Sự kiện hot
13 năm trước

Bắc Ninh hướng tới xây dựng một nền kinh tế Xanh

Trong bối cảnh cả thế giới đang dùng mọi nỗ lực để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu thì kinh tế Xanh là xu hướng lựa chọn tất yếu không chỉ của các nước phát triển mà là cái đích cần đến của cả những nước đang phát triển và chậm phát triển. Chính vì lẽ đó mà UNEP (Chương trình LHQ về môi trường) đã chọn chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay là: “Green Economy: Does it include you”? (tạm dịch là: Kinh tế Xanh: Có bao gồm bạn không?).

Trong bối cảnh cả thế giới đang dùng mọi nỗ lực để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu thì kinh tế Xanh là xu hướng lựa chọn tất yếu không chỉ của các nước phát triển mà là cái đích cần đến của cả những nước đang phát triển và chậm phát triển. Chính vì lẽ đó mà UNEP (Chương trình LHQ về môi trường) đã chọn chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay là: “Green Economy: Does it include you”? (tạm dịch là: Kinh tế Xanh: Có bao gồm bạn không?).


Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai ở nhiều địa phương.

 Thông điệp của UNEP đưa ra nhằm nhấn mạnh kinh tế Xanh có vai trò quan trọng, chúng ta cùng suy nghĩ lại về cách phát triển kinh tế để có một tương lai tươi sáng hơn, và chính “chúng ta” là yếu tố quyết định để thực hiện tương lai đó. Sớm nhận thức rõ tầm quan trọng của kinh tế Xanh, cùng với cả nước Bắc Ninh đã có nhiều giải pháp chỉ đạo để hướng tới sự phát triển bền vững, trong đó kinh tế Xanh đóng vai trò chủ đạo.

Trong phát triển công nghiệp, tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển các KCN gắn với đô thị và dịch vụ, đưa các KCN, CCN vào hoạt động theo hướng bền vững, hiệu quả và hiện đại. Tập trung thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ có giá trị gia tăng cao, sử dụng tiết kiệm đất, năng lượng. Phấn đấu phát triển thành các cụm, ngành công nghiệp điện tử, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước.

Đến nay, Bắc Ninh đã xây dựng hệ thống “Khu công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản” tại KCN Quế Võ I, tiêu biểu là Tập đoàn Canon vào đầu tư đã kéo theo hàng loạt các doanh nghiệp Nhật Bản như Tabuchi, Tenma, Mitsuwa… và một số doanh nghiệp của các vùng lãnh thổ và quốc gia khác sản xuất linh kiện, các chi tiết máy, phụ tùng cho Canon hoặc các doanh nghiệp Nhật Bản khác tại Bắc Ninh cũng như trên cả nước. Hay tạo lập ngành công nghiệp mũi nhọn là điện tử tại KCN Yên Phong I với tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), KCN VSIP với tập đoàn điện tử Nokia (Thụy Điển)… Đi đôi với đẩy mạnh sản xuất, trong các KCN, công tác giám sát, kiểm soát ô nhiễm môi trường được đẩy mạnh, xử lý nghiêm đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp.

Trong phát triển nông nghiệp, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.  Tỉnh đang quy hoạch và triển khai nhiều khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực trong điều kiện đất nông nghiệp dần thu hẹp, vừa đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường.

Điển hình là Khu sản xuất thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao tại Tiên Du; Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với 3 loại sản phẩm gồm: Vùng trồng cây cà rốt, tổng diện tích 540 ha, tại Lương Tài 260ha, Gia Bình 280 ha; Vùng trồng cây khoai tây, với tổng diện tích 900ha, tại Quế Võ, bao gồm các xã Bằng An (170ha), Nhân Hòa (190 ha), Quế Tân (100ha), Việt Hùng (250ha), Phù Lương (90ha), Phượng Mao (100ha); Vùng trồng rau an toàn, tổng diện tích 50 ha, tại Thuận Thành.

Trong nuôi trồng thủy sản, quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với sản phẩm cá rô phi đơn tính, tổng diện tích 50 ha, địa điểm tại Bình Dương (Gia Bình), Phù Lương (Quế Võ), Phú Hòa (Lương Tài)… Nông nghiệp sạch đang từng bước khẳng định vị trí trong nền kinh tế, được nông dân trên địa bàn tiếp thu và nhân rộng. Thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường.

Cùng công nghiệp, nông nghiệp, phát huy tiềm năng văn hóa, lịch sử của địa phương, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương chú trọng phát triển ngành công nghiệp không khói. Đó là phát triển du lịch lịch sử - văn hoá, du lịch lễ hội tâm linh, du lịch làng nghề, góp phần tăng thêm nguồn thu cho địa phương, mặt khác còn gìn giữ, bảo tồn và phát triển giá trị của những di sản văn hóa quý giá, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc.

Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bằng nhiều giải pháp tích cực, cùng với sự nỗ lực không ngừng của mỗi “chúng ta” sẽ sớm đưa Bắc Ninh đi đến một nền kinh tế Xanh bền vững.

Bài, ảnh: Thái Uyên
theo Baobacninh

Từ khóa: