Sự kiện hot
13 năm trước

Ẩn họa từ vỏ bọc thực phẩm hàng ngày

Mặc dù có thông tin chất hóa học BPA (bisphenol A) sử dụng rộng rãi trong đồ nhựa, vỏ bọc thực phẩm có liên quan đến bệnh ung thư, tăng cân và tiểu đường, song người tiêu dùng ít ai quan tâm đến khuyến cáo này.

Mặc dù có thông tin chất hóa học BPA (bisphenol A) sử dụng rộng rãi trong đồ nhựa, vỏ bọc thực phẩm có liên quan đến bệnh ung thư, tăng cân và tiểu đường, song người tiêu dùng ít ai quan tâm đến khuyến cáo này.

Cuối tháng 2/2012, Giáo sư Angel Nadal, Nhà nghiên cứu chính về BPA tại Đại học Miguel Hernendez, Tây Ban Nha cho biết, chỉ cần lượng nhỏ chất hóa học BPA (khoảng1/4 microgram) là có thể gây ra phản ứng trong cơ thể làm thay đổi các tín hiệu hormon, gây ra nhiều bệnh, trong đó có béo phì, tiểu đường.

Vô tư sử dụng đồ nhựa không đúng cách

Nguy hiểm là vậy, nhưng có thể nói, các sản phẩm tiêu dùng làm từ nhựa hiện nay đang được sử dụng rộng rãi hằng ngày, đặc biệt là trong chế biến và chứa đựng thực phẩm.

Khi đi chợ, bó rau, con cá, ổ bánh mì…cũng được gói bằng hộp nhựa, túi nilon. Khi mua thức ăn về nhà, nếu là cơm thì được đựng trong hộp xốp,hộp nhựa, nước canh cũng đựng trong túi nilon, lon nhựa. Cơm trưa văn phòng cũng dùng khay nhựa. Nhựa còn làm bình sữa, làm vật chứa các loại nước uống, dầu ăn, nước mắm... Nhưng, NTD ít biết rằng, các loại đồ dùng, bao bì bằng nhựa này có thể nhiễm hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hàng rong, tiềm ẩn mầm bệnh

Khảo sát của PV Infonet tại các chợ, cửa hàng, quán ăn cho thấy, tình trạng sử dụng đồ nhựa sai mục đích như các loại khay, đĩa nhựa dùng để đựng ly tách đã được nhiều quầy hàng ăn uống dùng để đựng các loại thức ăn chín khi chúng vừa được vớt ra từ nồi nấu, luộc đang còn nóng… diễn ra quá nhiều.

Gần chợ Vườn Chuối, đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM có một gánh bán súp óc heo, súp cua đang sôi sùng sục, nhưng lại dùng ly nhựa mỏng chỉ để uống nước lọc đựng súp bán cho khách.

Lý giải việc này, chị T. người bán súp cho biết: “Sử dụng ly nhựa vừa tiện lợi, vừa rẻ (giá có 500 đồng/ly), mà khi lỡ có bị có bị công an đuổi thì cũng nhẹ nhàng hơn trong việc “tẩu thoát””. Khách hàng của gánh súp thuộc nhiều thành phần, song chẳng ai mảy may quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm. Thậm chí, có người còn vô tư cho biết “lâu lâu mới ăn một ly chứ có ăn hoài đâu mà ngại!”.

Bao bì chưa được kiểm định dùng đựng thực phẩm tràn lan

Tại nhiều quán cơm chuyên bán cho khách mang về, việc chủ quán đựng thức ăn sẵn trong các bịch nylon nhỏ và cho vào lò vi sóng để hâm nóng khi khách hàng hỏi mua cơm diễn ra hàng ngày và khắp nơi.

Thậm chí, nhiều lúc có lẽ do hâm nóng quá lâu nên khi khách hàng mang cơm về nhà, mở bịch canh ra và không khỏi kinh ngạc vì bịch đựng canh đã bị biến dạng, chảy nhựa… và vị của canh trở nên đăng đắng…bởi mùi của nhựa.

Với cánh hàng rong như bánh tráng trộn, xôi, trái cây, bánh mì nóng... đa số người bán sử dụng các loại bịch xốp nhiều màu sắc, với nhiều mức độ chất lượng khác nhau từ sáng bóng đến sần sùi xạm màu… để chứa đựng thức ăn.

Ly nhựa dùng uống nước mát lại được dùng để chứa đồ nóng

Nhiều gánh xôi, người bán dùng những bọc nylong cỡ lớn để bao phủ lên bề mặt nồi xôi đang nghi ngút khói để chắn bụi mà không quan tâm chúng có thể thẩm thấu chất độc trực tiếp vào món xôi.

Theo TS.Phạm Thành Quân, Đại học Bách khoa TP.HCM, hiện nay nhằm tăng lợi nhuận, các nhà sản xuất hàng nhựa thường dùng nguyên liệu nhựa PE công nghiệp, phụ gia, chất xúc tác không an toàn và cả màu công nghiệp để sản xuất vật dụng chứa thức ăn.

Hóa chất độc hại trong đồ nhựa rất dễ nhiễm vào cơ thể qua đường tiêu hóa. Chúng có “khả năng" làm gia tăng số lượng gốc tự do, khiến chúng ta mỏi mệt, khó hồi phục sức và mau già... Nếu là chất tan trong nước, cơ thể sẽ đào thải qua đường tiểu, mồ hôi. Với những chất không tan trong nước mà gan cũng “chịu thua” sẽ dễ tích lũy vào gan và tích lũy đến một mức nào đó sẽ gây ung thư gan hoặc tử vong.

Cơm hộp sử dụng dồ nhựa không an toàn nhiều nhất

Cách tốt nhất để hạn chế tác hại từ đồ nhựa là “không nên sử dụng đồ nhựa ở nhiệt độ cao, nhiệt độ quá thấp (trong tủ lạnh), không đựng đồ chua, không đựng dầu mỡ, không nấu trong lò vi sóng... Ngay cả một số vật dụng bằng nhựa có thể chịu được nhiệt trong lò vi sóng, nhưng không chắc chắn trong đó không chứa phụ gia gây độc. Nên dùng sứ, sành để nấu trong lò vi sóng…” - GS. Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM khuyến cáo.

Trần Nhã
Theo Infonet

Từ khóa: