“Người trồng rau không dám cho con ăn rau. Người bán hoa quả không dám cho con ăn quả… Thế nhưng người trồng rau không thể không ăn hoa quả, người trồng hoa quả không thể không ăn rau".
“Người trồng rau không dám cho con ăn rau. Người bán hoa quả không dám cho con ăn quả… Thế nhưng người trồng rau không thể không ăn hoa quả, người trồng hoa quả không thể không ăn rau".
Một vòng tròn nghiệt ngã mà hành vi của người nọ ảnh hưởng đến người kia trong xã hội và vì sự ích kỉ, người ta đang giết nhau! ”thở than của một người mẹ có con bị ung thư máu đang ở gần chợ Long Biên. Cũng từ gợi ý của chị, chúng tôi đến thực tế việc tẩm ướp hoa quả bằng hóa chất và đưa thông tin này đến bạn đọc.
Để hoa quả tươi lâu và chín nhanh người ta dùng đến nhiều loại hóa chất hữu cơ đặc biệt!
Tươi ngon thì độc…
Để cho các loại trái cây được tươi, ngon, trông “bắt mắt” thì không ít các dân buôn hoa quả đều sử dụng thuốc hãm để lấy độ tươi, hay ướp đất đèn để cho quả chín vàng đều. Tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên (Hà Nội) – nơi chuyên cung cấp mặt hàng hoa quả cho thành phố và các tỉnh lân cận, vừa bước vào cổng các ki-ốt trái cây, chúng tôi bị đập vào mắt bởi những gói bột trắng vứt la liệt trên nền chợ.
Theo quan sát của chúng tôi, các gói bột màu trắng, sờ mịn mịn như bột gạo, được bọc một lớp báo vứt tung tóe ở ngoài chợ quanh ki-ốt bán xoài, khi được hỏi về gói đất này, một người chuyên gánh thuê tại chợ Long Biên nói: “Đó là gói đất đèn, các chủ buôn ở đây dùng để “đánh” xoài cho nhanh chín. Xoài đánh bằng đất đèn, quả nào quả ấy cũng giống nhau như đúc, vàng đều như rơm, trông rất bắt mắt”.
Đi thẳng vào chợ được một đoạn, ba người đang mải miết đóng gói lại một đống đất đèn – trông như những viên đá nhỏ, màu tro. Một bác gái mái tóc màu hoa râm, tay phải đeo găng tay cao su đang lúi húi xúc từng xúc đất đèn vào một gói làm bằng giấy cứng chia sẻ: “Đây là đất đèn, tôi chia nhỏ ra để bán, mỗi gói này là một cân, giá là 25 nghìn. Đóng gói xong là bán hết trong ngày chú ạ! Đang là mùa Xoài nên nhu cầu cũng cao”.
Đất đèn được sử dụng để làm chín hoa quả
Người bán hoa quả cấm con ăn hoa quả...
Bác Sự (Hưng Yên) bán hoa quả thuê ở chợ Long Biên được gần 15 năm. Bác Sự có dáng người mảnh khảnh, hai má quắt lại. Hỏi về chuyện tẩm ướp hoa quả, bác Sự nói: “Sau khi các chủ vườn ở miền Nam thu hoạch, xoài vẫn còn xanh, sau đó người ta đánh vào thùng rồi cho đất đèn vào để ủ và vận chuyển ra ngoài này mất 3 ngày 3 đêm mới ra được tới Hà Nội. Khi đổ vào các mối ở đây, chúng tôi lại phải đánh ra một lần nữa để cho hả hơi, muốn cho Xoài chín đều, bóng lại phải ủ đất đèn thêm một lần nữa”.
“Một cân đất đèn thường ướp được khoảng 20 thùng xoài, mỗi thùng nặng khoảng 45 – 50 kg. Khi ướp chúng tôi phải gói khoảng ba bốn cục đất đèn bằng giấy báo, mỗi thùng cho khoảng năm gói, ủ tầm ba ngày để lấy độ chín cho xoài, khi mở thùng thấy xoài chín đều, màu vàng óng thì bỏ ra, khi đó thì đất đèn bở bục ra có màu trắng, mịn như bột, đó chính là gói đất đèn mà chú vừa nhặt được ở dưới đường”.
Xoài bán cũng có nhiều loại, loại mập và loại xấu xí. Người bán hàng phân loại chúng và tiếp tục sử dụng đất đèn thêm một lần nữa để tạo mầu sắc cho từng trái xoài.
Làm nghề dính với hóa chất, bác Sự thở dài: “Làm cái nghề này cực lắm, suốt ngày phải hít đất đèn người cứ gầy đi không thể béo lên được”.
Để hạn chế hóa chất người sử dụng nên rửa sạch, gọt vỏ
Ông Hướng (52 tuổi, quê Hưng Yên) bốc vác thuê ở chợ cũng được gần 20 năm cho biết: “Đợt trước vì miếng cơm manh áo tôi phải ra tận cửa khẩu để đóng hàng. Trái cây được thu hái, trước khi vận chuyển về tới chợ tôi đều thấy họ ngâm qua một bể dung dịch để hãm cho các loại quả tươi lâu và không bị thối. Mỗi khi ế không bán được chúng tôi đều bốc vào kho, nhất là hàng Trung quốc để nửa tháng không thối, xong lại bỏ ra bán tiếp!”.
Được biết, từ chợ đầu mối Long Biên ông Hướng cũng hay về quê thăm nhà. Tuy nhiên ông không bao giờ mang hoa quả từ chợ về quê cho con cháu ăn thậm chí còn dặn con cháu, không nên ăn hoa quả ngoài chợ.
Trao đổi với chúng tôi kỹ sư hóa học Nguyễn Trọng Lư cho rằng, hóa chất làm tươi là sự kết hợp của nhiều loại chất hữu cơ khác nhau, kích thích lên tế bào vỏ làm tế bào tươi lâu. Quá trình vận chuyển, thời gian để hoa quả lâu khiến hóa chất này ngấm sâu vào bên trong hoa quả.
Người ăn hoa quả này không thể chết ngay nhưng sự tích lũy tồn dư trong cơ thể là vô cùng nguy hiểm.
Khắc phục hiện tượng này, người ăn hoa quả nên gọt vỏ rửa sạch… Phần hóa chất tồn dư sẽ giảm đi và ít gây nguy hiểm hơn.
Đình Hường
Theo VietNamnet