Khi có anh (hoặc chị) tài năng hay quá hoàn hảo, các teen nhà ta rất dễ bị đè bẹp bởi "cái bóng" của họ.
Khi có anh (hoặc chị) tài năng hay quá hoàn hảo, các teen nhà ta rất dễ bị đè bẹp bởi "cái bóng" của họ.
Từ lối sống hiện tại
Sống trong gia đình có anh chị quá tài giỏi cứ tưởng là được “thơm lây”, ai ngờ teen phải chịu nhiều áp lực từ tính cách đến lối sinh hoạt.
Bạn Minh Trang (16 tuổi, Q5, TPHCM) chia sẻ: “Chị mình ngay từ cấp 2 đã đạt được những thành tích đáng nể. Thế là mẹ luôn lấy chị ra làm hình mẫu để mình và em trai noi theo. Nhưng đó lại trở thành cái bóng “đè bẹp” hai chị em mình vì nhiều khi đã rất cố gắng nhưng vẫn không bằng chị. Đến việc tham gia hoạt động văn nghệ mà mẹ cũng cấm với lí do phải ở nhà chăm chỉ học hành như chị”.
Bạn Ngọc Thái (18 tuổi, Q.Tân Bình, TPHCM) thì bức xúc nói: “Đi đâu mẹ cũng giới thiệu mình là em của… anh trai mình, anh ấy đoạt giải này giải nọ. Đến cả cái tính nhí nhố thích chọc cười mọi người cũng bị mẹ la: “Sao không nghiêm túc, nhã nhặn như anh mày!”.
Lúc nào tớ cũng bị ba mẹ so sánh với anh hai (Ảnh minh hoạ)
Đến chọn đường tương lai
Có lẽ, đối tượng bị ảnh hưởng của những cái bóng nhiều nhất chính là teen đang ngấp nghé bước chân vào đời. Có rất nhiều cánh cửa để các bạn lựa chọn nhưng ba mẹ cứ bắt phải đi theo hướng của anh chị. Hoàng Linh (lớp 12, THPT Trưng Vương, Q3, TP.HCM) ngậm ngùi nói: “Ba mình bảo nghề báo cực khổ lại… nghèo nên bắt mình phải thi vào ngành kinh tế chỉ vì anh hai mình đang rất thành công trong lĩnh vực kinh doanh”.
Cũng trong tình cảnh tương tự, bạn Đức Đạt (18 tuổi, Q.1, TP.HCM) chia sẻ: “Chắc tại chị gái sau khi du học về nước, đã được nhận vào làm ở một công ty nước ngoài, mức lương cao ngất ngưởng nên ba mẹ tớ cho rằng chỉ có đi du học thì tương lai mới tươi sáng. Mẹ đã một mực làm thủ tục du học trong khi mình không thích chút nào”.
Ức chế vì “cái bóng”
Bạn Hoàng Linh (19 tuổi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) ngoan ngoãn nghe theo mẹ thi đậu vào trường ĐH Kinh tế. Nhưng sau một thời gian không chịu đựng được sự “khô khốc” của những con số nên đã bỏ dở việc học và quyết định ôn thi đại học lại.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều những hậu quả của việc bị “bóng đè”. Dò dẫm theo những con đường của anh chị sẽ khiến teen bị mất dần định hướng và không biết mình thực sự cần gì, muốn gì. Điều đó cũng nguy hiểm như việc không có ước mơ, không có phấn đấu.
Nhiều teen đã dần trở nên tự ti và mặc cảm vì không bằng anh chị
Hậu quả tai hại hơn mà ít bậc phụ huynh để ý là sau một thời gian như vậy teen sẽ dần trở thành một… "cái bóng" trong nhà. Mặc cảm khi không được là chính mình, không tài giỏi bằng anh chị sẽ khiến teen trở nên khép kín và không muốn tiếp xúc với ai. Đó cũng là lí do mà bạn Ngọc Thái sau một thời gian bị áp lực bởi sự tài giỏi của ông anh hoàn hảo đã phải đi điều trị tâm lí vì ngày càng trở nên ù lì, trầm cảm.
Làm sao để không bị “bóng đè”?
Một người con tài giỏi, trở thành niềm tự hào của cha mẹ là điều dễ hiểu, nhưng niềm tự hào quá mức sẽ trở thành gánh nặng cho những anh chị em khác. Nếu ba mẹ vẫn chưa cảm nhận được những áp lực đó thì teen hãy sắp xếp một buổi nói chuyện thân mật nhé. Hãy để ba mẹ tin tưởng rằng mình có thể “khai hoang” một con đường khác anh chị hay gia đình nhưng vẫn đủ khả năng lập nghiệp.
Hãy khẳng định bản thân bằng chính thực lực của mình teen nhé!
Thế nhưng, buổi nói chuyện đó cũng chỉ là bước đầu tiên cho hàng loạt các hoạt động “chứng minh luận điểm” của teen thôi đấy! Như bạn Minh Trang, sau một thời gian đấu tranh để được tiếp tục ca hát, bằng giọng ca đầy tiềm năng bạn đã giành được nhiều giải thưởng văn nghệ tại trường, khu vực thành phố và đã bắt đầu kiếm được những đồng tiền đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Hay như bạn Đức Đạt sau khi kiên quyết ở Việt Nam học tập đã nỗ lực hết sức để giành được học bổng tại trường và đang có nhiều lời mời làm việc dù vẫn chưa tốt nghiệp.
Vẫn biết không thể một sớm một chiều mà thay đổi được những định kiến của ba mẹ. Tuy nhiên, hãy chăm chỉ từng bước một khẳng định “vân tay” của riêng mình nhé!
Hoàng Lan