Các lỗi này teen thường hay mắc phải nhất. Hãy tham khảo những giải pháp khả thi bên dưới nhé!
Các lỗi này teen thường hay mắc phải nhất. Hãy tham khảo những giải pháp khả thi bên dưới nhé!
Tiền “biến mất” chỉ vì hàng sale off
Không chỉ việc shopping ở những nơi sang trọng, toàn hàng hiệu mới khiến bạn rơi vào hoàn cảnh này. Những khoản chi tiêu vô thưởng vô phạt như: cái áo giảm giá còn 60k ở một cửa hàng quen, vài cây bút chì “mua 2 tặng 1”… mới là những kẻ tàn phá túi tiền thực sự.
Giải pháp: Bản cần phải hiểu rõ mình về mặt tài chính. Dành 5 phút mỗi tối để liệt kê ra những khoản chi tiêu trong ngày. Bạn có thể dùng một quyển sổ để liệt kê ra những thứ thực sự cần chi tiêu, giữ lại các hóa đơn mua hàng hoặc cài một phần mềm quản lý chi tiêu trên máy vi tính/dế yêu. Những cách này sẽ giúp bạn hiểu rõ được cách chi tiêu của mình đang trong tình trạng nào.
Ảnh minh hoạ
Ngân sách “yêu thương” vượt tầm kiểm soát
Thật khó khăn khi việc chi tiêu có liên quan đến những người yêu quý như gia đình, bạn bè, người yêu. Dù chỉ là một chiếc bánh kem cho cả nhà hay một đôi giày mới cho người yêu… nhưng nếu bạn chi tiêu cho các khoản này một cách vô tội vạ, thì sẽ có lúc bạn hốt hoảng nhận ra những khoản “tình phí” này có thể nhiều không tưởng.
Giải pháp: Thay vì khẳng định yêu thương qua vật chất một cách tùy tiện, bạn hãy bảo vệ ngân sách của mình bằng cách đặt ra một khoản nhất định vào mỗi tháng để mua quà cho những người thân yêu. Nếu tháng này bạn vẫn còn dư thì hãy cộng vào tháng sau để có thể mua được nhiều hơn hoặc một thứ có giá trị hơn. Nên nhớ rằng, người thân yêu của bạn cũng không muốn bạn phung phí tiền bạc, càng không muốn trở thành nguyên nhân gây ra những ngày “sạch túi” của bạn sau đó.
Có một khoản tiền bất ngờ thì phải tiêu ngay
Bạn vừa nhận được một khoản tiền thưởng từ một cuộc thi, hay người họ hàng xa vừa tặng bạn “phong bì” thay vì mua quà vào dịp sinh nhật… thì thật khó mà không xem đó là vận may bất ngờ để shopping thỏa thích. Mua sắm có thể rất vui, nhưng đó không phải là cách tốt nhất để bạn sử dụng số tiền “bỗng dưng có thêm” này một cách thoải mái. Bạn đâu thể bảo đảm rằng tuần sau bạn vẫn “rủng rỉnh” tiền hay lại nhẹ ví?!
Giải pháp: Bạn nên dành 10% của “khoản bất ngờ” cho một điều gì đó thú vị và vui vui. Tiếp theo, bạn hãy nghĩ xem khoản tiền đó sẽ được sử dụng như thế nào để đem lại nhiều lợi ích nhất. Những vấn đề nho nhỏ nhưng cần được đặt lên hàng đầu như: một cái răng đau cần đi nha sĩ hay cái máy vi tính đã quá cũ và cần được nâng cấp… Điều này sẽ khiến bạn tránh được cái khoản chi “khủng” về sau, khi những cái nhỏ ngày nào trở thành vấn đề lớn.
Khắc phục được những lỗi này thì bạn đang trên đường trở thành một nhà chi tiêu thông minh rồi đấy.
Quỳnh Anh