Đến Huế vào đúng ngày rằm, khắp đường phố và trong các khu chợ tràn ngập món chay. Tôi cũng rẽ vào một nhà hàng chay ven đường, thưởng thức cái thanh tịnh yên bình của đất cố đô vương vấn từ không gian cho tới mùi vị.
Đến Huế vào đúng ngày rằm, khắp đường phố và trong các khu chợ tràn ngập món chay. Tôi cũng rẽ vào một nhà hàng chay ven đường, thưởng thức cái thanh tịnh yên bình của đất cố đô vương vấn từ không gian cho tới mùi vị.
Nổi tiếng với những ngôi chùa thâm trầm cổ kính, chẳng nơi nào ở Việt Nam mà việc ăn chay lại trở thành một nét văn hóa thú vị như ở Huế. Và có lẽ cũng chẳng nơi đâu ẩm thực chay lại phong phú như ở nơi đây. Một người bạn Huế của tôi đùa: cái gì mặn có thì chay có. Nhưng dù là chay giả mặn, thì cái cách người Huế làm và thưởng thức món chay cũng vẫn cứ điềm đạm, an nhiên như cái tâm một lòng hướng Phật.
Bữa cơm chay xứ Huế. Ảnh: Tịnh Tâm
Cứ mỗi ngày mùng 1, ngày rằm, hàng loạt hàng quán ven các con đường nhỏ xứ Huế bỗng trở nên... chay tịnh. Nào là bún chay, cháo chay, bánh canh chay... thơm lành và rực rỡ. Tôi đã từng ngồi ở cổng chợ Bến Nghé ăn bún chay. Bát bún 15 nghìn bây giờ hồi ấy chỉ có giá 5 nghìn đồng, có đậu khuôn, măng khô, cà chua, đậu bắp, nấm rơm, nấm mèo, cà rốt... Chừng ấy thứ rau củ hợp tấu trong tô bún nhỏ xinh. Mà lạ, chẳng vị nào lấn át nhau. Cà chua vẫn chua dìu dịu, cà rốt vẫn ngọt thanh tao, nấm rơm, nấm mèo phảng phất vị núi rừng. Mơ hồ, lưỡi tôi còn nếm được vị ngọt rất quen, nhưng tưởng chừng như chưa bao giờ cảm thấy nó trong bất kỳ tô bún nào trước đó. Hỏi ra, tôi mới biết đó là vị ngọt của trái lê đập dập mà các o, các mệ người Huế bỏ vào nồi nước dùng chay cho tô bún thêm thơm ngọt.
Các nhà hàng, quán cơm chay bình dân ở Huế thì mở cửa quanh năm. Trước đây, mỗi lần vào Huế tôi vẫn thường tìm đến nhà hàng chay Tịnh Tâm I và II ở đường Hùng Vương và Phạm Ngũ Lão, nơi có món cháo chay nấu bằng thứ gạo gì đó mà tôi không rõ, chỉ biết hạt gạo nở bung như đóa hoa đẹp tuyệt, và hương vị thì thơm ngon đến nỗi tôi tưởng như mình chưa từng được nếm qua thứ gì êm dịu hơn như thế. Chỉ tiếc giờ Tịnh Tâm đã đóng cửa, du khách và dân Huế thường tìm đến Liên Hoa quán ở đường Lê Quý Đôn và Bồ Đề ở đường Bà Triệu. Bình dân hơn thì có các quán chay dọc bờ bắc sông Hương và vòng quanh đại nội. Các món chay giản dị, ngon mắt xếp gọn ghẽ trong khay nhôm, bún, cháo chay cũng sẵn sàng khi khách gọi. Chỉ khoảng 30 nghìn một suất và 12-15 nghìn một đĩa cơm chay. Bún, cháo thì 15 nghìn một tô. Khách của quán là những người đàn ông quần soọc, áo may ô thong thả đi bộ từ nhà ra, những người đạp xích lô còn vắt khăn trên vai, bà mẹ trẻ vừa chở con về từ trường học. Họ vào quán chay chẳng phải vì ngày rằm, ngày lễ, mà cứ thản nhiên, quen thuộc như ngày nào cũng vậy.
Chiều nay, tôi gọi đĩa cơm ở một quán chay bình dân giữa Hà Nội, đắt đỏ, sao bỗng nhớ đến bữa trưa với đĩa nấm xào chay ngon tuyệt ở nhà hàng Bồ Đề với cái giá dễ chịu không ngờ. Và tôi nhớ cả cái cách ăn chay bình đạm, an nhiên của vùng đất cố đô trầm mặc ấy.
Tịnh Tâm
theo Sài gòn ẩm thực