Sự kiện hot
14 năm trước

50 bác sĩ “hợp sức” cứu bé mắc bệnh hiếm gặp

Lần đầu tiên tại bệnh viện Chợ Rẫy, một ca phẫu thuật phức tạp chưa từng có với sự “hợp sức” của 50 bác sĩ đã cứu sống bé gái 10 tuổi mắc phải chứng bệnh hiếm gặp loạn sản sợi xương hàm trên và liệt tiểu cầu kéo dài sinh ra kháng thể.

Lần đầu tiên tại bệnh viện Chợ Rẫy, một ca phẫu thuật phức tạp chưa từng có với sự “hợp sức” của 50 bác sĩ đã cứu sống bé gái 10 tuổi mắc phải chứng bệnh hiếm gặp loạn sản sợi xương hàm trên và liệt tiểu cầu kéo dài sinh ra kháng thể.

Bệnh nhi được may mắn cứu sống là cháu H.T.Q.T (SN 2001, ngụ tại quận Thủ Đức). Từ khi mới được 3 tháng tuổi, bé Q. đã bị xuất huyết tiêu hóa hai lần. Bên cạnh đó, bé thường xuyên bị chảy máu mũi và chân răng. Trong một kết quả xét nghiệm tại bệnh viện Nhi Đồng 1, bác sĩ phát hiện cháu mắc phải chứng bệnh liệt tiểu cầu.

Từ đó cháu đã phải liên tục truyền tiểu cầu để duy trì sự sống. Khi lên 5 tuổi, thấy bé Q. sốt cao chân răng chảy máu liên tục gia đình đưa cháu đến bệnh viện khám thì phát hiện khối u chân răng hàm trên bên phải. Kết quả kiểm tra tại bệnh viện Răng Hàm Mặt TƯ cho thấy khối u của cháu là u lành. Tuy nhiên khối u ấy ngày một lớn che hết phần mặt, vòm miệng, đường ăn và đường thở của cháu gần như bị bít lại.

BS Trần Minh Trường đến thăm thăm sức khỏe cháu Q.T.

Dù đã trải qua nhiều lần chẩn đoán nhưng do chứng bệnh liệt tiểu cầu sinh ra kháng thể tại Việt Nam chưa có thuốc điều trị nên các bác sĩ của bệnh viện Nhi Đồng 1 và bệnh viện Răng Hàm Mặt không thể tiến hành phẫu thuật cho bé. Khối u phát triển ngày một lớn khiến mắt phải của bé bị lồi ra, nếu không được phẫu thuật bệnh nhân sẽ tử vong, bệnh viện Nhi Đồng 1 đã chuyển cháu đến bệnh viện Chợ Rẫy.

Là bệnh viện điều trị cho người lớn nhưng ngày 5/1/2011 Chợ Rẫy phải “bất đắc dĩ” tiếp nhận trường hợp của bệnh nhi Q.T. Xác định đây là căn bệnh lạ chưa từng gặp nhưng không chịu đầu hàng, Ban giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy đứng đầu là BS Nguyễn Trường Sơn đã rốt ráo chỉ đạo các bác sĩ của bệnh viện khẩn trương tìm phương thuốc và biện pháp điều trị.

Sau một thời gian tìm hiểu trong Y văn thế giới, bác sĩ tại Chợ Rẫy ghi nhận đã có một số nước sử dụng thuốc Novoseven để điều trị kháng thể của bệnh liệt tiểu cầu ở bệnh nhân máu khó đông giúp cầm máu khi phẫu thuật, trong đó có Thái Lan từng điều trị thành công. Tuy nhiên, tại Việt Nam loại thuốc này không có hơn nữa giá thành quá đắt (26 triệu đồng/1 lọ thể tích 1,2mg) gia đình bệnh nhân không đủ sức để mua nổi một lọ.

Với phương châm “cứu người là trên hết”, sau khi trao đổi tiếp thu kinh nghiệm từ các bác sĩ của nước bạn, bệnh viện Chợ Rẫy đã xin một quota của Bộ Y tế khẩn trương nhập về 100 lọ Novoseven với giá 2,6 tỷ đồng phục vụ cho ca phẫu thuật của bệnh nhân Q.T.

Điều trị thành công cho Q.T đã mở ra một hướng mới cho nền Y học nước nhà.

Ngày 20/2, ca phẫu thuật phức tạp chưa từng có này phải cần đến 50 bác sĩ từ các bệnh viện Chợ Rẫy, Răng Hàm Mặt, Nhi Đồng “hợp sức”. BS Trần Minh Trường, Phó giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy làm phẫu thuật viên chính. Ê kíp phẫu thuật có nhiệm vụ mở khí quản, cắt bỏ xương hàm trên của 1/2 khuôn mặt bên phải cùng với khối u.

“Sự căng thẳng đẩy lên đến đỉnh điểm bởi chúng tôi chưa kịp xử lý thì máu đã tuôn xối xả từ vết mổ. Nếu máu tràn vào phổi, bệnh nhân có thể tử vong bất kỳ lúc nào. Mồ hôi ướt đẫm khuôn mặt BS Trường nhưng sau hơn 2 giờ khẩn trương phẫu, 50 bác sĩ chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ.” BS Thanh Thanh, bệnh viện Chợ Rẫy trực tiếp tham gia ca mổ hứng khởi kể lại.

Tổng lượng máu truyền là 14 đơn vị hồng cầu và khoảng 40 khối các chế phẩm từ máu cùng với 98 lọ thuốc đặc trị, tổng kinh phí cho ca mổ lên tới 2,6 tỷ đồng. Hiện bệnh nhi không còn chảy máu đã được rút ống nuôi ăn, sức khỏe dần ổn định. Sắp tới bệnh viện Răng Hàm Mặt sẽ tiến hành phẫu thuật chỉnh hình và làm răng giả cho bé Q.T.

Trong niềm vui lâng lâng BS Trần Minh Trường chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vì bệnh nhân được cứu sống. Nhưng ca mổ đã mang lại tin vui lớn lớn cho nền y học nước nhà, bởi chúng ta đã tìm ra một hướng mới để điều trị cho những bệnh nhân bị máu khó đông, những người gặp tai nạn có nguy cơ tử vong cần cầm máu gấp”.

Theo Gia đình & Xã hội

Từ khóa: