Số lượng các đợt tăng lãi suất ít nhất thêm 0,5% cao kỷ lục từ đầu thế kỷ 21.
Một loạt các ngân hàng trung ương có những động thái về chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát cao và đồng nội tệ mất giá.
Một số ngân hàng trung ương được dự báo sẽ tăng lãi suất trong kỳ điều chỉnh chính sách tiền tệ sắp tới.
Một loạt các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tạo ra áp lực vô cùng lớn, đè nặng trên vai các ngân hàng trung ương toàn cầu, buộc họ phải cân nhắc tiến hành những động thái tương tự nhằm chế ngự lạm phát và sức mạnh của đồng USD.
Theo kết quả nghiên cứu của Financial Times, số lượng các ngân hàng trung ương lựa chọn phương án nâng lãi suất thêm ít nhất 0,5% thời gian gần đây tăng lên ngưỡng cao kỷ lục trong thế kỷ này.
Các đợt tăng lãi suất của Fed, trong đó bao gồm lần tăng 0,75% trong tháng trước, mức cao nhất kể từ năm 1994, và quan ngại suy thoái kinh tế toàn cầu khiến cho đồng USD “bứt phá” so với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới. Với việc nhiều loại hàng hóa được giao dịch bằng đồng USD trên thị trường quốc tế, đồng bạc xanh mạnh lên làm gia tăng áp lực lạm phát thông qua đà tăng chi phí hàng hóa nhập khẩu, khởi nguồn cho một hiện tượng mà các chuyên gia phân tích gọi là “cuộc chiến tiền tệ đảo ngược” giữa các nhà hoạch định chính sách tiền tệ.
“Chúng ta đang đối diện với một ‘cơn sốt’ tăng lãi suất”, James Athey, Quản lý danh mục cấp cao tại Abrdn, một công ty đầu tư, chia sẻ. “Điều này hoàn toàn trái ngược so với những gì chúng ta đã từng chứng kiến trong thập kỷ qua… Hiện tại, một đồng tiền yếu là điều mà mọi quốc gia né tránh”.
Các nhà hoạch định chính sách của Canada là những người đầu tiên gây bất ngờ cho các thị trường với mức tăng lãi suất thêm 1% trong ngày 13/7, cao hơn dự báo trước đó. Đây là mức tăng lãi suất lớn nhất của một quốc gia trong nhóm G7 kể từ năm 1998. Chỉ một ngày sau đó, một bất ngờ lớn khác tới từ ngân hàng trung ương Philippines, với mức tăng lãi suất 0,75%, cao nhất trong vòng 22 năm.
Trong quý II, có 62 đợt tăng lãi suất với mức tăng ít nhất 0,5% được thực hiện bởi 55 ngân hàng trung ương trên toàn cầu, theo thống kê của Financial Times. Chỉ tính từ đầu tháng 7, có thêm 17 đợt tăng lãi suất với mức tăng tối thiểu 0,5% khác được thực hiện, đánh dấu một giai đoạn có số lượng các đợt tăng lãi suất mạnh nhiều nhất từ đầu thế kỷ 21, đồng thời bỏ xa giai đoạn siết chính sách tiền tệ gần đây nhất, xảy ra trước thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 bùng nổ.
Ngân hàng trung ương tại những quốc gia chịu sức ép lớn từ thị trường ngoại hối có những bước đi “táo bạo nhất’. Hungary là một ví dụ điển hình. Quốc gia này đã tăng lãi suất tới 3,85% chỉ trong hai tháng trong bối cảnh lạm phát tăng cao và đồng tiền nội tệ giảm giá so với đồng USD.
Tỷ giá là một yếu tố quan trọng giúp định hình chiến lược chính sách tiền tệ tại nhiều nền kinh tế mới nổi, trong đó bao gồm cả các nền kinh tế mới nổi tại châu Âu, với việc đồng nội tệ của họ chịu tác động nặng nề từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và tâm lý phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư, theo Jennifer McKeown, Giám đốc dịch vụ kinh tế toàn cầu tại Capital Economics.
Tuy nhiên, xu hướng này đang ngày một mở rộng và ảnh hưởng tới cả các quốc gia lớn. Trong tháng 7 này, ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã tăng lãi suất thêm 0,5% lần đầu tiên trong lịch sử.
Một loạt các quyết định tăng lãi suất khác gây bất ngờ cho nhà đầu tư, được thực hiện bởi các ngân hàng trung ương Australia, Na Uy và Thụy Sĩ, với mức tăng 0,5% thời gian gần đây. Thị trường trước đó dự báo ngân hàng trung ương Thụy Sĩ, vốn ủng hộ quan điểm nới lỏng chính sách tiền tệ, sẽ không sớm tăng lãi suất. Tuy nhiên, quan ngại lạm phát và sự thay đổi chóng mặt của tỷ giá đã buộc ngân hàng này phải hành động ngay lập tức.
Tại các nền kinh tế phát triển, lãi suất liên tục tăng từ ngưỡng thấp kỷ lục, thời điểm các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế từ những ngày đầu dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, với việc mức lãi suất hiện tại vẫn tương đối thấp so với trong quá khứ, các chuyên gia kinh tế dự báo một số ngân hàng trung ương lớn sẽ tăng mạnh lãi suất dự báo ở ngưỡng 0,5%, 0,75% hoặc thậm chí là 1% trong các kỳ họp chính sách sắp tới nhằm đưa lãi suất lên gần hơn ngưỡng trung bình dài hạn.
Bà McKeown cho biết các ngân hàng trung ương cần phải hành động nhanh chóng, kéo lãi suất ra khỏi vùng “hỗ trợ”, nhằm tránh rơi vào vòng xoáy tiền lương - giá cả.
Ngân hàng trung ương Anh
Để đối phó với lạm phát, ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã có tổng cộng 5 lần tăng lãi suất 0,25%. Tuy nhiên, Matthew Ryan, Chuyên gia phân tích cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Ebury, nhận định “BoE cần sớm gia nhập ‘câu lạc bộ 0,5%’ nhằm 'cứu vớt' đồng bảng Anh” và hạ nhiệt giá cả.
Đồng tình với quan điểm trên, Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết cơ quan này sẽ cân nhắc khả năng tăng lãi suất thêm 0,5% trong đầu tháng 8 nhằm sớm kéo giảm lạm phát.
Ưu tiên số một của Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) là đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2%, ông Bailey chia sẻ. Ông cũng lên tiếng thừa nhận BoE đang phải đối mặt với “thử thách lớn nhất” trong quá trình kiểm soát lạm phát từ khi MPC được thành lập.
Với việc lạm phát tháng 6 tiếp tục lập đỉnh mới sau 40 năm ở ngưỡng 9,4%, khả năng BoE tăng lãi suất thêm 0,5% càng được củng cố. Nếu được thông qua, đây là mức tăng lãi suất lớn nhất của ngân hàng này từ năm 1995.
Ngân hàng trung ương châu Âu
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% ngay trong tuần này trong bối cảnh lạm phát cao kỷ lục và đồng euro rớt giá mạnh khi trong tuần trước, đồng euro có thời điểm ngang giá với đồng USD sau hơn 20 năm.
Nếu trở thành sự thật, đây sẽ là bất ngờ lớn đối với thị trường vì trong tháng trước ngân hàng này phát đi tín hiệu về một đợt tăng lãi suất 0,25% trong tháng 7, đồng thời đặt dấu chấm hết cho một giai đoạn lãi suất âm kéo dài suốt 8 năm. Lần gần nhất ECB tăng lãi suất thêm 0,5% là vào tháng 6/2000.
Quan ngại ECB đã quá chậm chân trong cuộc đua lãi suất toàn cầu được dự báo sẽ là chủ đề chính bao trùm phiên làm việc ECB trong bối cảnh lạm phát tháng 6 của khu vực này cao kỷ lục, ở mức 8,6%.
“ECB lẽ ra nên tăng lãi suất thêm 0,5% từ trước đó”, Frederik Ducrozet, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Pictet Wealth Management, nhận định.
Cục dự trữ liên bang Mỹ
Dù không phải đối diện với tình trạng đồng tiền nội địa mất giá, dữ liệu thị trường việc làm tích cực, bên cạnh đó là lạm phát cao hơn dự báo trong tháng 6 là tiền đề để Fed tăng mạnh lãi suất trong kỳ họp sắp tới, dự kiến diễn ra trong hai ngày 26-27/7.
Thị trường thậm chí dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm 1%, cao hơn dự báo trước đó, sau khi dữ liệu lạm phát tháng 6 được công bố, và kết thúc năm ở ngưỡng 3,5-3,75%.
Việc Fed tăng mạnh lãi suất vô tình làm gia tăng áp lực bám đuổi đối với nhiều ngân hàng trung ương khác khác, đặc biệt tại các nền kinh tế đang phát triển, dù một số ngân hàng trung ương đã “nhanh chân” siết chặt chính sách tiền tệ từ năm ngoái, sớm hơn các quốc gia phát triển.
Trọng Đại
Theo ndh.vn