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí và nhiều vấn đề khác.
Sau khi ra đời, nhóm nhận được nhiều sự hỗ trợ của các dự án, chính vì vậy mà nó ngày càng phát triển di lên. Đến năm 2011 số thành viên trong nhóm tăng từ 30 lên đến 50 người tham gia. Theo quy chế, nhóm sinh hoạt vào ngày 24 hàng tháng, thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền phòng chống HIV và các tệ nạn xã hội, chăm sóc hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.
Tròn 3 năm sau ngày thành lập, nhóm tự lực Sông Lam Xanh đã chuyển đổi thành Hợp tác xã (HTX) Sông Lam Xanh. Đây là mô hình kinh doanh tập thể đầu tiên cho những người có "H" trên địa bàn tỉnh do Phan Văn Kiên làm ông chủ. HTX chuyên kinh doanh các loại sản phẩm như gạo, cung cấp nước uống. ngoài ra còn buôn bán hàng tạp hóa, cung cấp các dịch vụ phụ thiết yếu cho đời sống hằng ngày.
Cho đến thời điểm hiện nay, HTX đã mở rộng chi nhánh số 2 tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh và thu hút được 30 thành viên tham gia. Đây thực sự là một mái nhà chung cho những người nhiễm HIV trên địa bàn.
Mặc dù không biết mình chết lúc nào, nhưng với quyết tâm là một cái gì đó có ích cho xã hội, chàng trai dính "ết" Phan Văn Kiên đã thực hiện được tâm nguyện của mình. Anh quả là một tấm gương sáng về nghị lực sống, dám sống và vươn lên để nhiều người noi theo.
Phạm Hòa
Theo Infonet