Có thể nói, năm 2011 là một năm “đại hạn” của ngành y tế với hàng loạt vụ việc “lình xình” liên tiếp xảy ra. 5 sự kiện dưới đây là những ví dụ tiêu biểu.
Có thể nói, năm 2011 là một năm “đại hạn” của ngành y tế với hàng loạt vụ việc “lình xình” liên tiếp xảy ra. 5 sự kiện dưới đây là những ví dụ tiêu biểu.
Dịch tay chân miệng lan rộng, bộ chủ quản vẫn “bình chân”
Nếu như trong hai năm 2009, 2010, bệnh tay chân miệng chỉ xuất hiện với khoảng 10.000 trẻ mắc/năm, thì đến năm 2011, dịch bắt đầu gia tăng mạnh và diễn biến phức tạp với 850 ca mắc một tuần vào cuối tháng 5, sau đó số ca trong một tuần tăng lên gần 3 lần trong tháng 7.
Dịch tay-chân-miệng lan rộng trong năm 2011
Và đến đầu tháng 8/2011, dịch bệnh đã lan ra 49 địa phương của cả nước với hơn 29.000 ca, 79 trẻ tử vong. Đỉnh điểm nhất của dịch bệnh là tháng 11 với hơn 90.000 ca mắc, 153 trường hợp tử vong. Số mắc, đặc biệt là số ca tử vong của ta cao hơn rất nhiều so với một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhiều trường học khắp ba miền đã phải đóng cửa để phòng dịch lan rộng.
Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia y tế đã lên tiếng đề nghị cơ quan chức năng cho công bố dịch. Lo sợ trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch tại địa phương, tỉnh Ninh Thuận đã phải công bố dịch. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, Bộ chủ quản vẫn im lặng, thậm chí cho rằng: Chưa đến lúc phải công bố dịch bởi dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát.
Bình luận về trạng thái này, một quan chức của Bộ này cho rằng, việc công bố dịch là cần thiết và để bảo vệ cho trẻ em, việc làm này cũng không hề phương hại đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước. Nhưng, ý kiến này cũng bị “bỏ ngoài tai”. Điều đó cho thấy, bộ chủ quản vẫn khá bình tĩnh trước dịch bệnh. Cũng may, dịch bệnh đã tạm thời lắng xuống, nếu không sẽ còn nhiều trẻ em nữa bị đe dọa về tính mạng...
Thầy thuốc bị “bạo hành” trắng trợn
Chưa bao giờ tình hình an ninh trong các bệnh viện lại bị đảo lộn như năm nay. Dư luận chưa hết xôn xao về vụ hai bác sỹ, điều dưỡng viên và nhân viên bảo vệ bị hành hung trọng thương tại Bệnh viện Bạch Mai, thì lại bàng hoàng khi hay tin hàng trăm người dân huyện Năm Căn, Cà Mau đã xô đổ cổng bệnh viện đa khoa khu vực, xông vào đập phá các khoa phòng bệnh viện và làm náo loạn nhà riêng bác sỹ, UBND huyện (tối 29/6).
Những người quá khích trên cho rằng, do thiếu trách nhiệm, bác sỹ và nhân viên y tế đã làm chết một bệnh nhân nữ trên địa bàn.
Tiễn đưa bác sĩ Phạm Đức Giàu - người bị sát hại tại Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư (Thái Bình) - về nơi an nghỉ cuối cùng
Không chỉ có vậy, cũng với lý do kể trên, đêm 15/8, một người nhà bệnh nhân đã đột nhập vào Bệnh viện đa khoa Vũ Thư, Thái Bình, đập phá, rồi cầm dao cướp cuộc đời của một bác sỹ sắp về hưu.
Trong trường hợp này, vị bác sỹ được chứng minh là không có lỗi. Còn hầu hết các vụ việc hành hung xảy ra tại cơ sở y tế xuất phát từ lầm lỗi, thái độ không đúng mực và sự tắc trách của bác sỹ và nhân viên y tế
Vụ bắt cóc trẻ em gây chấn động dư luận
Tối 3/11, lợi dụng sự sơ hở của lực lượng bảo vệ và nhân viên y tế, một nữ bệnh nhân đã cải trang nhân viên y tế vào phòng bệnh bắt cóc một bé trai sơ sinh mới được 3 ngày tuổi tại Bệnh viện Phụ sản TƯ.
Cháu bé bị bắt cóc tại Bệnh viện phụ sản trung ương được trả về cho mẹ.
Vụ việc đã gây chấn động rất lớn trong dư luận, bởi đây là lần đầu tiên trong cả nước xảy ra tình trạng trộm cắp trẻ sơ sinh trong bệnh viện. Với những nỗ lực và sự cố gắng không biết mệt mỏi, cơ quan chức năng đã vào cuộc và giải cứu được cháu bé và đưa về cho gia đình một cách an toàn chỉ sau 5 ngày cháu bị bắt cóc.
Vụ án kết thúc trong niềm vui mừng khôn xiết của gia đình cháu bé cũng như toàn thể lãnh đạo, nhân viên bệnh viện Phụ sản TƯ, nhưng một dấu hỏi lớn về sự an toàn cho bệnh nhân trong bệnh viện cũng đã đặt ra với những bệnh nhân khác.
Phòng khám đông y Trung Quốc tiếp tục “lộng hành”
Sau khi nhận được đơn thư phản ánh của rất nhiều người bệnh về tình trạng “chặt chém”, khám chữa bệnh không đúng chức năng, quảng cáo; không đảm bảo chất lượng..., tại một số phòng khám đông y Trung Quốc ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng đã ngay lập tức vào cuộc, tiến hành thanh kiểm tra đột xuất các phòng khám có người nước ngoài hoạt động trên địa bàn hai thành phố này.
Kết quả cho thấy, những phản ánh trên của người dân là hoàn toàn có cơ sở, thậm chí nhiều sai phạm khác của các cơ sở này cũng bị lật tẩy.
Các cơ quan chức năng kiểm tra một phòng khám đông y Trung Quốc
Cụ thể, tại Hà Nội, chỉ kiểm tra 13 cơ sở, cơ quan chức năng đã phát hiện tới 7 cơ sở vi phạm các quy định về hành nghề. Tiếp tục tái thanh, kiểm tra trong đợt cuối năm (tháng 11/2011), Thanh tra Sở Y tế vẫn tiếp tục phát hiện các sai phạm kể trên tại một số phòng khám đã bị “sờ gáy” lần trước. Sự việc này càng đủ cơ sở để chúng ra thêm một lần nữa khẳng định: “Càng thanh tra, càng ra sai phạm”…
“Nói không với phong bì” - phong bì vẫn “tung tăng”...
Nạn phong bì bệnh viện đã tồn tại từ rất lâu trong đời sống xã hội. Cùng với lạm phát và sự phát triển kinh tế, độ dày của chiếc phong bì cũng ngày càng dày thêm. Nhưng, không ai dám khẳng định sẽ chống được tệ nạn này.
Bởi vậy, sự kiện 5 bệnh viện lớn của cả nước (Bạch Mai, Phụ sản TƯ, Việt Đức; K và E) triển khai thực hiện thí điểm phong trào “Nói không với phong bì” (tháng 5/2011) đã khiến tất thảy người dân phải ngỡ ngàng.
Bao giờ ngành Y tế mới “nói không” được với “phong bì”?
Tuy nhiên, họ cũng rất hoài nghi về tính khả thi của “cuộc chiến” này. Để kiểm chứng lời hứa của 5 lãnh đạo cơ sở y tế nói trên, chúng tôi đã có cuộc khảo sát ở một số khoa, phòng của các cơ sở trên. Và, những gì chúng tôi chứng kiến đã cho thấy, công sức mà các nhà chức trách đã đưa ra chỉ hoài phí mà thôi.
Điểm xuyết một số vụ việc để thấy rằng, năm 2011 là một năm không mấy thuận lợi của ngành y tế. Điều đó cũng cho thấy, khâu quản lý của Bộ chủ quản còn khá nhiều lúng túng, các giải pháp mà ngành đưa ra giải quyết cũng chưa thật sự triệt để và quyết liệt. Và như vậy, nỗi lo của người dân nói chung và các nhân viên y tế, người bệnh nói riêng vẫn còn dài dài.
Lý Hồng Phong
Theo Pháp luật Việt Nam