Sự kiện hot
11 năm trước

30 năm tù giam cho chấp hành viên lạm quyền

Là chấp hành viên Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện Ninh Giang, Nguyễn Văn Hùng đã nhận 405 triệu đồng của người bị thi hành án để chơi lô, đề.

Là chấp hành viên Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện Ninh Giang, Nguyễn Văn Hùng đã nhận 405 triệu đồng của người bị thi hành án để chơi lô, đề. Xét hành vi của chấp hành viên này là đặc biệt nguy hiểm, gây thiệt hại rất nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và công dân, HĐXX đã tuyên phạt Hùng 30 năm tù giam.


Vợ chồng ông Lân tại phiên tòa. Ảnh:  Hà Châu

“Ăn bẩn”

Sáng 20/6, TAND tỉnh Hải Dương đã mở phiên toà sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Hùng (SN 1976, nguyên chấp hành viên THA dân sự huyện Ninh Giang) về hai tội danh “tham ô tài sản” và “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Được dẫn giải vào phòng xét xử, thái độ của Hùng vẫn vui vẻ, vẫy tay chào những đồng nghiệp cũ tại Chi cục THA huyện Ninh Giang. Trong khi đó, chị Hoàng Thị Linh (vợ Hùng) hai mắt đỏ hoe, tranh thủ thời gian trước và sau phiên xử đã lại gần động viên chồng. Từ ngày Hùng bị bắt tạm giam, để tránh dư luận chị Linh đã phải cùng các con rời huyện Ninh Giang về huyện Gia Lộc (Hải Dương) sinh sống.

Sau khi Báo GĐ&XH đăng tải loạt bài điều tra về những sai phạm của chấp hành viên Nguyễn Văn Hùng trong việc kê biên, nhận tiền của ông Lân, Chi cục Thi hành án tỉnh Hải Dương cũng vào cuộc và có Công văn số 1199/BC-CTHA gửi tòa soạn khẳng định những nội dung đăng tải liên quan đến sai phạm của ông Hùng là chính xác. Tiếp đó, ngày 26/10/2012, Cơ quan điều tra (VKSND Tối cao) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Hùng về 2 hành vi “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Theo bản cáo trạng số 14, ngày 9/5/2013 của VKSND Tối cao, lợi dụng nhiệm vụ được giao, Hùng đã ra quyết định kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn với đất của ông Bùi Văn Lân (63 tuổi, trú quán xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang) để bán đấu giá. Trước khi tổ chức bán đấu giá, Hùng gặp ông Lân và gợi ý nếu muốn mua lại tài sản đã kê biên thì Hùng sẽ giúp đỡ. Tin tưởng, ông Lân đưa 405 triệu đồng cho chấp hành viên này với mong muốn được mua lại ngôi nhà của mình. Tuy nhiên, trong cuộc bán đấu giá này, kết quả là ông Trịnh Xuân Tiềm (trú tại xã Hồng Thái, huyện Ninh Giang) là người mua được chứ không phải là ông Lân.

Ngoài ra, lợi dụng việc kiêm nhiệm thủ quỹ của cơ quan, Hùng còn chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng của Chi cục THA huyện Ninh Giang. Theo đó, sau khi thanh lý hợp đồng bán đấu giá tài sản bị kê biên, Trung tâm bán đấu giá tỉnh Hải Dương đã chuyển toàn bộ số tiền 400 triệu đồng (tròn số) vào tài khoản tạm gửi của Chi cục THA huyện Ninh Giang. Do còn một số khúc mắc chưa được giải quyết nên Chi cục này đã có công văn đề nghị rút số tiền trên để gửi vào tài khoản tiết kiệm của Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Ninh Giang đứng tên Nguyễn Văn Hùng. Lợi dụng sổ tiết kiệm mang tên mình, Hùng đã tự ý làm thủ tục rút toàn bộ 400 triệu đồng để chi tiêu cá nhân.

Được triệu tập đến toà với tư cách là người bị hại, ông Bùi Văn Lân và bà Vũ Thị Chè (SN 1952, vợ ông Lân) đã vội bắt xe khách từ TP Biên Hoà (Đồng Nai) ra Hải Dương. Theo ông Lân, do hoàn cảnh khó khăn, cả gia đình ông đã chuyển vào Nam sinh sống nhiều năm qua, ở quê chỉ còn một mảnh đất nhỏ để thờ cúng tổ tiên. Chính vì vậy, khi biết tin ngôi nhà có nguy cơ bị kê biên, ông đã vội trở lại quê nhà, vay mượn họ hàng, người thân để nộp cho Hùng, hy vọng được mua lại chính ngôi nhà của mình.

Đánh đổi cả tương lai vì lô, đề

Khai trước toà, bà Vũ Thị Chè cho biết, đến thời điểm hiện tại, Hùng vẫn chưa trả cho gia đình dù chỉ một đồng. “Gần 3 năm qua, vì vụ án này mà gia đình tôi phải bỏ công ăn, việc làm để ngược, xuôi ra Bắc vào Nam hàng chục lần. Vì muốn chuộc lại chính ngôi nhà của mình nên hiện giờ gia đình tôi đang phải mang một món nợ khổng lồ chẳng biết đến bao giờ mới trả hết. Mong toà yêu cầu bị cáo phải có trách nhiệm sớm khắc phục hậu quả đã gây ra đối với gia đình chúng tôi”, bà Chè bức xúc.


Bị cáo Hùng nghe tòa tuyên án.

Không hề quanh co trước tòa, bị cáo Hùng đã thành khẩn, khai báo hành vi phạm tội của mình và chỉ mong muốn toà xem xét để giảm trách nhiệm hình sự. Bị cáo cho rằng, cũng chỉ vì ham mê lô, đề nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của gia đình ông Lân và của cơ quan. Sau khi nướng hết tiền vào tệ nạn lô, đề, Hùng đã không còn khả năng trả nợ. “Cáo trạng truy tố là hoàn toàn chính xác, đúng người, đúng tội, bị cáo không có gì phải bào chữa cho hành vi của mình. Bị cáo xin lỗi người bị hại, xin lỗi lãnh đạo Chi cục THA huyện Ninh Giang cho bị cáo có cơ hội chuộc lại lỗi lầm của mình. Hiện hoàn cảnh gia đình bị cáo rất khó khăn, mẹ già, con nhỏ, vợ không có công ăn việc làm ổn định, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm trở lại cộng đồng để đi làm kiếm tiền nhằm khắc phục hậu quả cho người bị hại”, bị cáo Hùng nói.

“Cảm ơn sự vào cuộc kịp thời của quý cơ quan, nhờ những bài viết được đăng tải trên Báo GĐ&XH, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc, bắt tạm giam Nguyễn Văn Hùng để điều tra, xử lý những sai phạm của chấp hành viên này. Hiện tại, ngôi nhà bị kê biên để bán cho người khác đã được cơ quan thi hành án tạm trả lại cho gia đình tôi”. Ông Bùi Văn Lân

Có thể thấy, hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Hùng có một phần trách nhiệm của cá nhân ông Bùi Ngọc Ảnh- Chi cục trưởng Chi cục THA huyện Ninh Giang trong việc buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát tài sản của Nhà nước trong đơn vị mình. Rõ ràng, nếu không có sự thiếu cảnh giác của ông Ảnh thì Hùng không dễ dàng phạm tội đến như vậy. Hành vi của ông Ảnh có dấu hiệu của tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng không bị xử lý là một thiếu sót, bỏ lọt tội phạm. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của Cục điều tra (VKSND Tối cao). Theo nhận định của Cục điều tra tại Bản kết luận số 08/VKSTC-C6 (P1), ngày 22/4/2013: “Ông Ảnh đã thiếu kiểm tra, đôn đốc việc THA của Chấp hành viên Nguyễn Văn Hùng; đã sơ hở trong việc để Hùng đứng tên cá nhân gửi tiền tiết kiệm. Do vậy, Hùng đã rút hết tiền thi hành án của đương sự mà ông Ảnh không biết. Hành vi của ông Ảnh có dấu hiệu của tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 (Bộ luật Hình sự)...”.

Đánh giá về hành vi của ông Ảnh, toà án cho rằng, do thiếu kiểm tra nên ông Ảnh với tư cách là thủ trưởng đơn vị đã tạo sơ hở để Hùng chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và của người bị thi hành án. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, ông Ảnh đã tự nguyện nộp thay Hùng số tiền 400 triệu đồng mà bị cáo này đã chiếm đoạt để cơ quan THA chi trả cho các đương sự nhằm khắc phục hậu quả. Ông Ảnh là cán bộ có nhiều cống hiến cho ngành THA, được Cấp uỷ địa phương và cơ quan chủ quản đánh giá tốt và đề nghị cơ quan pháp luật không xử lý về hình sự.

Sau khi xem xét toàn diện các chứng cứ có trong hồ sơ, lời khai của bị cáo, người bị hại tại phiên toà, HĐXX nhận định: “Hành vi phạm tội của Hùng đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan tư pháp, gây thiệt hại rất nghiêm trọng đến tài sản của cơ quan Nhà nước và của công dân, ảnh hưởng đến công tác THA dân sự của tỉnh Hải Dương nên cần phải phạt bị cáo một mức án nghiêm khắc để đủ tính răn đe, giáo dục”. Từ nhận định trên, HĐXX phiên sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hùng 13 năm tù về tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; 17 năm tù về tội “tham ô tài sản”. Tổng hợp hình phạt là 30 năm tù giam, bị cáo có trách nhiệm bồi thường 800 triệu đồng (tròn số) đã chiếm đoạt của các nạn nhân liên quan.

 Hà Châu - Nguyễn Khánh
theo GĐ&XH

Từ khóa: