Sự kiện hot
1 ngày trước

11 tháng đầu năm 2024, giá nhà ở liên tục tăng mạnh tại TP. Hồ Chí Minh

Trong 11 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh ghi nhận một xu hướng tăng giá nhà ở rõ rệt, đặc biệt là trong phân khúc nhà ở cao cấp và trung cấp. Theo các báo cáo từ các đơn vị nghiên cứu, giá bán trung bình tăng từ 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái. Xu hướng này phản ánh nhiều yếu tố từ cung cầu, chính sách tài chính, cho đến môi trường kinh tế và đô thị hóa.

Bất động sản vùng ven: Điểm sáng đầu tư năm 2024 | Tin nhanh chứng khoán
11 tháng đầu năm 2024, giá nhà ở liên tục tăng mạnh tại TP. Hồ Chí Minh.

Cụ thể trong 11 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản TP.HCM tăng trưởng dương trở lại với mức trên dưới 9%. Tuy nhiên, số liệu của Sở Xây dựng cho thấy nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở rất hạn chế. Chỉ có 12 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, không có dự án nhà ở nào được giao đất, cho thuê đất và chỉ có 2 dự án nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng.

"Tình trạng không có dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được giao đất, cho thuê đất trong 11 tháng qua và chỉ cấp giấy phép xây dựng cho 2 dự án nhà ở thương mại và không có dự án nhà ở xã hội được cấp giấy phép xây dựng sẽ dẫn đến hệ quả là không có dự án nhà ở mới được bổ sung cho thị trường bất động sản và không có dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội mới nào đủ điều kiện triển khai thực hiện vào đầu năm 2025", HoREA cảnh báo.

Đáng chú ý, 100% nhà ở thương mại đủ điều kiện huy động vốn trong 11 tháng qua đều thuộc phân khúc cao cấp. Cụ thể, chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện huy động vốn đưa sản phẩm ra thị trường, giảm 75% số lượng dự án với tổng số chỉ có 1.611 căn nhà và tất cả đều là nhà ở cao cấp.

Tổng giá trị cần huy động vốn của 1.611 căn nhà là 15.142 tỉ đồng, bình quân giá nhà rất cao, lên đến 9,39 tỉ đồng/căn. Điều này cho thấy sự mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu sản phẩm nhà ở, khiến người có thu nhập trung bình và thấp khó tiếp cận nhà ở.

Thị trường văn phòng cho thuê tương đối ổn định; thị trường nhà phố cho thuê kinh doanh chưa khởi sắc. Thông tin từ CBRE VN và Savills VN cho biết, trong quý 3/2024 công suất cho thuê văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt mức 79,8% đối với hạng A giảm nhẹ 0,6 điểm phần trăm so với quý trước, nhưng vẫn ở mức cao so với 03 năm trở lại đây và đạt mức 87,5% đối với hạng B tăng so với mức 89,9% ở quý 2/2024; Tỷ lệ trống đang tăng so với 03 năm trước đây;

Giá thuê văn phòng hạng A ngoài trung tâm tăng 1% theo quý, trong khi hạng A tại khu trung tâm giảm 1%, bình quân 45,5 USD/m2/tháng. Giá thuê văn phòng hạng B đạt mức 26,1 USD/m2/tháng, giảm 0,6% so với quý trước nhưng vẫn cao hơn 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái; Giá thuê văn phòng bình quân toàn thị trường vẫn ổn định, ở mức 812.000 đồng/m2/tháng (tương đương 33,37 USD/m2) tăng 6% theo năm, cho thấy sự cân bằng giữa cung và cầu. Đồng thời, theo nguồn tin từ Colliers VN cho biết mức giá thuê văn phòng cao nhất ở phân khúc hạng A toàn thị trường là 66 USD/m2/tháng tại tòa nhà văn phòng Deutsches Haus, quận 1.

Đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, nguyên nhân khiến thị trường bất động sản đang phục hồi trở lại nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của các cấp có thẩm quyền, điển hình là chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trong đó, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã giúp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ “hạ cánh mềm”, tạo “cơ chế thỏa thuận” và trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đối với nhà đầu tư; hoặc Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ tín dụng hoặc Thông tư 10/2023/TT-NHNN ngừng thực hiện một số quy định của Thông tư số 06/2023/TT-NHNN đã hỗ trợ hiệu quả cho sự phục hồi của thị trường bất động sản.

Cùng với đó, giai đoạn 2023-2024, Quốc Hội đã thông qua Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn; sửa đổi các Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và các Nghị quyết 171/2024/QH15 “về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất”; Nghị quyết “Cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, Đà Nẵng và Khánh Hoà” và Nghị quyết “Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội”.

Đồng thời, với việc thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ, các Tổ Công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của một số địa phương, trong đó có Tổ công tác của UBND TP.HCM đã phối hợp, tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, đi đôi với nỗ lực của các doanh nghiệp bất động sản tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm để tồn tại chờ cơ hội phục hồi trở lại.

Tiến Hoàng/KTĐU

Từ khóa: