Ngành hot thực sự không “ngon ăn” như bạn vẫn nghĩ đâu nhé!
Ngành hot thực sự không “ngon ăn” như bạn vẫn nghĩ đâu nhé!
Trả giá đắt vì chọn ngành hot
Ngành “hot”, theo quan niệm của số đông là những ngành có nhu cầu nhân lực cao, ra trường dễ xin việc với mức lương “đáng mơ ước”. Vì thế, cứ đến kỳ tuyển sinh ĐH - CĐ, nhiều bạn học sinh lại đổ xô đăng ký các khoa “thời thượng” như: Kế toán - Kiểm toán, Tài chính Ngân hàng, Kinh tế đối ngoại hay Truyền thông - Báo chí mà không thực sự cân nhắc liệu bản thân mình có phù hợp? Hậu quả là không ít bạn phải hối hận với quyết định của mình.
Ảnh minh họa
Cách đây hơn 4 năm, khi đang còn là học sinh cuối cấp, Hà Phương (cựu SV ĐH Kinh doanh Công nghệ) đã chọn ngay khoa Kế toán với ý nghĩ rất đơn giản: ra trường dễ xin việc, lương lại cao. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác xa những gì cô nàng hình dung. Phải mất gần 3 tháng sau khi ra trường, Phương mới tìm được việc với mức lương 2 triệu.
Cô bạn chia sẻ: “Ban đầu, tớ cứ nghĩ doanh nghiệp nào cũng có bộ phận kế toán, tài vụ nên đầu ra sẽ thuận lợi. Nhưng ngành này liên quan đến tiền nên công ty nào cũng muốn tuyển những ứng viên giàu kinh nghiệm, tính cẩn thận. Do đó, khi năng lực hãy còn non, bạn phải chấp nhận “nai lưng” ở những doanh nghiệp nhỏ với mức lương ba cọc, ba đồng. Ấy là chưa kể, kế toán là một nghề khá tẻ nhạt, suốt ngày làm việc với bảng tính Excel, thành ra dễ bịstress lắm”.
Ảnh minh họa
Hay như trường hợp của Trần Minh Ngọc (cựu SV ĐH KHXH&NV) cũng vậy. Có chút năng khiếu viết văn, Lan đăng ký khoa Báo chí với mong muốn sẽ trở thành một nhà báo giỏi trong tương lai. Nhưng ra trường chưa đầy một năm, cô nàng đã “nhảy” đến 3 tòa soạn và quyết định học một khóa về quản trị văn phòng để đi làm trong lĩnh vực hành chính-nhân sự. Lý do không phải năng lực của Lan kém nên bị các công ty sa thải mà vì bản tính cô nàng rất thụ động, chỉ thích ngồi một chỗ hơn là đi lại. Và tất nhiên, cô không thể trở thành một nhà báo thực thụ như mơ ước của mình.
Bên cạnh đó, việc đào tạo theo trào lưu khiến những ngành hot dần có dấu hiệu “hạ nhiệt”, đơn cử như ngành công nghệ thông tin. Trước đây, cả nước chỉ có 7 khoa nhưng nay một loạt trường ồ ạt mở ngành này nhằm thu hút thí sinh đăng kí dự thi, dẫn đến hiện tượng đầu ra bị cạnh tranh, bão hòa. Lực lượng IT hùng hậu nên khi ra trường tỷ lệ “ngồi chơi” hoặc làm trái nghề cũng khá lớn.
Ảnh minh họa
"Chọn nghề là chọn số phận"
Cầm trên tay hồ sơ dự thi ĐH-CĐ, teen mình thường chỉ quan tâm đến tỷ lệ chọi, độ hot của ngành, điểm chuẩn mà không cân nhắc liệu mình có thể theo đuổi nó lâu dài. Nhưng “chọn nghề là chọn số phận”. Ô vuông mã ngành nho nhỏ mà bạn click vào đó sẽ là công việc bạn gắn bó, đi theo suốt đời.
Vì thế, nếu lựa chọn một ngành nào đó chỉ vì cái mác “thời thượng”, rất có thể bạn sẽ phải quay lại vạch xuất phát từ đầu. Lúc đó, bạn sẽ mất thêm thời gian để chọn lối đi phù hợp hơn với mình. Bởi thế, thay vì chọn bừa, bạn nên cân nhắc kỹ lưởng, tham khảo ý kiến từ nhiều người trước khi quyết định nhé!
Xuân Hưng