Có duyên ăn chay và đến với việc ăn chay như một lẽ tự nhiên, chị Phạm Loan luôn tìm đến niềm vui trong cuộc sống bằng việc tạo nên những món ăn chay thuần Việt vô cùng đẹp mắt và bổ dưỡng.
Chị Phạm Loan (tên mọi người thường gọi là Tâm An) quê ở Đắk Lắk, hiện đang sinh sống ở Hà Nội, vốn là người yêu thích nấu nướng. Chị Loan cho biết, gia đình chị có truyền thống ăn chay vài ngày trong tháng. Chị cũng được thưởng thức nhiều món chay rất ngon và thanh tịnh do các thành viên trong gia đình chế biến. Sau khi tìm hiểu về ăn chay và những tác dụng của việc ăn chay mang lại, chị Loan quyết định ăn chay trường và học cách nấu các món chay bằng thực phẩm lành sạch, thực phẩm có nguồn gốc chủ yếu thuần Việt.
Chị Loan chia sẻ: “Khi nhắc đến ăn chay nhiều người nghĩ, ăn chay là kham khổ, thiếu chất, nhưng thật ra nguồn thực vật mang lại dinh dưỡng đầy đủ cho cơ thể là vô tận. Nên nấu ăn chay nói khó thì sẽ có cái khó của nó, mà dễ cũng có cái dễ của nó. Nhưng nếu để nấu chay đúng cách và đầy đủ dinh dưỡng thì cần có sự am hiểu về thực phẩm cũng như hàm lượng dinh dưỡng và độ an toàn của thực phẩm mang lại. Mỗi bữa ăn phải phong phú, thay đổi món hằng ngày để không nhàm chán”.
Chị Phạm Loan tìm hiểu và quyết định ăn chay trường được 4 năm.
Theo kinh nghiệm của chị Loan, nấu ăn chay thường không tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên, để nấu chay tốt cho sức khỏe cần đảm bảo yếu tố dinh dưỡng, an toàn thực phẩm. Cần tránh những thực phẩm, gia vị không tốt như: đồ chay giả mặn, thực phẩm để lâu, mỳ chính, bột nêm, đường tinh luyện và các sản phẩm biến đổi gene…
Bên cạnh đó, người ăn chay cần nấu những món ăn giúp cơ thể đầy đủ dinh dưỡng, cần đa dạng các loại thực phẩm, lấy ngũ cốc làm chính, kết hợp các loại hạt như đỗ xanh, đỗ đỏ, đỗ đen… Bổ sung kết hợp các sản phẩm lên men, rau củ quả theo mùa.
Các món chay được chị Loan nấu từ nguyên liệu thuần VIệt.
Những món ăn thật ngon và bắt mắt.
Đối với chị Phạm Loan, chị không chọn cách sử dụng nhiều sản phẩm được nhập khẩu từ nước ngoài dù những thực phẩm ấy rất giàu dinh dưỡng. Chị chọn cách cố gắng khai thác những thực phẩm chay từ nguyên liệu địa phương, truyền thống giúp các món chay mang hương vị truyền thống Việt, dễ ăn và dễ hấp thụ hơn.
Theo chia sẻ của chị Phạm Loan: “Đối với các bạn trẻ ở thành phố có thể dễ dàng mua được các loại thực phẩm từ nước ngoài, nhưng hiện nay ăn chay đang phát triển cả ở các vùng xa, vùng nông thôn. Mình muốn tìm hiểu và chế biến các món chay với hi vọng cách nấu của mình sẽ tiếp cận được với cả những người không đủ điều kiện để mua các thực phẩm nhập ngoại. Chỉ cần từ những nguyên liệu địa phương, mà vẫn đầy đủ dinh dưỡng”.
Ăn chay trường được 4 năm, khi ăn chay chị Phạm Loan cảm nhận rất rõ sức khỏe của mình tốt hơn, năng lượng tích cực hơn và cũng gặp nhiều may mắn hơn. “Vì truyền thống gia đình có am hiểu về ăn chay nên mình được gia đình ủng hộ, ba mẹ và gia đình có ăn chay một số ngày trong tháng. Khi mình về thăm nhà thường nấu các món chay cho ba mẹ và gia đình, cả nhà đều rất vui và hạnh phúc”, chị Loan vui vẻ tâm sự.
Thu Thảo - (Ảnh NVCC)
Theo ĐSPL, Vietnammoi