Sự kiện hot
3 năm trước

Tăng lãi suất không phải 'chìa khoá' kiềm chế lạm phát

Nhiều chuyên gia đồng quan điểm rằng, lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy, vì vậy công cụ chính sách tiền tệ, tăng lãi suất không phải là "chìa khoá" để kiềm chế lạm phát, thậm chí có thể gây tác dụng phụ, ảnh hưởng tới quá trình phục hồi nền kinh tế.

Hội thảo "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán". Ảnh: NT

Ngày 15/7, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) đã tổ chức hội thảo "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán".

Chia sẻ thông tin tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết: Ba rủi ro lớn nhất toàn cầu phải đối mặt hiện nay là lạm phát tăng cao khiến FED buộc phải tăng lãi suất; giá cả năng lượng tăng ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; và chính sách zero COVID của Trung Quốc khiến kinh tế toàn cầu không đạt tăng trưởng như dự báo.

Về vấn đề lạm phát, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, lạm phát thế giới hiện nay đang tăng rất cao khiến FED buộc phải tăng lãi suất. Theo thống kê, đến nay đã có gần 70 quốc gia với khoảng 113 lần tăng lãi suất trong 6 tháng đầu năm 2022. Theo dự báo với tỷ lệ 50%, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023.

Lạm phát cao chủ yếu do giá xăng dầu. Giá xăng dầu tăng khiến tất cả giá cả các mặt đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là phân bón, giá năng lượng, lương thực, thực phẩm (dự báo tăng 20% năm 2022), khiến lợi nhuận biên của các doanh nghiệp giảm.

Với riêng nền kinh tế Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực phân tích bức tranh cho thấy nhiều điểm sáng.

Thứ nhất là tỷ giá. Tỷ giá danh nghĩa cho thấy, VND mất giá khoảng 2% so với USD, trong khi nhiều đồng mạnh trên thế giới hiện mất giá từ 4-20% so với USD. Chủ yếu do đồng USD tăng giá mạnh, mà nguyên nhân chính là do FED tăng lãi suất. Trong cả năm 2022, VND có thể mất mất giá 2,5-3% so với USD. Đây là một điểm sáng.

Về lạm phát, lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy không phải do cung tiền (cung tiền tăng vừa phải là 3,51%), NHNN có dư địa để tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 15% để hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế.

Sáu tháng đầu năm 2022, lạm phát tăng chủ yếu do nhóm giao thông (chủ yếu là giá xăng dầu). Vì vậy muốn chống lạm phát, the TS. Cấn Văn Lực là phải bình ổn giá xăng dầu. Theo đó, Việt Nam có rất nhiều điều kiện để ổn định giá xăng dầu như ngân sách tăng thu do giá dầu thế giới tăng mạnh nên có nhiều đề xuất nên dùng phần thu tăng thêm này để giảm thêm các loại thuế phí khác cho xăng dầu trong nước ngoài thuế bảo vệ môi trường đã giảm kịch khung.

Về lãi suất, dự báo lãi suất các quốc gia lớn là đi lên (trừ Trung Quốc có thể đi xuống vì cần phục hồi sau thời gian áp dụng zero COVID). Đây cũng là giai đoạn tốc độ tăng lãi suất nhanh nhất từ trước tới nay. Dự báo lãi suất điều hành của Mỹ tới cuối năm 2022 tới có thể là 3,7-4%.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tăng lãi suất hiện nay có thể làm kinh tế suy thoái mà lại có thể không cứu được lạm phát, vì lạm phát hiện nay chủ yếu do chi phí đẩy, đứt gãy chuỗi cung ứng. Tăng lãi suất chưa chắc là thuốc đặc trị mà còn gây phản ứng phụ.

Đặc biệt với Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh rằng, lạm phát của Việt Nam không phải do yếu tố tiền tệ nên NHNN có tăng lãi suất điều hành cũng chưa chắc đã phát huy tác dụng, cùng với đó lại đi ngược với chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ phụ hồi, phát triển kinh tế.

Ngoài ra, một trong những điểm sáng của Việt Nam hiện nay là trong khi nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với vấn đề nợ công tăng cao, dịch chuyển dòng đầu tư thì Việt Nam lại khá an toàn, tỷ lệ nợ công dưới 50% GDP và khối ngoại đang mua ròng trở lại.

Đồng quan điểm với TS. Cấn Văn Lực, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhấn mạnh: Cần khẳng định rằng, lạm phát Việt Nam là lạm phát chi phí đẩy. Vì vậy, giả định NHNN thắt chặt tiền tệ sẽ khiến toàn bộ hoạt động đầu tư của  doanh nghiệp bị đình đốn, khiến nguồn cung giảm và lạm phát tiếp tục tăng lên, chính sách tiền tệ trở nên bất lực.

Điều có thể làm lúc này, theo TS. Lê Xuân Nghĩa là sử dụng chính sách tài khoá. Hiện nay xăng dầu tác động rất lớn lên lạm phát nhưng cũng là mặt hàng phải chịu rất nhiều loại thuế. Vì vậy, cần sớm có giải pháp hỗ trợ để bình ổn giá xăng dầu.

Ngoài ra, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, Việt Nam có một điều may mắn để có thể đứng ngoài vòng xoáy lạm phát. Giai đoạn dịch bệnh các nước thi nhau bơm tiền ra nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng, phục hồi thì Việt Nam lại gần như không. Do đó, đến nay khi các nước phải đối mặt với vấn đề lạm phát tăng cao, buộc phải tăng lãi suất để hút tiền về thì Việt Nam lại không phải đối mặt với vấn đề này. Đây cũng là lý do, có thể bất chấp FED tăng lãi suất thì các nhà đầu tư ngoại vẫn sẽ quay trở lại Việt Nam.

N.THOAN
Theo nhadautu.vn

Từ khóa: