Sự kiện hot
13 năm trước

23 năm cuốc bộ tìm mẹ thất lạc giữa triệu người

Trong tay không có một tấm ảnh nên ông phải đi khắp nơi, nhìn mặt từng người trong hàng triệu người để tìm mẹ, người đàn ông đó đã 23 năm kiên trì làm nghĩa vụ của người con hiếu thảo.

Trong tay không có một tấm ảnh nên ông phải đi khắp nơi, nhìn mặt từng người trong hàng triệu người để tìm mẹ, người đàn ông đó đã 23 năm kiên trì làm nghĩa vụ của người con hiếu thảo.

Chỉ vì chủ quan, ông đã để người mẹ không được tỉnh táo của mình bỏ nhà đi mất. Bằng một niềm tin mãnh liệt về ngày hội ngộ, ông đã kiên trì đi tìm mẹ suốt hơn 8.000 ngày. Và rồi  điều kỳ diệu nhất của cuộc sống đã xảy ra: Mẹ con họ trùng phùng trong nụ cười lẫn nước mắt, hai mái đầu bạc chụm vào nhau nức nở cho ngày đoàn viên.


Mẹ con bà Điểm, ông Thức sau 23 năm cách biệt.

Hoạ vô đơn chí

Câu chuyện 23 năm trời lao tâm khổ tứ tìm mẹ của ông Nguyễn Lâm Thức, trú tại xóm Hợp Thuận, xã Đồng Hợp, huyện miền núi Qùy Hợp (Nghệ An) đã gây xúc động không biết bao người. Mẹ ông là bà Đàm Thị Điểm vốn có tiền sử về căn bệnh thần kinh, những lúc bệnh tái phát thường đi vật vờ lung tung, người nhà phải tỏa đi tìm, đưa bà về. Trong một lần căn bệnh này tái phát, bà đã bỏ đi rồi lạc mất đường về, cứ thế đi mãi suốt 23 năm sau, bước chân lập cập mới đặt được trước cổng nhà. Đỡ mẹ về trong niềm ngỡ ngàng của người thân, bà con chòm xóm, người con trai thứ Nguyễn Lâm Thức nở nụ cười viên mãn pha lẫn nước mắt hạnh phúc. Bởi khi mọi người đều tin chắc bà Điểm sẽ không bao giờ xuất hiện nữa, thì anh vẫn âm thầm với hành trình tìm mẹ. Và điều kỳ lạ nhất đã xảy ra vào dịp Tết Nguyên đán 2012 vừa qua, khi người con hiếu thảo này tìm thấy mẹ mình ở mãi tận Bạc Liêu.

Ông Nguyễn Lâm Thức (SN 1957) là con thứ hai trong một gia đình có tới 7 người con. Năm 1979, đại gia đình ông giã từ mảnh đất quê hương Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) để đến với vùng đất mới thuộc xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp lập nghiệp. Vì gia cảnh khó khăn mà bỏ quê tìm miền đất mới, cứ ngỡ ở đây, với cái vốn cần cù sinh năng, gia đình ông sẽ thoát nghèo, nào ngờ khó khăn lại chồng chất khó khăn. Ngay khi vừa ổn định được cuộc sống, bố ông bất ngờ ngã bệnh rồi bỏ mẹ con mà đi. Bàng hoàng trước nỗi đau mất chồng, mẹ ông ngã bệnh. Mỗi ngày nằm chìm trên giường nhìn đàn con nheo nhóc đang lả đi vì đói, lòng bà lại quặn thắt. Sau hơn một tháng trời nằm liệt giường, bà gượng dậy lèo lái cáng đáng gia đình nhưng nỗi đau mất chồng chưa bao giờ nguôi. Thế nhưng, cũng từ độ ấy, bà Điểm bắt đầu có những dấu hiệu bất thường về thần kinh. Bà thường xuyên tỉnh dậy lúc nửa đêm rồi bỏ nhà đi lang thang, đến sáng hôm sau mới thất thểu trở về. Hoặc có những khi bà tự nhiên cười, nói một mình trong vô thức.

Thương mẹ, anh em ông Thức ra sức chăm sóc. Và tình yêu  của đàn con đã phần nào làm cho bà Điểm hồi sinh mạnh mẽ. Bà dần lấy lại được niềm tin để cân bằng cuộc sống. Khi kinh tế gia đình có chút dư chút giả thì tai ương lại đổ ập xuống căn nhà bé nhỏ của mẹ con ông. Đó là thời điểm năm 1989, một trong 7 đứa con của bà Điểm chẳng may bị tai nạn qua đời. Thêm cú sốc tinh thần này khiến bà suy sụp hẳn và tái phát bệnh cũ. Mỗi ngày bà Điểm vẫn dành một khoảng thời gian nhất định đi ra mộ con, nhưng đôi lúc những biểu hiện bất thường vẫn xuất hiện, khiến anh em ông Thức ai nấy đều lo lắng.  Và rồi trong một lần đi thăm mộ, chẳng hiểu vì lý do gì mà bà Điểm lạc mất đường về. Đến chiều tối không thấy mẹ về, anh em ông Thức đổ xô đi tìm. Một ngày, hai ngày....một năm rồi đến 10 năm, anh em ông vẫn không thấy mẹ đâu. Dù nhiều người hàng xóm đã không còn nhớ tên người phụ nữ ấy nhưng anh em ông Thức vẫn chưa bao giờ bỏ cuộc.

Hành trình trái tim

Giờ đây, ngồi bên cạnh người mẹ hiền già nua, khắc khổ, nhìn những vết nhăn in hằn khuôn mặt do tuổi tác, ông Thức không khỏi chạnh lòng xót xa. 23 năm là một quãng thời gian cách biệt quá lớn đối với đời người, ông trời đã thương xót cho tình cảnh gia đình mà cho họ được sum họp đoàn viên. Người đàn ông vừa bước quang ngưỡng tuổi 50 của cuộc đời dáng người nhỏ thó, mái đầu hoa râm trầm ngâm nhớ lại hành trình tìm kiếm người mẹ già mất tích trong nỗi xúc động khôn nguôi. Theo ông, cái khó nhất đối với việc tìm kiếm bà Điểm là trong tay ông không hề có bất cứ một tấm ảnh nào của mẹ để nhận diện. Ông cũng không nghĩ ra cách cậy nhờ đến các phương tiện truyền thông đại chúng nhắn tin tìm kiếm. Ông chỉ biết bằng đôi chân bền bỉ của mình rong ruổi từ nơi này sang nơi khác, huyện gần đến tỉnh xa để hỏi thăm, đồng thời để lại số điện thoại liên lạc với hi vọng ai đó sẽ gọi điện báo tin.

Sự kiên nhẫn của ông Nguyễn Lâm Thức đã được đền đáp xứng đán. Tối mồng 3 Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn 2012, ông bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ Ban Công an xã Định Thành, huyện Đông Hải (Bạc Liêu). Cuộc điện thoại hơn 30 phút thông báo cho gia đình ông biết, tại nhà anh Nguyễn Văn Tiêm ở ấp Chòi Mòi, xã Định Thành đang nuôi dưỡng một bà cụ nói giọng miền Trung, trên người cụ mang nhiều đặc điểm giống mô tả nhận dạng của ông Thức để lại tại UBND xã này trước đó. Lúc minh mẫn cụ này cho hay, mình tên là Điểm, có 7 người con, trong đó có anh Thông và Thức. Ngoài ra, khi Ban Công an xã Định Thành hỏi cụ Điểm về quê quán thì bà cho biết, mình ở xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu nên đã điện về xã này hỏi. Chính quyền xã Quỳnh Thọ nhận được tin đã đến thông báo ông Thức. Dù chưa có gì dám chắc, hơn nữa vùng đất ấy lại cách nơi  ở 2.000km, nhưng ông Thức cũng mừng vui khôn xiết vì đó là thông tin quý nhất về mẹ mà ông có được sau 23 năm mải miết đi tìm. 

Chính vì thế, ngay tờ mờ sáng hôm sau, ông đã hồi hộp nhảy xe vào Bạc Liêu để xác minh. Ngay khi vừa đặt chân vào nhà gia đình anh Nguyễn Văn Tiêm, nhìn thấy người đàn bà khắc khổ ngồi trước hiên, ông Thức đã sững lại vài giây rồi chạy ào đến ôm chầm lấy bà mà khóc nức nở. Không còn nghi ngờ gì nữa, đấy chính là người mẹ của ông, dù đã hơn hai mươi năm không gặp nhưng gương mặt, dáng hình của mẹ ông vẫn còn nguyên những nét riêng của ngày xưa cũ. Về phía người mẹ già, bà đã không còn nhận ra con, phải gợi nhắc rất nhiều kỷ niệm bến nước bờ tre quê nhà, mắt bà mới rưng rưng nghẹn ngào rơi lệ.

Tôi trở về căn nhà nhỏ ấy khi niềm vui đoàn viên vẫn đang rạng rỡ trong mắt của những thành viên, bà con chòm xóm tới lui thường xuyên để vui chung với gia đình ông. Nhiều người còn lấy tấm gương của ông Nguyễn Lâm Thức để dạy dỗ con cái về lòng hiếu thảo. Tâm sự với tôi, ông Thức bảo: Dù mẹ mình không còn tỉnh táo và sức đã khô cạn, nhưng có vất vả bao nhiêu mà được chăm sóc phụng dưỡng mẹ khi tuổi đã già, vẫn là niềm hạnh phúc vô bờ của những người con sau 23 năm lưu lạc mẹ như chúng tôi.                    

Niềm tin bất diệt

Ông Thức cũng chẳng còn nhớ mình đã đi đến những đâu trong cả nước để tìm mẹ. Cứ chắt chiu được ít tiền là ông lại khoác ba lô lên đường. Lúc nào hết lộ phí thì trở về nhà, tiếp tục làm việc để gom góp tiền cho chuyến đi sau. Cũng may, vợ con hiểu và thông cảm cho tâm nguyện của ông nên đã ra sức ủng hộ và giúp đỡ. Ông Thức  cho biết, đã đến những tỉnh, thành tập trung nhiều dân ngụ cư như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và khu vực Tây Nguyên để dò la tin tức, đồng thời thông qua chính quyền địa phương nhờ sự liên lạc khi có thể. Ông chia sẻ, mẹ ông cả đời hi sinh vì con cái, đến lúc các con có điều kiện để dưỡng dục mẹ thì bà lại mất tích, chẳng biết sống chết thế nào nên trong lòng ông lúc nào cũng dằn vặt và chính điều này đã thôi thúc ông lên đường tìm mẹ. Tận sâu thẳm lòng mình, không hiểu sao, ông vẫn tin rằng, mẹ ông còn sống và đang ở đâu đó trên cõi đời này.

Hành trình 23 năm lưu lạc

Như một điều kỳ diệu đã xẩy ra, ngay sau giây phút bỡ ngỡ ban đầu bà Đàm Thị Điểm bỗng minh mẫn lạ thường. Bà kể rành mạch về quãng thời gian lưu lạc, thăng trầm của mình cho mọi người nghe. Theo đó, sau một ngày tha thẩn ở nghĩa trang thắp hương cho chồng con, bà Điểm ra khu vục bến xe tại ngã ba cây Săng Lẻ, rồi vô thức leo lên ngồi trên một chiếc xe khách, chẳng rõ đi đâu. Đến lúc nhà xe hỏi tiền, bà không có một xu dính túi nên bị họ thả xuống giữa đường (Sau này mới biết đấy thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình). Rồi cứ thế bà lang thang khắp nơi, vừa xin ăn vừa đi tìm cái gì không ai biết, tối đâu ngủ đấy, ai cho gì bà ăn nấy. Ngày này qua tháng khác như vậy, cho đến khi bà tìm vào gõ cửa gia đình hiện tại đang cưu mang bà. Cảm thương tuổi già còn lang thang không nơi nương tựa, gia đình này đã quyết định xem bà như người thân trong nhà.

Loan Nguyễn
theo Người đưa tin

Từ khóa: