Chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm và cảnh hôi của quá đáng ông Tuy day dứt và loé lên ý tưởng phải làm cái gì đó để giúp người bị nạn và bảo vệ tài sản cho họ. Nghĩ sao làm vậy, ông đã làm công việc này từ đó đến nay tính ra đã hơn 30 năm.
Chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm và cảnh hôi của quá đáng ông Tuy day dứt và loé lên ý tưởng phải làm cái gì đó để giúp người bị nạn và bảo vệ tài sản cho họ. Nghĩ sao làm vậy, ông đã làm công việc này từ đó đến nay tính ra đã hơn 30 năm.
Hàng chục năm qua, người dân sống ven quốc lộ 5, thuộc địa phận huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã quá quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông luôn có mặt kịp thời tại các điểm xảy ra tai nạn để cứu người. Công việc của ông là sơ cứu, băng bó vết thương, sau đó chuyển người gặp tai nạn đến bệnh viện và bảo vệ tài sản cho họ.
"Ông lão S.O.S"
Khi biết chúng tôi hỏi đường về nhà ông Nguyễn Ngọc Tuy (người đã hơn 30 năm làm công việc sơ cứu người bệnh mỗi khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông) một anh xe ôm nhiệt tình dẫn đường: "Các anh cứ đi theo tôi. Nhà ông Tuy ở ngay ga Phạm Xá thôi. Mà tôi thấy phục ông ấy thật đấy. Chẳng hiểu vì điều gì mà mấy chục năm nay, ông này lại làm cái công việc rỗi hơi, cấp cứu người bị nạn mà không đòi hỏi công sá gì. Nhờ có ông ấy mà khối người thoát chết đấy. Chẳng thế mà có rất nhiều người gọi ông ấy bằng cái tên: ông "S.O.S".
Ngôi nhà gia đình ông Tuy đang sinh sống nằm bên cạnh quốc lộ 5 (QL5), trông khá đơn sơ và chật hẹp. Gian phòng khách chỉ đủ kê một chiếc tủ thờ cộng với chiếc bàn uống nước. Khi chúng tôi đến cũng là lúc ông đang chuẩn bị hành lý, bỏ bông băng vào chiếc túi xách nhỏ để mang đi sơ cứu tai nạn khi cần. Mái tóc của người đàn ông gần 60 tuổi này đã bị bạc gần hết, nhưng đôi mắt vẫn rất sáng và tinh nhanh.
Vừa sắp xếp đồ nghề, ông Tuy hồi tưởng: Năm 1984, vợ chồng ông chuyển ra sinh sống cạnh QL5, mở quán bán nước mưu sinh. Thời điểm đó, Km 67, nơi ông sinh sống được coi là điểm đen về TNGT trên trục đường QL5. Ngồi quán bán nước, ông được chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nguy hiểm như vụ xe ô tô chở cát đâm chiếc xe máy.
Ông Tuy nhanh chóng đến cấp cứu một người bị tai nạn giao thông lúc nửa đêm.
Nhấp chén nước chè trên môi, ông Tuy vui vẻ cho biết: "Khi tôi mới làm công việc này, có nhiều người cho tôi là kẻ rỗi hơi đi làm những việc chẳng liên quan gì tới mình. Hay đại loại như thằng cha đó đúng là khùng, là thằng ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Nhưng tôi lại có suy nghĩ khác, thấy người lúc lâm nạn mà không cứu thì không phải với lương tâm mình. Mình cần tạo phúc đức để cho con cháu sau này chứ".
Bà Bùi Thị Mát (vợ ông Tuy) lúc đầu thấy chồng mình làm chuyện lạ lùng này thì cũng có ý ngăn cản. Nhưng khi được ông thuyết phục, giãi bày tấm lòng thì bà không những động viên chồng mà còn cùng ông tham gia cấp cứu nhiều ca tai nạn, dù là lúc nửa đêm. Thời đó, bà đã đem bán hơn 2 tạ thóc giúp ông có tiền mua sắm dụng cụ như đèn pin, kim tiêm, băng gạc. Từ đó, ông Tuy cứ âm thầm cứu người bị nạn mà không cần công sá hay bất kì lời cám ơn. Có một số người ác khẩu thì tiếng to tiếng nhỏ, bàn ra tán vào rằng: "Cái nhà ông này đang làm việc kiểu thả con săn sắt để bắt con cá rô, cứu giúp người để người ta mang ơn rồi trả ơn bằng một cục tiền đấy". Nhưng ông Tuy không để bụng, bởi lương tâm ông thanh thản mỗi khi cứu giúp người.
Sau lần ông được cô con gái sắm cho chiếc điện thoại, từ đó đến nay, số điện thoại của ông được rất nhiều người nhớ và gọi mỗi khi có vụ tai nạn xảy ra. Dù bận nhưng nghe tin có người bị tai nạn là ông bỏ việc lấy vội đồ nghề đến ngay. Lâu rồi thành quen, một số người dân đã làm giúp ông tấm biển đỏ: "Chốt sơ cấp cứu Hội Chữ thập đỏ" để người đi đường thuận tiện biết khi gặp nạn. Đến năm 1999, ông được Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Kim Thành và tỉnh Hải Dương chính thức đặt nhà ông là điểm sơ cấp cứu người bị nạn rồi cử đi tập huấn các lớp sơ cấp cứu. Chính ông cũng là người đã đưa kiến nghị với chính quyền địa phương cho thành lập Đội thanh niên tự quản, bảo vệ tài sản cho người dân.
Tấm lòng cao cả
Hơn 30 năm làm việc cứu giúp người nhưng ông chưa bao giờ đòi hỏi hay muốn người khác phải trả công. Những việc làm từ trước tới giờ đều xuất phát từ tấm lòng, từ sự tận tâm với mong muốn người bị nạn vơi đi nỗi đau.
Năm 2006, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương có dự án nâng cao năng lực sơ cấp cứu tại QL5. Lần đó, ông Tuy được hội CTĐ cho một túi bông băng và một chiếc tủ để đựng các dụng cụ cấp cứu khác. Từ đó, mỗi khi có chuyện ra khỏi nhà ông lại đem theo bên người chiếc túi đó. Chiếc túi sơ cứu đã trở thành vật bất li thân của ông từ lâu không hay. Sau mỗi lần cấp cứu người bị nạn, ông Tuy lại ghi chép vào một quyển sổ theo dõi. Danh sách những người bị nạn mà ông cứu giúp đã phải ghi tên sang quyển sổ thứ 3. Riêng trong năm 2010, số ca mà ông cấp cứu người bị nạn là 45 vụ. Ông cũng là nhân vật luôn được Hội CTĐ mời đi Hà Nội để báo cáo về tình hình giao thông địa phương.
Nói về công việc không công của mình, ông Tuy nhớ nhất trường hợp của anh Đào Hồng Phúc, ở TP. Hải Dương. Khi đó năm 2002, anh này bị tai nạn rồi hôn mê tại chỗ, đứt đến 2/3 lưỡi, dập xương bánh chè. Rất may ông đến kịp và giành được sự sống cho anh Phúc từ lưỡi hái tử thần. Khi anh Phúc tỉnh dậy, ông đã bàn giao đầy đủ số tiền 800USD và một số tài sản có giá trị khác cho anh rồi từ biệt. Bẵng đi, 3 năm sau anh Phúc tìm đến nhà để trả ơn ông nhưng ông đã từ chối và khuyên anh nên ủng hộ cho các trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, mồ côi, người nghèo khó.
Tương tự trường hợp anh Phúc đó là anh Nguyễn Văn Hoàng, trú tại thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang (người gặp chúng tôi tại nhà ông Tuy) tâm sự: "Tết năm 2011 vừa rồi, tôi đi chúc tết, do uống vài chén rượu nên đi đường bất cẩn va vào xe tải rồi ngã nhoài xuống đường, lúc ấy xe tải cũng bỏ chạy luôn. Đang lúc bị thương, người đau ê ẩm chẳng biết nhờ ai thì có bác Tuy đến băng bó và đưa về nhà nghỉ ngơi khiến tôi ngạc nhiên và có chút nghi ngờ. Mãi sau biết tấm lòng của bác, gia đình tôi biếu bác ít quà thì bác cương quyết không nhận, tấm lòng của bác chắc cả đời này tôi không trả hết".
Hành trang hàng ngày đi làm công việc vác tù và của ông.
Vì không muốn chứng kiến cảnh có nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra nên hàng ngày ông Tuy thường dậy sớm đi ven các tuyến đường quốc lộ để đưa người già và trẻ nhỏ sang đường. Bởi lẽ ga Phạm Xá nằm sát cạnh trường học nên mỗi khi tan trường, cảnh học sinh nhốn nháo qua đường rất dễ xảy ra tai nạn. Vì thế ông tự nguyện dẫn trẻ nhỏ qua đường và giải thích cho các cháu biết về luật lệ giao thông. Có lẽ vậy, đã nhiều năm nay, người dân sống ở gần ga Phạm Xá đã quá quen với hình ảnh ông Tuy dang rộng hai tay, hò hét cảnh báo để đưa học sinh qua đường Quốc lộ 5.
Năm 2006, ông Nguyễn Ngọc Tuy còn mở một xưởng dạy nghề và tạo việc làm cho trẻ khuyết tật, trong đó có 16 em là bị khuyết tật như câm, điếc, dị tật về chân tay. Điều đặc biệt, nhờ sự quan tâm, sát sao nên mỗi em có những khiếm khuyết riêng đều được ông xếp cho vào làm ở những công đoạn phù hợp với khả năng của mình. Không những thế, ở địa phương ông còn là một công an viên xuất sắc, luôn làm tròn nhiệm vụ của mình. ông đã 5 năm liền được nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua. Năm 2006, ông Nguyễn Ngọc Tuy được nhận giải thưởng KOVA, giải thưởng “Những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội” do nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Thị Mỹ Hoa trao tặng.
Chia tay ông, chúng tôi thầm khâm phục con người ông đã hết mình vì cộng đồng, sẵn sàng với công việc cứu người dưng gặp nạn. Và trên hết, với người dân Hải Dương, cái họ ghi nhận ở ông không phải chỉ là những tấm bằng khen mà là cả tấm lòng đức độ.
Hoàng Văn
Theo Người đưa tin