Không nơi đâu như quê tôi, củ sắn (khoai mì) lại được quý chuộng, nâng niu như vậy. Do đất đai bạc màu nên lúa gạo ít, khoai sắn thì nhiều. Vì thế, lũ trẻ chúng tôi đã sớm làm quen với cái ngọt bùi của hương vị sắn khoai.
Không nơi đâu như quê tôi, củ sắn (khoai mì) lại được quý chuộng, nâng niu như vậy. Do đất đai bạc màu nên lúa gạo ít, khoai sắn thì nhiều. Vì thế, lũ trẻ chúng tôi đã sớm làm quen với cái ngọt bùi của hương vị sắn khoai.
Ngày trước, nhà nào ở quê tôi ít nhiều cũng có vài thùng sắn lát phơi khô để dành cầm cự cho đến mùa giáp hạt. Ngoài sắn lát dùng để ghế cơm là thực phẩm phổ biến, các mẹ, các chị còn có những cách làm ra các món ăn từ sắn. Sắn tươi mới đào ngoài rẫy về thì dùng làm món ăn giữa buổi cho người nông dân. Không chỉ có thế, sắn còn được xay thành bột để làm bánh, nào là bánh ít sắn, bánh sắn hấp chấm mắm cái, bánh tráng sắn... Riêng bánh tráng sắn mà cuốn cá nục với rau muống thì khỏi phải chê. Tuy nhiên có một món chế biến từ sắn rất giản đơn nhưng đậm đà hương vị quê hương, đó là món sắn đập dập.
Sắn đập dập phải là loại sắn dẻo. Có nơi người ta hấp sắn chín, xong để nguội cho vào cối đá giã như giã gạo, cho đến khi sắn dập hết, rồi dùng tay vo tròn thành từng cục xếp vào đĩa chấm với muối đậu hoặc muối mè, ăn cực kỳ ngon. Nếu không thích giã bằng cối, có thể làm theo cách sau: cho sắn đã hấp chín vào lá chuối xanh, cuộn tròn lại, đặt lên thớt dùng chày giã ớt đập mạnh lên, đập đến khi sờ tay vào thấy sắn đã mềm nhuyễn thì mở lá chuối ra, sau đó loại bỏ tim sắn cho khỏi đắng và vo sắn đã được đập nhuyễn thành hình quả chuối.
Món sắn đập dập này, người lớn muốn ăn thì tự tay làm lấy, còn lũ trẻ thì ngồi chờ người lớn làm cho. Chính phút giây chờ đợi này, cái cảm giác thèm thuồng làm cho lũ trẻ chúng tôi thấy sao mà sắn ngon thế. Mùi vị sắn dẻo thơm bùi bùi, cảm giác ngọt thanh tiết ra từ lá chuối bị đập dập, vị béo của đậu phụng giã nhỏ hòa quyện với nhau tan nơi đầu lưỡi đi vào trong miệng rồi sao vẫn thấy phảng phất trên môi...
Hòa Nhơn
Theo Thanhnien