Sự kiện hot
12 năm trước

32 năm trốn trại của kẻ giết vợ rồi tự sát bất thành

Bị tòa kết án 12 năm tù về tội giết người nhưng mới chỉ thụ án được 15 ngày, Hồng trốn vào miền Nam lấy vợ sinh con, tạo dựng cơ nghiệp. Sau 32 năm, anh ta bị bắt trở lại trước sự ngỡ ngàng của người thân, làng xóm.

Bị tòa kết án 12 năm tù về tội giết người nhưng mới chỉ thụ án được 15 ngày, Hồng trốn vào miền Nam lấy vợ sinh con, tạo dựng cơ nghiệp. Sau 32 năm, anh ta bị bắt trở lại trước sự ngỡ ngàng của người thân, làng xóm.

Kế hoạch giết vợ rồi tự sát bất thành

Trong chuyến công tác mới đây tại trại giam Đồng Sơn, thuộc Tổng cục VIII Bộ Công an, đóng tại TP. Đồng Hới (Quảng Bình), chúng tôi có dịp được tiếp xúc với phạm nhân Nguyễn Văn Hồng (SN 1954) – kẻ từng bị xử 12 năm tù về tội giết người nhưng sau đó bỏ trốn, 32 năm sau mới bị bắt trở lại. Ngày đó Hồng nhẫn tâm vạch kế hoạch giết vợ rồi tự sát nhưng bất thành, giờ đây khi lật lại vụ án, nhiều người vẫn còn thấy kinh sợ.

Quay ngược thời gian trở lại 34 năm trước, thời điểm xảy ra vụ án gây chấn động vùng quê Quảng Trạch (tỉnh Bình Trị Thiên năm xưa), hôm đó vào khoảng 13h chiều ngày 18/12/1978, công nhân trong khu tập thể của công ty xây dựng Quảng Trạch bỗng nghe thấy tiếng kêu thất thanh phát ra từ phòng của chị Trần Thị Liên (SN 1954, lúc đó 24 tuổi) là cán bộ của công ty.

Mọi người vội vàng chạy sang thì phát hiện chị Liên nằm trên giường, người bê bết máu, có nhiều vết chém nham nhở, đang trong tình trạng hấp hối. Bên cạnh chị là Nguyễn Văn Hồng, chồng của nạn nhân, cũng bị một vết đâm ở vùng cổ. Ngay lập tức cả hai người được đưa đi bệnh viện huyện Quảng Trạch cấp cứu, đồng thời sự việc cũng được trình báo lên cơ quan chức năng.


Nguyễn Văn Hồng đang thụ án tại trại giam Đồng Sơn, TP. Đồng Hới, Quảng Bình

Nhờ được đưa đi cấp cứu kịp thời nên cả chị Liên và Hồng may mắn sống sót sau một tháng điều trị, nhưng cái thai trong bụng thì không cứu được. Còn về vụ án, sau khi có mặt tại hiện trường, qua khám nghiệm, thu thập chứng cứ, bước đầu cơ quan Công an huyện Quảng Trạch xác định hung trong vụ án này chính là Hồng. Cụ thể là anh ta dùng dao chém vợ trước rồi dùng dao tự sát nhưng bất thành.

Ra viện, cả Hồng Và Liên được triệu tập để lấy lời khai phục vụ cho việc xác định hung thủ gây án. Theo đó chị Liên và Hồng cùng công tác ở công ty xây dựng Quảng Trạch, Hồng phụ trách chạy vật tư, còn chị Liên làm ở bộ phận tài chính.

Đầu năm 1978, sau một thời gian yêu nhau, hai người đã đi đến kết hôn. Do công việc hay phải đi công tác xa nên Hồng thường xuyên vắng nhà rồi bồ bịch, trai gái.

Rồi sự việc cũng đến tai chị Liên khi cả công ty đồn ầm lên. Tuy nhiên, thay vì giải thích, thanh minh với vợ thì Hồng lại quay ra nói nặng lời, thậm chí còn thách thức. Không hài lòng với cách cư xử của chồng, chị Liên tìm cách khuyên nhủ thì bị Hồng đánh đập, đối xử thậm tệ.

Sáng ngày 18/12/1978, khi đó chị Liên đang mang thai được 4 tháng nên khi làm việc hay bị mệt mỏi, do đó chị xin về phòng nằm nghỉ. Một lúc sau, Hồng cũng đi làm về thì thấy chị Liên nằm trên giường khóc, Hồng liền hỏi lý do. Cũng vì ấm ức với chồng nên chị Liên có những lời lẽ trách móc rằng chồng không quan tâm vợ, đi bồ bịch để công ty đồn ầm cả lên.

Hồng bực mình quát tháo vợ rồi đập phá đồ đạc trong nhà, lấy dao chém cả lợn trong chuồng. Thấy anh ta hung hãn, mọi người trong khu tập thể chạy sang can ngăn đồng thời đưa chị Liên đi lánh nạn. Sau đó Hồng bỏ đi đâu không rõ.

Khoảng 1h chiều cùng ngày, Hồng quay trở về, khi đi qua đại lý ở gần khu tập thể, Hồng vào mua 1 đồng tiền rượu, uống xong, Hồng lững thững về nhà. Bước vào, Hồng thấy chị Liên nằm trên giường liền đóng cửa tiếp tục thách thức chị có muốn chết thì cả hai cùng chết.

Tưởng chồng tức giận nên mới nói vậy, ai ngờ sau một lúc nói chuyện anh ta bất ngờ đẩy mạnh vợ ngã ra giường rồi lấy con dao chém liên tiếp vào mặt, người chị Liên. Gượng chút sức tàn chị Liên lao ra đến bếp kêu cứu thì ngã gục xuống đất bất tỉnh, sau đó Hồng cũng dùng dao tự đâm vào cổ mình để tự sát.

Hồng khai rằng, anh ta cảm thấy bị vợ sỉ nhục khi nghe người ngoài đồn thổi chuyện lung tung rồi về nặng lời với chồng nên tìm cách giết vợ rồi tự sát. Nguyễn Văn Hồng sau đó bị truy tố về tội “cố ý giết người”. Ngày 30/6/1979, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên đã xử phạt Hồng 12 năm tù về tội trạng trên, theo qui định tại điểm a Điều 5 Sắc luật 03/SL, năm 1976.

Hành trình trốn trại, lấy vợ sinh con của tên tù suýt giết chết vợ

Sau khi tòa tuyên án, Nguyễn Văn Hồng đưa về cải tạo tại trại giam Đồng Sơn ở đội sản xuất gạch. Thế nhưng, mới được 15 ngày, gã tội phạm này đã bỏ trốn trong một lần đi lao động.

Vượt qua hàng rào thép gai của trại giam, Hồng lập tức chạy lên rừng lẩn trốn, đêm xuống Hồng mò về quê lấy đồ nhảy tàu vào miền nam bắt đầu chuyến hành trình trốn khỏi nơi tù tội. Trên đường đi, Hồng nghĩ ra cho mình một cái tên giả là Nguyễn Trường Lâm, sinh ngày 4/4/1944, còn quê quán thì chọn quê của một người bạn bộ đội trước đây ở xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ Tĩnh lúc đó) làm nơi sinh ra cho mình.

Với cái vỏ bọc về nhân thân, quê quán tự tạo ra, sau khi đáp tàu vào đến Sài Gòn, sợ bị công an phát lệnh truy nã toàn quốc, Hồng lập tức đến các bốt bưu điện, địa điểm bán báo để dò la xem có hình ảnh, thông báo truy nã của mình không. Không thấy động tĩnh gì, Hồng tiếp tục bắt xe xuống Đồng Nai xin vào làm công nhân tại nông trường cao su Xà Bang, huyện Châu Thành (Đồng Nai).


Lệnh truy nã Nguyễn Văn Hồng được phát đi sau khi giết vợ bị vào trại rồi bỏ trốn.
Ảnh Internet

Làm ở đây một thời gian, Hồng tỏ ra là người đào hoa, anh ta nhanh chóng chiếm lĩnh được tình cảm của một người phụ nữ hơn mình 5 tuổi. Hai người chung sống với nhau và người đàn bà kia có thai sau đó không lâu. Lúc này, cả hai cũng không cưới xin gì mà chỉ mua bánh kẹo về liên hoan và thông báo với mọi người là chính thức trở thành vợ chồng của nhau.

Năm 1980, đứa con gái đầu lòng của Hồng và người đàn bà kia ra đời. Thấy cuộc sống công nhân thu nhập thấp, khó khăn trăm bề, Hồng bàn với vợ xin nghỉ để ra ngoài khai hoang đất làm rẫy riêng. Được sự chấp nhận của ban giám đốc, công nhân Nguyễn Trường Lâm cầm tờ giấy xác nhận có dấu đỏ chót điềm nhiên đi đăng ký hộ khẩu tạm trú tạm vắng tại Tân Xuân, Xuân Bảo, Xuân Lộc (Đồng Nai).

Rồi lần lượt Hồng làm chứng minh thư nhân dân, xin phép chính quyền cho khai phá đất hoang tại địa phương, tất cả mọi việc đều suôn sẻ tốt đẹp. Hồng như mở cờ trong bụng vì từ đây cái tên giả của mình đã chính thức có giá trị pháp lý.

Những năm tiếp theo, Hồng khai hoang phục hóa, gây dựng cơ ngơi cùng người vợ mới sinh thêm được hai đứa con trai vào năm 1984 và 1986. Các con của Hồng đều được khai sinh với đầy đủ quê quán rõ ràng mà không hề bị cơ quan chức năng nghi hoặc, phát hiện. Không những thế anh ta còn viết thư gửi về quê hỏi thăm người thân bằng cách để địa chỉ người gửi là một ông anh ngoài Hà Nội.

Hồng tỏ ra ma mãnh khi nghĩ rằng nếu ở mãi một chỗ sẽ dễ bị phát hiện, nên năm 1994, Hồng bán rẫy ở Đồng Nai được 40 triệu đồng rồi dắt vợ con lên xã Trà Đa, TP. Pleiku đăng kí tạm trú lập nghiệp ở vùng đất mới. Tại đây, xác định có thể ẩn nấp được lâu dài, Hồng mới bắt đầu làm 2 gian nhà kiên cố để gia đình ở cho bớt khổ.

Sau 20 năm lẩn trốn khỏi trại giam, nghe ngóng thấy cơ quan công an không có động tĩnh gì, điều kiện kinh tế cũng đã ổn định, Hồng chắc mẩm mình đã trốn thoát nên đánh liều về quê thăm nhà. Tuy nhiên Hồng không cho vợ con đi theo mình, về nhà cũng không nói rõ địa chỉ mình đang ở đâu để đề phòng bất trắc.

Năm 1998, bố Hồng mất nên lại một lần nữa anh ta về thăm quê để chịu tang. Lần này do bị nhiều người hỏi địa chỉ, nơi làm ăn sinh sống nên Hồng miễn cưỡng phải nói cho người thân biết nhưng chỉ nói là ở phía sau bến xe khách Gia Lai. Riêng các con của Hồng khi đến lúc hết cấp 3 thì y nhất quyết không cho thi vào các trường cao đẳng, đại học để tránh việc xác định nhân thân cha mẹ.

Vợ con hay hàng xóm có hỏi lý do không cho con thi đại học thì Hồng tỏ thái độ bực tức nên không ai dám nhắc lại. Bên cạnh đó, nhằm tạo vỏ bọc hoàn hảo cho mình, Hồng còn nuôi tóc dài, để bạc trắng, chùm tai nhằm che những đặc điểm nhận dạng trên khuôn mặt và khớp với tuổi trong chứng minh thư nhân dân.

Tất cả những đề phòng đó cộng với việc thời kỳ này do tỉnh Bình Trị Thiên trước kia đã tách thành 3 tỉnh là: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, đang trong thời gian hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bàn giao quyền quản lý địa giới hành chính. Vì thế những tài liệu về vụ án trước đây của Hồng cũng bị thất lạc và chưa rõ cơ quan quản lý, cho nên Hồng mới dễ dàng lẩn trốn được như vậy.

Năm 2005, với cái tên giả của mình, Hồng bắt đầu sinh sống, làm việc công khai hơn, anh ta mở cửa hàng tạp hóa ngoài mặt đường để kinh doanh buôn bán, dựng vợ gả chồng cho các con, kết thân cả với Trưởng công an xã, được Công an TP.PleiKu cho quản lý đội xe ôm ở bến xe khách của tỉnh để đảm bảo an ninh trật tự.

Phạm Hòa
Theo Infonet

Từ khóa: